Tiểu Lâm năm nay 19 tuổi, sống tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Cô theo đuổi phong cách thời trang cá tính, sành điệu và thường dùng nhiều phụ kiện như nhẫn, vòng cổ, khuyên tai làm điểm nhấn.
Cách đây 8 ngày, Tiểu Lâm dùng nhiều cách nhưng vẫn không tháo được chiếc nhẫn bị chật ở ngón giữa tay trái. Mất bình tĩnh, cô liên tục dùng sức giật mạnh nhẫn ra khỏi tay. Không ngờ, dùng quá nhiều lực khiến nhẫn được lấy ra nhưng cả da, thịt ở ngón giữa cũng bị lột ra theo, lộ cả xương dài đến 7cm.
Không chỉ vậy, mu bàn tay của cô cũng bị rách 1 mảng lớn, nhiều dây thần kinh tay và mạch máu bị đứt, máu chảy đầm đìa. Người nhà Tiểu Lâm hoảng hốt đưa cô đến bệnh viện địa phương để cấp cứu.
Ảnh minh họa
Sau khi sơ cứu thành công, cô lập tức được chuyển đến Bệnh viện số 6 Thượng Hải (Trung Quốc) để điều trị chuyên sâu. Các bác sĩ ở đây cho biết dù tổn thương rất nặng nhưng nhờ cấp cứu kịp thời nên các dây thần kinh, mạch máu, da và xương của Tiểu Lâm vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Cuối cùng, nhóm hội chẩn quyết định tái tạo ngón tay bằng cách sử dụng mô, cơ và dây thần kinh lấy từ bàn chân của chính bệnh nhân. Ca phẫu thuật vô cùng phức tạp với nhiều tiểu tiết, yêu cầu sự tỉ mỉ và độ chính xác cao nên mất đến 13 tiếng đồng hồ mới có thể hoàn thành.
May mắn là mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, tốc độ hồi phục của Tiểu lâm cũng nhanh hơn mong đợi. Sau phẫu thuật 1 tuần, hiện tại ngón tay của Tiểu Lâm đã có thể cử động và bắt đầu được phục hồi chức năng theo liệu trình.
Bác sĩ hướng dẫn 4 cách tháo nhẫn chật an toàn
Bác sĩ điều trị của Tiểu Lâm cho biết, những trường hợp gặp chấn thương, thậm chí hoại tử hay phải cắt cụt tay do đeo nhẫn quá chật hoặc tháo nhẫn sai cách không phải là hiếm. Ông nhấn mạnh rằng sự bình tĩnh và phương pháp đúng là điều quyết định thành bại khi bạn cố gắng tháo 1 chiếc nhẫn bị chật ra khỏi tay.
Với kinh nghiệm nhiều năm là bác sĩ phẫu thuật tại Khoa Cấp cứu và Tai nạn, ông chỉ ra 4 cách tháo nhẫn chật chúng ta có thể tự làm tại nhà như sau:
1. Xoay thủ công
Cách này thường chỉ dùng cho cách trường hợp nhẫn không quá chật. Hãy duỗi thẳng ngón tay đeo nhẫn, dùng tay còn lại xoay qua xoay lại chiếc nhẫn theo chiều thuận và ngược kim đồng hồ luân phiên, đồng thời kéo nhẹ theo hướng tháo nhẫn ra khỏi tay.
Tuy nhiên, chỉ dùng lực vừa phải, chậm rãi và khi thấy đau đớn, quá khó tháo thì hãy chuyển qua cách tiếp theo. Tránh cố chấp dùng sức tháo sẽ gây ra chấn thương mà còn làm hỏng hình dạng nhẫn.
2. Sử dụng chất bôi trơn
Giải pháp tháo nhẫn chật an toàn và thường được nhiều người áp dụng là dùng các dung dịch tẩy rửa hoặc bôi trơn như xà phòng, nước rửa chén, sữa tắm... Hãy bôi chúng vào toàn bộ ngón tay hoặc ngâm tay trong dung dịch rồi sau đó xoay thủ công như cách 1 để tháo nhẫn ra.
3. Ngâm tay trong nước đá
Ở nhiệt độ thấp các ngón tay sẽ co lại, nhỏ hơn. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng tháo nhẫn ra khi ngâm tay đeo nhẫn trong một chậu nước đá trong vài phút.
4. Dùng chỉ nha khoa
Hãy xỏ chỉ nha khoa qua nhẫn và quấn phần chỉ còn lại một vài vòng ở phần ngón tay dưới nhẫn để chỉ ôm vào tay, khiến tay nhỏ lại. Sau đó, bạn chỉ cần nhanh chóng nắm đầu còn lại của chỉ giật mạnh nhẫn ra.
Lưu ý là không nên quấn chỉ quá chật đến mức làm ngón tay bị đau hoặc tím tái. Nếu cảm thấy ngón tay quá căng, đau đớn hãy nhanh chóng nới chỉ ra.
Nếu thử cả 4 thủ thuật trên đều không hiệu quả, tốt nhất hãy nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia thay vì cố tháo bằng mọi cách rồi gây tai nạn đáng tiếc.
Nguồn và ảnh: Skypost, Sohu, Daily Mail