Đau bụng là tình trạng thường gặp, đặc biệt là khi các cô gái đến “mùa dâu”. Một cô gái (giấu tên) ở Hồ Nam, Trung Quốc cũng tưởng mình chỉ là đau bụng kinh bình thường. Đến lúc đau quá toát cả mồ hôi lạnh và xuất hiện cảm giác buồn nôn, nôn, cô mới đi khám tại bệnh viện Thái Hoà Hồ Nam.
Bác sĩ Lưu Hiểu Lôi, chủ nhiệm khoa Siêu âm sau khi thăm khám và hội chẩn tỉ mỉ, phát hiện buồng trứng bên trái tử cung to gấp đôi, đồng thời bên trong không có dấu hiệu chảy máu. Bác sĩ nghi ngờ cô gái bị xoắn buồng trứng.
Ảnh minh hoạ
Do đó, bác sĩ Lưu đã ngay lập tức liên lạc với Chủ nhiệm Khoa phụ khoa Thân Lệ Huy về tình trạng của cô gái. Chủ nhiệm Thân đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.
Khi mổ, bác sĩ phát hiện buồng trứng bên trái của bệnh nhân bị xoắn và một phần mô buồng trứng đã bị hoại tử. May mắn thay, vì phẫu thuật kịp thời nên vẫn đã "cứu" được buồng trứng. Tình trạng bệnh nhân sau đó đã ổn định và đã được xuất viện.
Hình ảnh siêu âm buồng trứng của bệnh nhân
Xoắn buồng trứng là gì, có nguy hiểm không?
Xoắn buồng trứng là khi buồng trứng bị rơi xuống và xoắn lại, kéo theo động mạch cấp máu cho buồng trứng cũng bị xoắn, buồng trứng không còn được nuôi dưỡng.
Nếu tình trạng xoắn buồng trứng tiếp tục diễn ra thì dần dần buồng trứng sẽ từ phù nề sang thiếu máu cục bộ. Từ đó dẫn tới biến chứng hoại tử buồng trứng và xuất huyết cục bộ, gây mất chức năng buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh có thể gặp ở tất cả phụ nữ, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trên buồng trứng có u. Tình trạng xoắn buồng trứng xảy ra khi buồng trứng có các nang với kích thước từ 5~10 cm, phổ biến là dạng u nang bì.
Đây là bệnh nguy hiểm nhưng triệu chứng của nó lại không đặc trưng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Các triệu chứng có thể kể đến như:
- Đau bụng đột ngột, đau liên tục, thường khu trú ở bên trái hoặc phải của vùng bụng dưới. Cơn đau không thuyên giảm khi uống thuốc và diễn tiến xấu khá nhanh, chỉ trong vài giờ.
- Buồn nôn, nôn.
- Tiểu rắt, tiểu khó, táo bón, phù 2 chi dưới là các triệu chứng biểu hiện tình trạng chèn ép các cơ quan lân cận của u nang buồng trứng lớn.
- Sốt.
Không có biện pháp phòng ngừa nào hiệu quả bệnh xoắn buồng trứng. Vì vậy, các chị em gái trong độ tuổi sinh sản nên đi khám phụ khoa ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện bất thường nếu có.
Nguồn và ảnh: Sohu, Bệnh viện ĐKQT Vinmec