Cua là tên gọi chung của một nhóm các loài động vật giáp xác, ước tính có đến 6.800 loài cua khác nhau (theo The World of Animals, Walters Martin & Johnson Jinny). Nhiều loài cua cũng mang lại giá trị dinh dưỡng cao cho con người, nên là loại thực phẩm được yêu thích.
Thế nhưng không phải loài cua nào cũng có thể ăn được, thậm chí nếu chẳng may ăn phải một số loài cua có độc thì nạn nhân có thể bị ngộ độc và nguy hiểm đến tính mạng. Một trong số đó là cua quạt (tên khoa học là Demania reynaudii thuộc họ Xanthidae).
Cua quạt (Ảnh: Flickr)
Cua quạt là một nhóm các loài cua sống ở đáy biển, chúng thường trú ngụ trong các rạn san hô tại khu vực vùng biển nhiệt đới từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, có tới gần 300 loài cua quạt và một số loài có chứa độc tố saxitoxin hoặc tetrodotoxin trong cơ thể.
Những độc tố này có tính bền nhiệt rất cao nên không bị phân hủy khi chế biến, do đó ngay cả khi nấu chín thì cua quạt vẫn là một món ăn gây nguy hiểm cho con người (ăn 2 con đủ gây chết người, triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện chỉ sau nửa tiếng đồng hồ ăn thịt cua).
Các chất độc trong cua quạt giống với palytoxin (được coi là một trong những chất phi protein độc nhất được biết đến, chỉ đứng sau maitotoxin về độc tính, theo International Society on Toxinology).
Khi trúng độc, nạn nhân sẽ bị chất độc tetrodotoxin gây ức chế trao đổi ion natri trên màng tế bào thần kinh cơ, làm ngưng quá trình truyền dẫn tín hiệu thần kinh khiến lưỡi bị tê, tê môi, chóng mặt, khó thở hay khó nói, nặng hơn là co giật, hôn mê và có thể tử vong.
Đã từng ghi nhận các trường hợp bị tử vong do ngộ độc khi ăn thịt cua quạt ở hòn đảo Negros, Philippines. Việt Nam cũng vừa có 1 trường hợp ngộ độc rất nặng do ăn cua quạt và hiện vẫn đang điều trị tại BV Bạch Mai, do đó hãy cẩn thận với những loài cua lạ ở biển để tránh hậu quả đáng tiếc.