Ngày 26-5, đại diện Phòng Y tế TP Thủ Đức (TP HCM) xác nhận kết quả xét nghiệm mẫu chả lụa cùng lô sản xuất với lô các nạn nhân ăn và bị ngộ độc âm tính với botulinum.
"Mẫu chả lụa nạn nhân đã ăn nên không còn để xét nghiệm. Chả lụa bị nghi ngờ nhiễm botulinum nhưng giờ kết quả kiểm nghiệm đã loại trừ suy đoán này. Bây giờ, không có manh mối nào để truy tìm nguồn thực phẩm nhiễm độc. Có thể do nạn nhân mua chả lụa về nhà, bảo quản không đúng sinh ra độc tố. Nhưng tất cả chỉ là suy đoán" - đại diện Phòng Y tế TP Thủ Đức nói.
Em N.V.H. (ôm gấu bông) - một nạn nhân bị ngộ độc đã khỏe, sẽ xuất viện 26-5 (Ảnh NLĐO)
Về trường hợp người đàn ông 45 tuổi, cũng ở TP Thủ Đức đã bị tử vong do ngộ độc botulinum sau khi ăn một loại mắm để lâu này, đại diện Phòng Y tế TP Thủ Đức cho hay các cơ quan chức năng đang nỗ lực điều tra nhưng chưa thu được kết quả. "Nạn nhân đã mất rồi, làm việc với người nhà gặp khó khăn" - đại diện này chia sẻ.
Để phòng chống ngộ độc botulinum, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.
Đối với người dùng, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần bảo đảm phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.