2 loại nước nếu dùng quá nhiều có thể gây ung thư tuyến tụy
Ông Từ, ngoài 40 tuổi, một kiến trúc sư ở Giang Tây (Trung Quốc) đã sớm biết rằng rượu bia không tốt cho sức khỏe nên ông gần như không uống. Chỉ những dịp bắt buộc mới uống xã giao một vài chén. Vì vậy, khi nhận chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy cuối giai đoạn 2, ông sốc vô cùng.
Sau khi tìm hiểu lối sống, cuối cùng bác sĩ cũng tìm ra "thủ phạm" gây bệnh cho ông không phải rượu bia mà là 2 loại đồ uống phổ biến khác: cà phê và nước ngọt có ga. Hóa ra, do công việc cần phải thức khuya nhiều, căng thẳng và đi lại liên tục nên ông Từ thường uống cà phê và nước ngọt có ga để chống đỡ.
Ảnh minh họa
Điều quan trọng là ông uống chúng nhiều lần mỗi ngày, duy trì trong nhiều năm. Khi cơ thể phát ra những dấu hiệu mệt mỏi, đau bụng, sụt cân, rối loạn tiêu hóa… thì ông lại không quá để tâm. Ông cho rằng mình làm việc quá sức lại đã bắt đầu có tuổi, gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng khiến ông quay cuồng không thể đi khám ngay.
Giải thích về điều này, chuyên gia y tế cho rằng, tuyến tụy có nhiệm vụ tiết ra insulin để kiểm soát lượng đường trong máu, nhưng khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều đường, tuyến tụy sẽ phải hoạt động liên tục để sản xuất insulin. Lượng đường cao không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường mà còn gây viêm tụy, từ đó phát triển thành ung thư.
Còn với cà phê, việc tiêu thụ cà phê quá mức, đặc biệt là cà phê có thêm đường và kem, cũng là một nguyên nhân gây hại cho tuyến tụy. Khi tuyến tụy phải hoạt động liên tục để xử lý cả caffeine và đường, cơ quan này sẽ dần trở nên mệt mỏi và có thể dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng. Về lâu dài, sự quá tải này có thể gây viêm tụy mạn tính và nếu không được kiểm soát, viêm tụy có thể tiến triển thành ung thư.
Các dấu hiệu giúp nhận biết ung thư tuyến tụy
Ảnh minh họa
Một trong những dấu hiệu điển hình và phổ biến nhất của ung thư tuyến tụy phải kể đến đó là đau bụng. Cơn đau xuất hiện sớm, thoạt đầu đó chỉ là biểu hiện thoáng qua, âm ỉ vùng thượng vị nên nhiều khi người bệnh cho rằng đó là triệu chứng của đau dạ dày.
Bước sang thời kỳ tiến triển, cơn đau lan dần sang 2 bên, có thể đau xuyên ra sau lưng. Nhiều trường hợp cảm giác đau không liên tục nhưng sau khi ăn hoặc giữ cơ thể trong tư thế nằm ngửa sẽ khiến bụng đau nặng. Nếu cơn đau xuất hiện nhiều ở sau lưng thì có khả năng khối u nằm ở phía đuôi hoặc phần thân tụy.
Đau bụng do ung thư tuyến tụy thường diễn ra từ từ, tăng nặng theo thời gian nhưng cũng có trường hợp cơn đau đột ngột xuất hiện với tính chất dữ dội. Nguyên nhân là do khối u phát triển quá lớn gây tắc ống tụy dẫn đến viêm tụy cấp.
Ngoài đau bụng, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số triệu chứng khác như: Nước tiểu sẫm màu, vàng da, đại tiện phân sống, tiêu chảy, chán ăn, sốt, sụt cân nhanh, cơ thể suy nhược.
Cách phòng ngừa bệnh ung thư tụy
Bạn không thể ngăn ngừa ung thư tụy, nhưng có thể chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư tụy, như:
- Không hút thuốc lá.
- Hạn chế thức uống có nồng độ cồn cao.
- Ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt…
- Giảm lượng thịt đỏ, đường, thực phẩm chế biến sẵn.
- Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại như Amiang, thuốc trừ sâu, hóa dầu; cần mang đồ bảo hộ cẩn thận khi hoạt động trong môi trường hóa chất.
- Duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng cơ thể, thường xuyên tập luyện thể thao phù hợp với sức khỏe.
- Tầm soát ung thư tụy định kỳ nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy (tiền căn gia đình, đột biến gen đã biết…).