Bài công bố vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Frontiers in Aging Neuroscience cho biết Fenchol có tác dụng tương tự các axit béo chuỗi ngắn (SCFAs) tự nhiên có trong đường ruột. SCFAs thường bị giảm ở các bệnh nhân lớn tuổi bị suy giảm nhận thức nhẹ và bệnh Alzheimer.
Phát hiện chất chống lại bệnh nan y trong cây húng quế (Ảnh minh họa từ Internet)
SCFAs có vai trò kích hoạt tín hiệu của FFAR2, một phân tử tín hiệu tế bào, biểu hiện trên các tế bào thần kinh. Các nghiên cứu trước đó cho thấy FFAR2 không được kích hoạt đủ mạnh mẽ là nguyên nhân gây tích tụ protein độc hại amyloid-beta trong não, mà sự tích tụ này chính là nguyên nhân của sự suy giảm nhận thức.
Nói cách khác, bệnh nhân mắc Alzheimer hay các dạng suy giảm nhận thức khác gần như rơi vào một cái vòng lẩn quẩn. Vì vậy các nhà khoa học đi tìm thứ thay thế cho SCFAs.
Theo Sci-News, giáo sư Hariom Yadav và nhóm nghiên cứu từ Trường Y khoa Wake Forest và Đại học Nam Florida (Mỹ) đã thử nghiệm tới 144.000 hợp chất tự nhiên có tiềm năng bắt chước tác động của SCFAs trên cơ thể người, và Fenchol trong cây húng quế - danh pháp khoa học Ocimum basilicum đã chiến thắng.
Đó là một tin mừng bởi loại rau thơm này rất dễ trồng. Giống này mọc ở nhiều quốc gia với chủng loại đa dạng, hơi khác nhau về hình thái nhưng nói chung đều dồi dào Fenchol. Không chỉ phòng ngừa, thử nghiệm trên chuột còn cho thấy Fenchol còn giúp đào thải dần amyloid-beta trong não bộ, hứa hẹn giảm nhẹ các vấn đề người bệnh Alzheimer gặp phải.
Đây là một tin mừng bởi Alzheimer và nhóm bệnh suy giảm nhận thức nói chung là một trong những nguyên nhân gây tử vong sớm hàng đầu thế giới, đang có xu hướng gia tăng nhưng chưa có thuốc chữa.
Ăn húng quế được cho là đem lại lợi ích trực tiếp, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu những phương án hữu hiệu hơn để đưa Fenchol vào cơ thể để đạt được tác động mạnh nhất.