Tiến sĩ Ben Rosin là 1 bác sĩ, nhà khoa học đã có hơn 40 năm nghiên cứu về tác động của chạy bộ đường dài (marathon) đến sức khỏe và tuổi thọ của con người. Kết quả nghiên cứu của ông mới đây được đăng tải trên Tạp chí Y khoa về Thể chất và Các môn thể thao (Mỹ) chỉ ra rằng những người chạy bộ đường dài trung bình sẽ sống lâu hơn 19 năm so với người cùng độ tuổi mà không chơi môn thể thao này.
Ông là một ví dụ điển hình, năm nay đã 76 tuổi, bản thân cũng là 1 người say mê chạy đường dài. Từ năm 1969, ông duy trì thói quen chạy bộ mỗi sáng Chủ nhật với 1 nhóm người cùng sở thích tại Palos Verdes (California, Mỹ). Ông quyết định lấy 54 người trong nhóm này làm đối tượng nghiên cứu.
Tính trung bình, tuổi thọ của nhóm đối tượng nghiên cứu là 70 - 80 tuổi. Từ giữa những năm 1970 đến nay, 18 trong số 54 người đã qua đời với độ tuổi trung bình là 81 tuổi. Trong đó, có 7 người chết vì ung thư với độ tuổi trung bình là 77,2 tuổi, 5 người khác chết vì bệnh tim với tuổi thọ trung bình là 86 tuổi.
Trong số 36 người còn sống, 17% mắc một số bệnh về tim với độ tuổi trung bình hiện tại là 76 tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh tim ở nam giới trong độ tuổi này ở Hoa Kỳ nói chung lên tới 34,5%. Nếu đặt một phép so sánh, ta rõ ràng thấy được lợi ích của việc chạy đường dài đối với sức khỏe tim mạch.
Ông Rosin khẳng định: "Dữ liệu của tôi cho thấy tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và bệnh mạch vành (của các thành viên trong câu lạc bộ) là rất thấp, và tuổi thọ được kéo dài thêm 19 năm".
Hiệu quả kéo dài tuổi thọ này của việc chạy bộ đường dài tốt hơn nhiều so với các môn thể thao khác, chẳng hạn như đi xe đạp địa hình, theo một số nghiên cứu, nó chỉ giúp con người sống thêm được 8 năm. Hoặc việc tập thể dục cường độ cao và trung bình có thể kéo dài tuổi thọ từ 3 đến 8 năm, chưa bằng 1/2 so với kết quả của việc chạy bộ đường dài do ông Rosin đưa ra.
Dù được theo dõi trong các điều kiện có sự kiểm soát chặt chẽ nhưng ông Rosin cũng thừa nhận rằng nghiên cứu của ông không khác gì một thử nghiệm nhỏ, chưa có tính bao quát. Bởi 54 đối tượng nghiên cứu của ông không thể đại diện cho tất cả mọi nhóm người được. Tuy nhiên, nghiên cứu của ông vẫn rất đáng khích lệ và góp phần khẳng định rằng việc chạy bộ đường dài (một cách vừa sức) có đóng góp tích cực cho con người trong cuộc chiến chống lại các bệnh về tim mạch, mạch vành.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Metro UK, The Sun