Ngày nay, nhiều người đã bắt đầu chú trọng hơn tới việc đi khám sức khỏe định kỳ. Đây là việc làm hết sức cần thiết và bất kỳ ai cũng nên thực hiện hàng năm. Tuy nhiên, sau khi đi khám về, nếu các chỉ số trên giấy khám đều bình thường và chỉ có một dòng ghi chú "axit uric cao" thì bạn nên đặc biệt lưu ý.
Một số người thường không quan tâm lắm đến vấn đề này, nhưng thực tế, lượng axit uric cao có thể ngầm cảnh báo nguy cơ mắc bệnh gút, bệnh thận hoặc bệnh tim mạch từ sớm. Dưới đây là 4 thói quen mà bạn nên sửa ngay càng sớm càng tốt để khắc phục tình trạng axit uric cao trong cơ thể.
1. Uống rượu
Bạn có biết rằng, việc tiêu thụ rượu thường xuyên có thể làm gia tăng nồng độ axit uric trong cơ thể rất cao. Điều này chủ yếu là do một lượng lớn chất cồn đi vào cơ thể khiến gan cần nhiều nước để trao đổi chất. Lúc này, hàm lượng nước trong máu giảm xuống sẽ làm nồng độ axit uric tự nhiên tăng lên. Vì vậy, việc từ bỏ thói quen này là điều hết sức thiết thực.
2. Thích ăn những món nhiều gia vị
Mùa đông cũng là thời điểm mà con người ta dễ ăn dễ uống hơn. Lúc này, những món lẩu nướng hay các loại đồ chiên rán được tẩm ướp nhiều gia vị sẽ càng có dịp lên ngôi. Nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều món có mùi vị nặng thì cũng dễ khiến nồng độ axit uric trong cơ thể tăng mạnh. Thế nên, hãy giảm bớt các món ăn nhiều gia vị xuống và tìm đến một chế độ ăn nhạt sẽ tốt hơn.
3. Chịu căng thẳng, áp lực thường xuyên
Công việc cuối năm bận rộn nên bạn sẽ khó tránh khỏi tình trạng căng thẳng, áp lực dồn dập. Vậy nhưng, nếu không điều khiển được cảm xúc thì nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày. Hậu quả là khả năng vận chuyển và chuyển hóa bị suy giảm làm cơ thể không đào thải được các độc tố, chất cặn bã. Điều này sẽ làm tăng lượng purin trong cơ thể và khiến nồng độ axit uric tăng mạnh.
4. Thức khuya nhiều
Nhiều người hiện nay coi việc thức khuya như một thói quen. Có người vì công việc phải làm đêm, có người ban ngày phải đi làm nên tối tranh thủ về nhà thư giãn bằng cách xem phim, chơi game. Cho dù lý do là gì thì việc thức khuya vẫn là một thói quen rất xấu, dễ dẫn đến tình trạng axit uric cao. Mặt khác, do nhiệt độ ban đêm xuống thấp, nhất là mùa đông lạnh, nên lượng axit uric trong cơ thể dễ kết tủa và lắng đọng lại, từ đó dẫn đến tình trạng axit uric cao.
Nguồn: Sohu, Healthline; Ảnh: Internet