Lin Xianghong, bác sĩ làm việc tại Đài Loan cho biết, những năm gần đây, số bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy không chỉ tăng lên mà còn dần trẻ hóa. Các nghiên cứu chỉ ra, số ca mắc ung thư tuyến tụy ở người dưới 55 tuổi đang gia tăng nhanh hơn so với người cao tuổi. Vì vậy, các nhóm có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình, tiểu đường, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu,… cần đặc biệt chú ý.
Bác sĩ Lin Xianghong chia sẻ rằng, bà có 1 người bệnh nhân 50 tuổi không hút thuốc hay uống rượu, không mắc bệnh mãn tính hay có tiền sử gia đình mắc bệnh. Khi đến thăm khám, bệnh nhân cho biết luôn cảm thấy khó chịu vùng bụng trên suốt 1 tháng qua, đồng thời cũng cảm thấy đầy hơi sau khi ăn, giảm 9kg trong 1 tháng dù không có chủ đích giảm cân. Khi siêu âm và chụp cắt lớp, bác sĩ phát hiện 1 khối u khoảng 4cm trên tuyến tụy của bệnh nhân.
Bệnh nhân đã được công ty khám sức khoẻ cơ bản cách đây một năm và các chỉ số sức khỏe vào thời điểm đó là bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ Lin Xianghong suy luận rằng, khối u đã bắt đầu phát triển vào thời điểm đó. Nếu có thể thực hiện sàng lọc sẽ có cơ hội chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu, vì ung thư tuyến tụy thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu và khối u thậm chí còn nhỏ hơn 1 cm. Nếu điều trị sớm, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 80%.
Trước đây, nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tụy gồm; do gen di truyền bẩm sinh, thói quen cá nhân và các yếu tố môi trường. Hiện nay, do cuộc sống ngày càng phát triển, nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy cũng gồm béo phì, không tập thể dục, thích ăn nhiều chất béo và dầu động vật, chẳng hạn như thịt chế biến sẵn, thiếu chất xơ và tiếp xúc với hóa chất trong môi trường làm việc… Chính vì vậy, thực hiện khám sức khỏe và sáng lọc sớm sẽ giúp tỉ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu cao hơn, từ đó nâng cao khả năng điều trị khỏi bệnh.