Bà Trương (Trung Quốc) vốn là người ưa sạch sẽ nên rất chú trọng vệ sinh cá nhân. Đặc biệt, bà có thói quen ngoáy tai gần như mỗi ngày. Dù 1 số người trong gia đình có khuyên là như vậy không tốt cho sức khỏe nhưng bà vẫn không bỏ được, không làm là ngứa ngáy, khó chịu.
Tuy nhiên, gần đây bà Trương bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ù tai, đau đầu, thỉnh thoảng đột ngột không nghe được. Gia đình cho đi khám tại bệnh viện địa phương thì được chẩn đoán là viêm tai và kê thuốc uống.
Ảnh minh họa
Sau gần 1 tuần, triệu chứng không hề thuyên giảm mà còn ngày 1 nặng thêm. Ngoài đau tai, bà còn bị đau đầu, sốt cao, ống tai chảy dịch sệt màu vàng nâu có mùi hôi tanh. Con trai bà hoảng hốt đưa mẹ tới Khoa Tai mũi họng tại bệnh viện trung ương.
Bác sĩ cho biết bà Trương bị viêm tai nặng do có dị vật trong tai quá lâu ngày. Đặc biệt, kết quả chụp CT não khiến cả nhà hốt hoảng vì bà Trương bị nhiễm trùng nội sọ. Cần phải phẫu thuật gấp nếu không sẽ gây nguy hiểm tính mạng.
Tất cả chỉ vì ngoáy tay sai cách
Phẫu thuật lấy dị vật và can thiệp ổ áp xe nội sọ cho bà Trương được tiến hành ngay sau đó. Các bác sĩ nhận định miếng bông gòn gây viêm nhiễm đã bị mắc kẹt lại trong tai do ngoáy tay sai cách. Thời gian nó nằm trong tai của bệnh nhân ước tính khoảng 5 năm, 1 số phần mô ống tai đã bị hoại tử.
Dù ca mổ thành công hơn mong đợi, quá trình hồi phục hậu phẫu của bà Trương đều rất tốt nhưng thính giác thì không thể hồi phục hoàn toàn. Sau hơn 2 tuần nằm theo dõi và phục hồi chức năng tại bệnh viện, bà vẫn gần như không nghe được bằng tai trái.
Điều tra bệnh sử cho thấy, bà Trương có thói quen ngoáy tai thường xuyên đã được gần 20 năm. Trước đây, khi dùng dụng cụ ngoáy tai bằng kim loại thì bà thường chỉ ngoáy tai khi ngứa, sau khi gội đầu bị nước vào hoặc tần suất khoảng 2 lần 1 tuần. Tuy nhiên, kể từ khi sử dụng tăm bông, bà thấy rất tiện lợi lại an toàn nên dùng mỗi ngày rồi biến nó thành sở thích gây “nghiện”, không ngoáy là không chịu được.
Bác sĩ của bà Trương giải thích, trong y học ráy tai được gọi là cerumen, có chức năng bảo vệ vì là 1 chất nhờn được tạo ra bởi phần lông bên ngoài của ống tai để ngăn chặn vi khuẩn, bụi bẩn hay côn trùng. Bản chất nhờn tự nhiên của ráy tai cũng giúp giữ ẩm, ngăn da ống tai bị khô và bong tróc, giảm nguy cơ tổn thương, nhiễm trùng, khô hay ngứa ống tai.
Ông khuyên chúng ta không nên ngoáy tai quá thường xuyên, đặc biệt là dùng dụng cụ kim loại, vật sắc nhọn như móng tay để ngoáy tay. Thậm chí, bông ngoáy tai cũng không hề an toàn như nhiều người nghĩ. Nhất là khi dùng bông tăm đẩy mạnh theo chiều vào bên trong, không chỉ làm ráy tai vào sâu hơn mà còn dễ gây thủng màng nhĩ, tổn thương ống tai, lâu ngày gây viêm tai cũng như nhiều biến chứng khác.
Chưa kể, tăm bông chất lượng kém hoặc ngoáy sai cách còn có thể khiến bông bị sót lại và gây nguy hiểm giống như trường hợp của bà Trương. Nếu bạn cảm thấy ngứa ngáy thì chỉ nên dùng ngón tay cái hoặc khăn ẩm xoay quanh bên ngoài lỗ tai, mát xa gờ loa tai và nghiêng đầu sang một bên. Nếu bạn bị đau hoặc thính giác bị ảnh hưởng thì hãy đến gặp bác sĩ để lấy ráy tai thay vì tự làm.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Asia One, Sunday More