Paige Wilhide, 36 tuổi, cho biết khi còn trẻ, cô giống như một người không thể dứt khỏi tình yêu. Ở độ tuổi 20, nữ nhà văn ở California (Mỹ) từng có lúc hẹn hò với 25 chàng trai trong hai tháng.
Lúc đầu, cô cảm thấy rất thích thú, phấn khích với những mối quan hệ mới và có trải nghiệm ân ái với nhiều người đàn ông hấp dẫn. Paige đã qua lại với đủ kiểu đàn ông, từ anh trai của sếp cho đến lính cứu hỏa, nhân viên pha chế...
Paige chia sẻ: "Tôi từng sống ở thành phố New York và nó giống như một "sân chơi" đối với tôi ở độ tuổi 20. Tôi không có tiêu chuẩn nào để chọn bạn trai mà sẽ hẹn hò với bất kỳ ai miễn người đó là đàn ông". Và mỗi khi kết thúc một mối quan hệ, cô đều rất đau khổ nhưng cũng mau chóng sa vào cuộc tình mới.
Paige từng hẹn hò với 25 người đàn ông trong 2 tháng.
Paige chỉ thực sự nhận ra bản thân có vấn đề khi cô phải lòng bác sĩ đông lạnh trứng cho mình. "Tôi đã đi đông lạnh trứng và bị cuốn hút vào bác sĩ. Sau khi hoàn tất các thủ thuật, chúng tôi bắt đầu tán tỉnh nhau", Paige kể lại. "Tôi thực sự phấn khích khi nhận được sự chú ý của người đàn ông này. Tôi nhớ khi nhận được tin nhắn từ anh ta, tôi có cảm giác như đang phê chất kích thích".
Tuy nhiên sau đó, vị bác sĩ dần lạnh nhạt với Paige và chấm dứt liên lạc. Lúc ấy, cô gái trẻ như phát điên, không ăn không ngủ và việc không ngừng suy nghĩ về người đàn ông đó khiến cô chẳng thể tập trung làm bất cứ việc gì.
Đến lúc này, Paige mới nhận thấy bản thân bị ám ảnh về đàn ông quá mức, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và cô quyết định tìm tới chuyên gia để được giúp đỡ. Chuyên gia nhận định Paige đã bị phụ thuộc quá mức vào sự chú ý của đàn ông và điều đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.
Sau đó, Paige đã tham gia chương trình 12 bước để cai nghiện tình yêu. Ban đầu cô được yêu cầu chấm dứt liên lạc với mọi nam giới (trừ người thân) trong vòng 30 ngày. Mặc dù khá khó khăn nhưng cuối cùng Paige đã làm được và thậm chí còn kéo dài thời gian độc thân tới 1,5 năm. Trong suốt thời gian đó, cô không hẹn hò, không quan hệ tình dục, không tương tác thân mật với bất kỳ người đàn ông nào.
Paige chỉ nhận ra bản thân mắc chứng nghiện yêu sau khi bị một bác sĩ lạnh nhạt khiến cô mất ăn mất ngủ.
Hiện tại, Paige đã có một tình yêu nghiêm túc kéo dài được 5 tháng. Cô cho biết đây là mối quan hệ thân mật rất đáng trân trọng sau khi cô biết hẹn hò nghiêm túc để có thể tìm được người đàn ông tử tế và thực sự yêu thương mình.
Paige cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân trong một chương trình có tên Breakup Addict với hy vọng có thể giúp những người khác rơi vào hoàn cảnh như cô tìm ra con đường đúng đắn.
Chứng nghiện tình yêu là gì?
Sẽ thật tuyệt vời nếu tình yêu lãng mạn mãnh liệt kéo dài mãi mãi. Nhưng nếu một số người khao khát tình yêu như vậy một cách thái quá thì sao, liệu nó có thể trở thành một cơn nghiện?
Nghiện yêu đề cập đến tình trạng quan tâm không lành mạnh và quá mức đối với một hoặc nhiều đối tác, dẫn đến sự thiếu kiểm soát, từ bỏ các sở thích và hành vi khác hoặc gây ra các hậu quả tiêu cực. Tỷ lệ người mắc chứng nghiện yêu là 3-10%, nhưng có thể cao hơn ở một số quần thể nhất định (ví dụ: 25% ở sinh viên đại học).
Nghiện yêu khác với rối loạn tâm thần, nghiện tình dục và chứng cuồng dâm. Không có một tiêu chuẩn để chẩn đoán chứng nghiện yêu thuộc dạng rối loạn nào. Nó có thể là một chứng rối loạn kiểm soát xung lực được đặc trưng bởi sự bốc đồng và tìm kiếm sự mới lạ.
Những người khác lại cho rằng chứng nghiện yêu là một tình trạng rối loạn tâm trạng. Có lẽ, những người nghiện tình yêu trải qua các trạng thái tâm trạng (ví dụ, hưng cảm nhẹ và phấn khích) tương tự như những người đang yêu hoặc đang ở giai đoạn đầu của tình yêu.
Một khả năng khác là nghiện tình yêu thuộc về phổ ám ảnh cưỡng chế. Tức là họ giống như những người mắc chứng OCD (chứng ám ảnh cưỡng chế), những người mắc chứng bệnh này có thể trải qua suy nghĩ lặp đi lặp lại và bị ám ảnh bởi tình yêu chứ không phải vấn đề liên quan đến sức khỏe hay sự sạch sẽ.
Người mắc chứng nghiện yêu không thể chấm dứt việc ngừng tìm kiếm tình yêu. (Ảnh minh họa)
Chứng nghiện yêu cũng có thể phân loại như một dạng nghiện hành vi (như nghiện cờ bạc). Ban đầu, những người mắc chứng này có thể cảm thấy cực kỳ thích thú, hưng phấn khi yêu. Sau đó, họ dần bị ám ảnh với trải nghiệm này và có dấu hiệu như không ngừng thực hiện các hành vi để đạt được cảm xúc mong muốn chẳng hạn như liên tục tìm kiếm tình yêu mới.
Các dấu hiệu khác của chứng nghiện yêu sẽ bao gồm cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng khi không còn quan hệ tình cảm và dù cố gắng cắt giảm hoặc kiểm soát hành vi nhưng không thành công. Hiện không có phương pháp điều trị chứng bệnh này bằng dược phẩm và chủ yếu là liệu pháp tâm lý.