Cách đây không lâu, cụ bà Chiyo Miyako - người lớn tuổi nhất ở Nhật Bản, đã qua đời ở tuổi 117. Tiếp nối sau cụ Chiyo là cụ Kane Tanaka, năm nay đã 116 tuổi, hiện đang giữ vị trí cụ già nhất trên thế giới. Có một điểm chung ở hai cụ bà sống thọ này chính là họ đều sống tại đất nước Nhật Bản.
Cụ Kane Tanaka (116 tuổi)
Theo báo cáo Thống kê Y tế Thế giới năm 2018 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, Nhật Bản liên tiếp đứng đầu trong danh sách quốc gia có tuổi thọ cao toàn cầu. Tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản có nhiều người đã chạm ngưỡng trên 84 tuổi, trong đó nữ có thể sống thọ đến 87 tuổi và nam dao động ở mốc 81 tuổi.
Khách quan mà nói, tại sao tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản lại cao hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình của người dân ở các nước châu Á khác? Điều thú vị là các quốc gia khác đều rất ủng hộ việc kiên trì tập luyện thể dục thể thao để duy trì sức khỏe, còn người Nhật lại không thích thể thao cho lắm.
Theo tạp chí y tế hàng đầu The Lancet Global Health cho biết, người dân Nhật Bản là một trong những "quốc gia ít vận động nhất thế giới". Toàn Nhật Bản chỉ có khoảng 40% dân số có thể tuân thủ các bài tập thể dục thường xuyên. Trong khi đó, người dân ở các nước khác lại rất chú trọng tới việc tập thể dục tích cực.
Tại sao người Nhật không yêu thể thao nhưng họ lại sống lâu như vậy? Qua nghiên cứu, các chuyên gia đã đưa ra một số yếu tố giúp người Nhật sống thọ như yếu tố di truyền, điều kiện sống, sự phát triển xã hội, môi trường và tiêu chuẩn y tế. Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất là người Nhật rất chú trọng tới việc ăn uống. Họ luôn duy trì 4 thói quen khi ăn sau đây nên tuổi thọ luôn xếp hàng đầu trên thế giới.
1. Họ hay "ăn linh tinh"
Mỗi bữa ăn của người Nhật đều có một đặc điểm là: món ăn tuy đa dạng nhưng số lượng lại rất ít. Món chính của họ chủ yếu là cá, thịt, rau, trái cây, khoai tây và cơm trắng. Tuy có nhiều loại thực phẩm khác nhau nhưng khẩu phần ăn của người Nhật lại rất ít, dù vậy vẫn đảm bảo cân bằng đủ dinh dưỡng.
2. Họ "ăn chậm"
Phong cách ăn uống của người Nhật là ăn uống chậm rãi, từ tốn. Họ không bao giờ ăn ngấu nghiến trên bàn ăn và coi đây là một việc làm rất mất lịch sự. Ưu điểm của việc nhai, nuốt chậm là giúp cơ quan tiêu hóa dễ hấp thụ thức ăn hơn, từ đó giảm bớt được gánh nặng cho đường ruột và dạ dày. Điều này cũng rất có ích cho việc duy trì sức khỏe lẫn tuổi thọ về lâu dài.
3. Họ "ăn tươi"
Hầu hết thói quen ăn uống của người dân Châu Á thường là những món chiên xào, nhiều dầu mỡ. Tuy nhiên, người Nhật lại quan tâm nhiều đến hương vị của thực phẩm. Vì vậy, phương pháp nấu ăn phổ biến của họ thường là hấp, luộc hoặc thậm chí thưởng thức trực tiếp đồ ăn tươi bằng những món như sushi, sashimi để kích thích vị giác.
Nếu là món chiên tempura thì sau khi chiên, người Nhật cũng sẽ dùng giấy thấm để thấm bớt mỡ thừa.
4. Họ "ăn trắng"
Màu trắng ở đây là nói đến “thịt trắng”, tức là các loại cá. Bởi Nhật Bản là một quốc đảo nên chủng loại hải sản rất phong phú. Nếu người dân các nước khác thường thích ăn thịt đỏ thì người Nhật lại ăn nhiều thịt cá.
Những loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá thu đều có chứa nhiều axit béo Omega 3 nên sẽ rất có lợi trong việc duy trì sức khỏe lẫn tuổi thọ theo thời gian.
Nguồn: Aboluowang, Health