Những người nào có nguy cơ cao mắc gan nhiễm mỡ?

Đái tháo đường type 2 cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.

Theo TS.BS. Vũ Đình Triển, Khoa Chẩn đoán chức năng – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, gan là tạng lớn thứ 2 trong cơ thể người. Gan xử lý hầu như tất cả những gì chúng ta ăn hoặc uống vào, đồng thời lọc các chất độc có trong máu.

Chức năng gan sẽ bị ảnh hưởng nếu gan chứa quá nhiều mỡ. Một điều thú vị là gan có thể tự hồi phục bằng cách tạo ra các tế bào mới, thay thế cho các tế bào cũ bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu các tác nhân có hại liên tục có mặt ở gan thì tổ chức xơ sẽ hình thành và gây nên bệnh xơ gan.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Hiện nay, gan nhiễm mỡ đang ngày càng phổ biến. Khoảng 10-20% dân số Mỹ mắc gan nhiễm mỡ, mà không liên quan đến viêm gan hoặc có tổn thương nào khác ở gan.

Đa phần các trường hợp gan nhiễm mỡ nằm trong độ tuổi từ 40 đến 60. Chúng ta cần phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị thích hợp trước khi có những tổn thương thực sự ở gan.

Gan nhiễm mỡ ít khi có các triệu chứng rõ ràng. Những biểu hiện đầu tiên thường chỉ là bụng ấm ách và hơi khó chịu. Trên lâm sàng, bác sĩ có thể khám thấy gan của bạn hơi to ra một chút. Khi lượng mỡ trong gan quá nhiều sẽ gây nên tình trạng viêm gan. Lúc đó, các triệu chứng chính sẽ là chán ăn, sụt cân, đau bụng hoặc mệt mỏi nhiều và vàng da.

Nguyên nhân thường gặp nhất là do rượu. Nhưng trong nhiều trường hợp, vẫn có những bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ mà không thuộc nhóm sử dụng nhiều rượu. Khi cơ thể sản sinh quá nhiều mỡ hoặc chuyển hóa mỡ không kịp, lượng mỡ thừa sẽ tích trữ trong các tế bào gan và gây nên gan nhiễm mỡ. Mặc dù vậy, chế độ ăn giàu chất béo cũng chưa hẳn là nguyên nhân của tình trạng này.

Ngoài rượu, còn một số nguyên nhân thường gặp khác như: Béo phì, mỡ máu cao, tiểu đường, gene di truyền, sút cân quá nhanh, tác dụng phụ của một số loại thuốc như Aspirin, Steroids, Tamoxifen hay Tetracycline.

Cũng theo BS Triển, gan nhiễm mỡ hình thành do sự dư thừa mỡ trong gan, tương tự như khi bạn thừa cân hoặc béo phì.

Đái tháo đường type 2 cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. Trong đó, sự tích lũy mỡ ở gan có liên quan tới tình trạng kháng insulin (nguyên nhân phổ biến nhất của đái thái đường type 2).

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ như:

- Uống nhiều rượu

- Sử dụng quá liều quy định một số loại thuốc như Acetaminophen

- Mang thai

- Cholesterol máu cao

- Hàm lượng triglycerid máu cao

- Suy dinh dưỡng

- Hội chứng rối loạn chuyển hóa

Tuy nhiên, điều may mắn là gan nhiễm mỡ thường không gây ra các tổn thương gan vĩnh viễn. Lá gan của chúng ta có khả năng tự hồi phục nên nếu bạn điều trị tốt tiểu đường, mỡ máu cao hay béo phì, bạn hoàn toàn có thể đảo ngược quá trình nhiễm mỡ của gan. Còn nếu bạn là một người hay uống rượu thì ở một mức độ nào đấy, việc ngừng rượu sẽ giúp gan khỏi hoàn toàn. Sinh thiết là phương pháp chẩn đoán và xác định nguyên nhân của gan nhiễm mỡ, từ đó ta có được hướng điều trị tốt nhất.