Sáu rưỡi sáng, Nguyễn Thuỳ Linh, sinh viên năm thứ hai, lớp Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương cùng các bạn trong lớp lên xe đến thôn My Điền 1, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Ca làm việc của Linh kéo dài từ 6 giờ rưỡi sáng đến gần 1 giờ chiều. Em và các bạn trong nhóm lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 150-300 người mỗi ca làm việc của mình.
Hàng ngày, các sinh viên của Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đảm nhận nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại điểm nóng Bắc Giang. Ảnh: Ngô Gia Long
Nắng gắt. Cái không khí oi ả, có lúc nhiệt độ thực tế trong ngày lên đến hơn 40 độ C khiến chỉ trong vòng 15 phút, Thuỳ Linh và các bạn đã ướt sũng mồ hôi trong bộ quần áo bảo hộ. Nhưng không phàn nàn, cô gái trẻ cùng các bạn vẫn chạy đua với công việc của mình.
"Khi bắt đầu nhận lệnh lên đường, em nghĩ mình chỉ đi vài ngày. Nhưng đến bây giờ đã là sang tuần thứ ba và không biết đến bao giờ công việc mới kết thúc"- Thuỳ Linh nói.
Giữa tháng 5-2021, nhận được lời kêu gọi đi chi viện cho điểm nóng Bắc Giang. Cũng như rất nhiều sinh viên, giảng viên của Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương khác, cô gái sinh năm 2001 đã không ngần ngại đăng ký lên đường. Nhiệm vụ của cô là hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân Bắc Giang trong vùng dịch.
Sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Ngô Gia Long
"Em đón sinh nhật tuổi hai mươi của mình ở Bắc Giang trong một ngày cực kỳ đặc biệt. Ngày 15-5 thì vẫn nằm viện vì dị ứng thuốc. Chiều mới ra viện thì sáng 16-5 nhận được thông báo là có thể đi hỗ trợ Bắc Giang hoặc Bắc Ninh, chuẩn bị sẵn tinh thần. Nhà trường chọn sinh viên năm thứ ba, thứ tư đi trước, bọn em là dự trù. Nhưng vì dịch phức tạp cần hỗ trợ nhiều hơn nên trường huy động các sinh viên lần trước đi rồi lần này đi tiếp. Gần trưa thì có thông báo là sinh viên năm thứ hai khoa xét nghiệm cũng được đi hỗ trợ"- Thuỳ Linh tâm sự.
Nguyễn Thuỳ Linh đón sinh nhật tuổi 20 thật đặc biệt tại Bắc Giang.
13 giờ có mặt tại trường lên làm lễ xuất quân lên hỗ trợ Bắc Giang. Buổi chiều khoảng 3 giờ đến nơi, ăn uống nghỉ một chút rồi đi làm. Ngày đầu tiên từ Hải Dương đến Bắc Giang, Thuỳ Linh và các bạn hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 20.000 người dân của 2 thôn Trung Đồng (xã Vân Trung) và Núi Hiểu (xã Quang Châu). Công việc kéo dài đến gần 2 giờ sáng ngày 17-5 mới kết thúc.
"Chẳng còn nhớ là ngày sinh nhật mình. Gần 2 giờ sáng bọn em mới về đến trường Thu Hương để tắm giặt nghỉ ngơi chị ạ" - cô gái hai mươi tuổi chia sẻ.
Phía sau những nụ cười vô tư của thầy và trò trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương cũng như đội ngũ y bác sĩ, những người tham gia chống dịch là những mệt mỏi, những giọt mồ hôi, sự hy sinh
Mệt mỏi vì công việc kéo dài trong thời tiết khắc nghiệt, chân mỏi nhừ và cổ họng khô khốc vì khát nước nhưng nữ sinh này cùng các bạn vẫn rất cố gắng.
Nguyễn Thuỳ Linh cho hay những lời động viên được gửi tới cùng những món quà nhỏ như thế này thực sự giúp em và những người trong tâm dịch quên đi những khó khăn vất vả hằng ngày. Ảnh: Ngô Gia Long
"Chúng em đã từng tham gia chống dịch kéo dài hơn 1 tháng ở Chí Linh, Hải Dương, khối lượng công việc cũng rất lớn nên kinh nghiệm cũng có ít nhiều. Chỉ có điều hồi ấy mùa đông, trời lạnh nên cũng bớt khó khăn hơn bây giờ. Mỗi ngày có hàng chục, thậm chí cả trăm ca mắc mới, nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế do làm việc quá sức và sốc nhiệt nên đã kiệt sức. Rất may chúng em vẫn còn sức khoẻ để trụ lại với công việc, người chỉ bị nổi mẩn nhiều mụn do lạ nước"- nữ sinh viên cho hay.
Các sinh viên đã bước sang tuần thứ ba làm việc tại tâm dịch Bắc Giang. Ảnh: Ngô Gia Long
Tối ngủ tại trường Thu Hương tại TP Bắc Giang, hàng ngày, Thuỳ Linh và các bạn di chuyển đến các xã lấy mẫu cho người dân, ca sáng từ 6 giờ 30 đến 12 giờ trưa, ca chiều từ 4 giờ đến 20-21 giờ, có khi 23 giờ đêm cũng có.
Ước mơ của cô gái hai mươi tuổi là mong sớm hết dịch để có thể trở về. "Đã quá nhiều người khổ vì dịch. Bọn em vất vả nhưng rất nhiều người còn vất vả hơn"- Thuỳ Linh cho hay.
Các sinh viên trong tâm dịch Bắc Giang. Ảnh: Ngô Gia Long
Bạn Ngô Gia Long, một tình nguyện viên đang làm việc tại tâm dịch Bắc Giang, chia sẻ phía sau những nụ cười vô tư của thầy và trò trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương cũng như đội ngũ y bác sĩ, những người tham gia chống dịch là những mệt mỏi, những giọt mồ hôi, sự hy sinh. Đôi khi cả những giọt nước mắt.
"Đó là những góc khuất ít người biết. Có những bạn không chịu được ngất tại chỗ xét nghiệm phải mang nước xuống truyền. Có bạn về ăn cơm nghỉ ngơi được một chút lại phải đi, bị đau chân cô giáo bắt ở nhà nhưng bạn nhất quyết đòi đi. "Em vẫn làm được, cô cho em đi"- nghe mà nghẹn lòng"- Ngô Gia Long tâm sự.