Dù đã khỏi COVID-19 gần 4 tháng nay nhưng hiện tại, anh Minh (Thủ Đức, TP.HCM) lại đang phải đối mặt với một chứng bệnh mới, đó là "bệnh"… sợ "yêu". Theo lời kể của anh Minh, hai vợ chồng anh cùng 2 con nhỏ bị COVID-19 nhưng triệu chứng nhẹ, chỉ sốt, ho và đau họng. Vợ và các con anh trở thành F0 trước, anh bị sau.
Sau 10 ngày khỏi bệnh, anh thấy cơ thể bình thường. Tuy nhiên, những ngày sau đó, chuyện chăn gối của vợ chồng anh bắt đầu xuất hiện những trục trặc. Anh liên tục rơi vào tình trạng "chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền", "trên bảo dưới không nghe"...
Ảnh minh họa.
Ban đầu, nghĩ do mới khỏi COVID-19, cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn nên anh không quá lo lắng, chỉ ái ngại với vợ. Thế nhưng, đến lần thứ 4, thứ 5 vẫn thế trong khi anh cảm thấy sức khoẻ của mình hoàn toàn bình thường thì anh Minh bắt đầu tỏ ra lo lắng. Anh bắt đầu ngại "yêu", thậm chí lấy lý do để né tránh vợ.
Do tâm lý ngại ngùng nên anh không đi khám. Anh chỉ dám chia sẻ câu chuyện của mình lên một nhóm kín về chuyện vợ chồng và biết được nhiều "đấng mày râu" khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như anh.
Trên thực tế, theo ThS.BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), trong đại dịch COVID-19, những người nhiễm bệnh hay kể cả khi không nhiễm bệnh thì vấn đề sinh lý của cả nam và nữ cũng đều bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, hoạt động tình dục gắn liền với sức khỏe tinh thần và tâm lý, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi ham muốn và tần suất tình dục đều giảm ở cả hai giới.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế Mỹ, nam giới có thể mắc chứng rối loạn cương dương ngắn hạn hoặc dài hạn cao gấp 6 lần sau khi nhiễm COVID-19. Các nghiên cứu cũng ghi nhận nhiều trường hợp nam giới sau khi nhiễm COVID-19 bị ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục như: Không thể có hoặc duy trì sự cương cứng, tổn thương tinh hoàn, đau hoặc sưng tinh hoàn, không có khả năng đạt được cực khoái, mức testosterone thấp và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Đối tượng nam giới có nguy cơ cao bị rối loạn chức năng tình dục sau khi nhiễm COVID-19 là đàn ông lớn tuổi hoặc những người bị tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường và bệnh tim… Tuy nhiên, ngày càng nhiều báo cáo ghi nhận về các trường hợp nam giới trẻ tuổi gặp vấn đề rối loạn tình dục sau khi nhiễm COVID-19.
Còn ở nữ giới, theo PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, Chủ tịch Liên chi Hội Phụ sản TP.HCM, một số nghiên cứu chỉ ra, khi mắc COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của nang noãn, niêm mạc tử cung bị viêm, từ đó tác động xấu đến quá trình trứng thụ tinh và làm tổ.
Riêng vấn đề ham muốn tình dục ở nữ, theo một nghiên cứu ở Pakistan từ tháng 6/2020 đến tháng 3/2021 trên 300 phụ nữ bị nhiễm COVID-19 nặng tham gia trả lời bảng câu hỏi đánh giá rối loạn tình dục (FSFI) sau khi khỏi bệnh cho thấy tỷ lệ nữ giới suy giảm ham muốn tình dục đáng kể so với trước khi mắc bệnh.
Theo các chuyên gia, hiện nay đã có nhiều bệnh viện bắt đầu triển khai khám hậu COVID để điều trị những di chứng COVID-19 kéo dài. Do đó, trong trường hợp gặp các di chứng hậu COVID-19, đặc biệt về sức khỏe sinh sản, rối loạn tình dục, người dân cần gặp bác sĩ tư vấn để được điều trị kịp thời. Không nên vì ngại ngùng mà để tình trạng kéo dài gây nhiều hệ lụy xấu về sức khoẻ sinh sản cũng như ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng về sau.