"Các công cụ để quản lý đậu mùa khỉ - bao gồm xét nghiệm chẩn đoán sẵn có, vắc-xin và các phương pháp điều trị - không có khả năng được các quốc gia tiếp cận ngay lập tức hoặc rộng rãi" - hãng tin Reuters trích dẫn tuyên bố của WHO.
Theo thống kê sau cùng của tổ chức này, hơn 300 ca đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở hơn 20 quốc gia không thuộc vùng lưu hành thường xuyên của căn bệnh, bao gồm các ca đã được xét nghiệm khẳng định và các ca nghi nhiễm.
Cũng theo Reuters, thêm 2 quốc gia châu Âu đã báo cáo ca bệnh đầu tiên
Viện Y tế Công cộng Na Uy (FHI) đã xác nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên vào hôm 31-5, là một người đã đi du lịch nước ngoài và "có liên quan đến đợt bùng phát đang diễn ra ở châu Âu".
Theo hãng thông tấn nhà nước MTI của Hungary, một bệnh nhân 38 tuổi ở nước này cũng vừa được xác nhận là ca đậu mùa khỉ đầu tiên. Hiện cơ quan y tế vẫn đang điều tra dịch tễ và tìm hiểu xem anh ta có đi du lịch nước ngoài gần đây hay không.
Trước đó, nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã yêu cầu WHO và nhà chức trách của các quốc gia thành viên hành động tích cực hơn nữa để ngăn chặn sự lây lan của đậu mùa khỉ, không nên chủ quan rằng "bệnh nhẹ, có vắc-xin và thuốc điều trị".
Trước đây đậu mùa khỉ chủ yếu xuất hiện ở các quốc gia Tây và Trung Phi, do lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là do việc con người tiếp xúc với thú rừng hoặc xác thú rừng nhiễm bệnh. Khả năng lây truyền từ người sang người là thấp, chủ yếu qua tiếp xúc dịch cơ thể hay dùng chung vật dụng vệ sinh cá nhân.
Trong năm 2022, đã có 10 ca tử vong tại vùng lưu hành của dịch bệnh (Congo và Nigeria) nhưng chưa có ca tử vong nào ngoài vùng lưu hành, bởi chùm ca ngoài vùng lưu hành được xác định là do chủng Tây Phi, vốn nhẹ hơn chủng Congo. Chùm ca ngoài vùng lưu hành được cho là chủ yếu do lây truyền qua đường tình dục. WHO khuyến cáo người có triệu chứng bệnh nên ngừng quan hệ, cách ly và báo với cơ quan y tế.