Mấy hôm trước nhà chồng tôi có giỗ, vì là cuối tuần nên con cháu tập trung khá đông đủ. Thế nhưng khi ra sau vườn hái ít lá chanh, tôi vô tình thấy em gái họ của chồng cũng đang ở đây và nói chuyện điện thoại với ai đó. Vì em đứng quay lưng với tôi nên không hề nhận ra sự xuất hiện của tôi.
Định lên tiếng chào hỏi, tôi bỗng nghe em nhắc đến tên mình khi nói chuyện với bạn bè, tò mò nên đứng nghe lén. Thà không biết thì thôi, nghe rồi lại thấy đau lòng quá. Thì ra không hài lòng với đối tượng tôi giới thiệu cho em, nên em mới ở đây nói lời chê bai, chỉ trích.
- Anh chàng kia nhìn cũng điển trai nhưng nhà nghèo, không hiểu bà chị dâu nhìn người kiểu gì nữa, như thế mà cũng giới thiệu cho tao được. Đi xem mắt về bà hỏi han nhưng tao chán nhưng vẫn phải giả vờ khen đôi câu. Mong sau bà đừng làm mối cho tao nữa, mắt nhìn người của bà ấy kém quá.
Đôi khi nhiệt tình quá lại thành dở, nhất là với nhà chồng thì cần phải hạn chế giúp đỡ 3 việc này.
(Ảnh minh họa)
1. Hạn chế làm “bà mối”
Chẳng phải tự dưng tôi lại đi làm mai mối cho em họ chồng, là mẹ em nhờ vả, có lời trước, lại thấy anh chàng đồng nghiệp cùng công ty đẹp trai, chịu khó, hiền lành nên tôi mới giới thiệu chứ tôi đâu rảnh. Nào ngờ lòng tốt của tôi lại nhận về sự chỉ trích từ em họ như vậy.
Thiết nghĩ các nàng dâu nên hạn chế làm bà mai mối cho anh chị em nhà chồng. Nếu người anh/chị/em đó hài lòng đối tượng với bạn giới thiệu, cả hai có một cái kết đẹp thì không sao, nhưng nhỡ không hài lòng thì có thể bạn phải chịu điều tiếng như tôi.
Chưa hết, cho dù anh/chị/em và đối tượng bạn giới thiệu nên duyên vợ chồng nhưng sau này họ gặp trục trặc, ly hôn thì sao? Khi ấy rất có thể người từng được bạn làm mai mối sẽ quay ra chỉ trích, đổ tại bạn không có mắt nhìn người, giới thiệu người ấy cho họ nên giờ họ mới ra nông nỗi này đó.
Chủ động ghép đôi, giới thiệu đối tượng gặp mặt khi không có sự nhờ vả lại càng không. Đôi khi sự nhiệt tình của bạn lại khiến mọi người cảm thấy khó chịu đấy.
(Ảnh minh họa)
2. Hạn chế tham gia vào mâu thuẫn nhà chồng
Có lần thấy bố mẹ chồng cãi nhau vì một chuyện rất nhỏ, không nhịn được nên tôi đã lên tiếng khuyên can, hòa giải. Những tưởng sẽ giải quyết được khúc mắc giữa hai ông bà nhưng nào ngờ lại bị mắng té tát vào mặt: “Đây là chuyện giữa hai vợ chồng tôi, không phải chuyện của cô, không cần cô phải xen vào. Tôi cần cô dạy à, trứng mà đòi khôn hơn vịt”.
Hôm sau khi bình tĩnh lại, mẹ chồng có xin lỗi tôi vì đã quá lời, nhưng lời đã nói ra như bát nước hắt đi không lấy lại được. Từng câu từng chữ ngày hôm ấy vẫn mãi khắc ghi trong tôi, rồi tôi nhận ra làm dâu cần phải khôn khéo, cần phải hạn chế tham gia vào mâu thuẫn, xích mích trong nhà chồng, đừng tùy ý can dự khi không được phép. Nếu không, bạn có thể bị trách ngược lại, nhận về những lời tổn thương.
Tốt hơn hết bạn nên bình tĩnh xem xét, nếu có ý kiến nào hay, bạn có thể đưa ra những lời góp ý, lời khuyên thông qua chồng mình sẽ tốt hơn.
(Ảnh minh họa)
3. Hạn chế can dự vào tài sản nhà chồng
Cách đây không lâu, vợ chồng em gái chồng đầu tư làm ăn thua lỗ, báo nợ về nhà hết lần này đến lần khác. Thấy vậy vợ chồng tôi bàn nhau cho em mượn 200 triệu để trả bớt lãi ngoài.
Nào ngờ sau mấy năm, khi đã gây dựng lại được sự nghiệp, vợ chồng em vẫn không hề đả động gì tới khoản nợ năm xưa tôi cho các em vay. Khi tôi hỏi, em lại cãi cùn chối bay chối biến, bảo tôi không bằng không chứng, không có giấy nợ thì đừng có qua đòi.
Thật không ngờ em chồng lại lật mặt như vậy. Sau nhiều lần đòi không được, vợ chồng tôi đành tặc lưỡi cho qua, coi như một bài học đắt giá, sau cho ai vay mượn tiền bạc kể cả anh em trong nhà cũng nên viết giấy hoặc có bằng chứng chuyển tiền rõ ràng để tránh chuyện không hay xảy ra về sau.
Hay chuyện bố mẹ chồng phân chia tài sản cho con cái cũng vậy, tốt hơn hết nàng dâu đừng can thiệp. Tài sản của bố mẹ, bố mẹ cho bao nhiêu là quyền của bố mẹ, không nên đòi hỏi, so đo, nếu không chỉ khiến người khác có cái nhìn không tốt về bạn mà thôi, thậm chí nảy sinh mâu thuẫn.