Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi thương hiệu dụng cụ mỹ phẩm Spectrum Collections đã tiết lộ lượng vi khuẩn khủng khiếp tích tụ trên những chiếc cọ trang điểm chưa rửa, bất kể chúng được cất giữ ở đâu. Theo các nhà nghiên cứu, lượng vi khuẩn này có thể bằng hoặc hơn cả bệ ngồi trong nhà vệ sinh.
Thí nghiệm được tiến hành bằng cách lấy mẫu vi khuẩn của chiếc cọ sạch lẫn cọ trang điểm sau khi sử dụng 2 tuần bằng cách thử nghiệm nhiều phương pháp bảo quản phổ biến khác nhau: tại bàn trang điểm trong phòng ngủ, trong túi trang điểm, trong túi đựng dành riêng cho cọ, túi trang điểm và bệ ngồi bồn cầu.
So sánh kết quả với miếng gạc của bệ ngồi trong nhà vệ sinh, nghiên cứu cho thấy rằng bất kể những chiếc cọ được cất ở đâu, số lượng vi khuẩn đều bằng hoặc nhiều hơn.
Nhà khoa học mỹ phẩm Carly Musleh cho biết, cọ trang điểm có thể truyền vi khuẩn, tế bào da chết và dầu thừa trên da mặt sang sản phẩm. Mặc dù không phải tất cả các loại vi khuẩn đều có hại, nhưng thường xuyên sử dụng cọ trang điểm chưa được làm sạch đúng cách có thể dẫn đến mụn trứng cá hoặc tình trạng da nhiễm trùng.
“Sử dụng cọ makeup bẩn có thể làm tăng nguy cơ gây mất cân bằng trong cộng đồng vi khuẩn lành mạnh và dẫn đến sự gia tăng số lượng vi khuẩn gây bệnh, từ đó gây ra mụn hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn. Để giảm sự tích tụ của vi khuẩn, điều quan trọng là phải làm sạch cọ trang điểm thường xuyên” - Carly Musleh nói thêm.
Công ty dụng cụ mỹ phẩm trên cũng đã thực hiện khảo sát khách hàng của chính họ, 40% trong số đó cho biết họ vệ sinh cọ hai tuần một lần, trong khi con số đáng kinh ngạc là 20% thừa nhận chỉ giặt cọ từ 1 đến 3 tháng một lần. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ, các chị em nên làm sạch cọ makeup sau 7 đến 10 ngày dù có sử dụng hay không.
Làm sạch cọ trang điểm đúng cách
- Làm sạch cọ dưới vòi nước ấm: Đầu tiên, bạn đặt cọ hướng xuống dưới vòi nước, theo hướng nghiêng để nước không chảy vào phần kẹp kim loại trên cán cọ và làm hỏng keo dán đầu cọ. Sau đó, bạn cho nước chảy vào đầu cọ đến khi rửa trôi gần hết các sản phẩm trang điểm cũ.
Khi rửa cọ dưới vòi nước, hãy di chuyển và xòe đầu cọ để nước chảy vào giữa giúp cọ sạch hơn.
Lưu ý: Không sử dụng nước nóng vì sẽ khiến đầu và lông cọ bị hỏng.
- Rửa lại cọ: Tiếp theo, đổ nước ấm vào bát hoặc cốc nhỏ khoảng 60ml. Sau đó, bạn có thể làm nước rửa cọ trang điểm bằng cách pha xà phòng vào nước trong cốc hoặc thoa trực tiếp lên cọ trong trường hợp cọ có nhiều bụi phấn trang điểm hoặc bị vón. Bạn có thể thay thế bằng một loại dung dịch chuyên dụng để rửa sạch cọ.
- Ngâm cọ làm sạch sâu: Sau khi xả sạch đầu cọ bằng nước ấm, bước tiếp theo cá bạn nên tiếp tục ngâm cọ trong dung dịch vệ sinh khoảng từ 3 - 5 phút nhằm thúc đẩy các chất bẩn từ đầu cọ ra nước.
Trước khi lấy cọ ra khỏi dung dịch sau khi ngâm, chị em nên xoay xoay cọ trong nước để các chất bẩn được đánh bật ra theo dòng nước mà không bám vào phần lông cọ.
- Xả sạch cọ lại bằng nước ấm: Sau khi lấy cọ trang điểm ra khỏi dung dịch vệ sinh, tiếp tục xả sạch đầu lông cọ dưới vòi nước ấm và tránh làm ngấm nước nhiều lần phần thân cọ.
- Thấm khô cọ bằng khăn bông: Để lông cọ nhanh khô sau khi vệ sinh, bảo vệ đầu lông khỏi bụi bẩn, hãy sử dụng khăn bông để thấm khô cọ. Khăn bông là chất liệu thấm hút tốt, giúp thấm hút hết nước dư thừa trong cọ để mang đến sự khô ráo, sạch sẽ sau khi vệ sinh.
- Hong khô cọ: Đây là bước quan trọng không kém, giúp tránh xảy ra tình trạng ẩm mốc hay đọng nước ở đầu cọ.
Bạn nên hong khô cọ bằng ánh sáng tự nhiên, thay vì dùng máy sấy có thể làm hỏng phần lông cọ.
Những dung dịch nên sử dụng để giặt sạch cọ trang điểm
- Chất tẩy rửa chuyên dụng: Có rất nhiều dung dịch vệ sinh cọ trang điểm khác nhau cho bạn lựa chọn. Bạn có thể tìm mua tại các cửa hàng hoặc mua online. Sau mỗi lần sử dụng cọ, bạn xịt dung dịch lên lông cọ rồi chỉ cần lau sạch lại bằng khăn khô.
- Xà phòng dịu nhẹ: Nếu bạn thắc mắc rửa cọ trang điểm bằng gì thì hãy thử dùng xà phòng có hoạt tính tẩy rửa dịu nhẹ.
- Nước và giấm táo: Pha theo tỷ lệ 1:1 trong bát. Sau đó, bạn ngâm cọ trang điểm vào hỗn hợp trong vài phút rồi rửa sạch. Để khử mùi giấm, bạn nên rửa cọ kỹ bằng nước sạch hoặc giặt lần cuối bằng dầu gội đầu.
Các hợp chất tẩy rửa như bột giặt, các loại nước rửa bát có tính tẩy mạnh, dầu giấm, các sản phẩm chuyên dụng tẩy tế bào chết…được cho là không phù hợp và dễ khiến cọ trang điểm nhanh hỏng.