Xăm hình hay còn gọi là tattoo đang trở thành một xu hướng để giới trẻ thể hiện cá tính và chất riêng của bản thân. Hơn nữa, mỗi hình xăm lại thể hiện một ý nghĩa, câu chuyện quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Chính vì vậy mà nhu cầu xóa xăm cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thực tế xóa xăm không để lại sẹo các spa, thẩm mỹ viện đại trà vẫn quảng cáo có thực sự đúng?
Xăm hình là cách giới trẻ thể hiện cái tôi cá nhân.
Xóa xăm không hề dễ như xăm
Có thể bạn không biết: việc tạo ra một hình xăm có thể rất dễ dàng nhưng để xóa hình xăm đó đi thì rất khó khăn. Nếu xăm một hình lên da đồng nghĩa với việc hình xăm đó sẽ theo bạn đến suốt cuộc đời. Mực xăm rất bền màu cộng với cấu tạo của máy xăm chuyên dụng với những kim xăm xếp thành từng cụm với 3 đầu kim có chứa mực sẽ đâm vào da qua lớp biểu bì và cho phép mực thấm sâu hơn vào lớp da, nơi các sợi collagen và máu tập trung.
Hình xăm sẽ đi theo bạn vĩnh viễn.
Chính vì vậy, mực xăm hình trên da theo cơ chế sẽ có một phần sẽ theo hệ thống bạch huyết đào thải ra ngoài, số còn lại sẽ ở trong lớp hạ bì của làn da. Điều này chính là nguyên nhân lý giải cho việc khi xăm hình rồi thì rất khó có thể loại bỏ hoàn toàn chúng trên bề mặt da được. Thậm chí chúng sẽ tồn tại vĩnh viễn nếu như chúng ta không có bất kì tác động gì tới vùng xăm đó. Nếu xăm mình là một cách làm đẹp thì xóa xăm cũng yêu cầu tính thẩm mỹ cao: không để lại sẹo và thay đổi cấu trúc da.
Tự chữa xăm tại nhà là một sai lầm
Một số người có suy nghĩ chủ quan nên đã tự thực hiện xóa xăm tại nhà mà không kịp nghĩ sẽ gây ra những tác hại khôn lường. Các phương pháp thông thường hay được sử dụng như dùng nguyên liệu tự nhiên (chanh, muối, giấm...), các loại thuốc axit có tính tẩy cao, dùng đá mài… Tuy có thể dễ dàng thực hiện nhưng chúng chỉ có tác động tới bề mặt biểu bì (mặt ngoài của làn da) không thể tiếp cận được với lớp hạ bì. Hơn nữa, biện pháp dùng đá mài làm cho da bị trày xước, lỡ loét và nhiều biến chứng nguy hiểm hơn nếu không cẩn thận bị nhiễm trùng.
Tự xóa xăm ở nhà là con dao hai lưỡi gây viêm nhiễm và tổn thương cho làn da.
Xóa xăm bằng laser tiềm tàng nhiều nguy cơ
Vì lí do công việc hay nhu cầu thẩm mỹ cá nhân mà nhiều người tìm đến việc xóa xăm. Hiện nay, được quảng cáo tràn lan trên các diễn đàn mạng xã hội là các spa, thẩm mỹ viện vô danh quảng cáo xóa xăm duy nhất chỉ một lần không để lại sẹo. Nhưng thực tế xóa một lần không thể hết được.
Đối với những hình xăm có màu mực đậm và tuổi thọ của hình xăm càng ngắn càng khó xóa. Vì lúc này mực còn mới và chưa được bài tiết bớt qua hệ thống bạch huyết. Trung bình một hình lớn cần 3-5 lần mới có thể xóa bớt đi được.
Thực tế công nghệ laser hiện đại nhất cũng chỉ xóa được tối đa 95% mực xăm trên cơ thể chứ không thể hết được hoàn toàn.
Xóa xăm có hết không là một chuyện còn để lại sẹo không lại là chuyện lớn. Hiệu quả của quá trình xóa xăm phụ thuộc 2 yếu tố chính: công nghệ và cách chăm sóc sau đó. Tại các spa, thẩm mỹ viện không có tiếng hầu hết đều chưa đủ điều kiện để cải tiến công nghệ mà hầu hết đều sử dụng thiết bị cũ, làm nóng mô da đến mức gây tổn thương, bỏng da và để lại sẹo.
Trường hợp bị sẹo lồi sau khi xóa xăm ở tay.
Những hình xăm lớn hơn gây diện tích sẹo lớn làm mất tính thẩm mỹ.
Nặng hơn là bỏng da, phồng rộp và nhiễm trùng như cô gái này.
Xóa xăm bằng đốt điện hoặc laser CO2 đang được một số bác sĩ không được đào tạo chuyên môn sử dụng rộng rãi vì giá thành rẻ, lại dễ sử dụng nhưng để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng vết thương, để lại sẹo xấu, sẹo co kéo, sẹo lồi, sẹo quá phát… Những di chứng này có thể tồn tại suốt đời và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mĩ của bệnh nhân mà rất khó để khắc phục được. Về mặt nguyên tắc, các spa không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh thì không được phép sử dụng các máy móc công nghệ để xóa xăm.
Xóa xăm còn đau đớn hơn xăm mình rất nhiều. Nếu thực hiện ủ tê khi xóa xăm sẽ gây triệu chứng nước mô chảy nhiều sau đó và hơn hết là xóa không hiệu quả được như khi không dùng.
Thực tế, xóa xăm không sẹo tại bệnh viện hay thẩm mỹ viện uy tín có thể không để lại sẹo. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chăm sóc sau xóa của bạn. Tia laser để lại các thương tổn trên bề mặt da có mực xăm, do đó chúng được coi là vết thương hở. Nếu quá trình bác sĩ thực hiện đốt laser đúng quy trình, chuẩn xác nhưng quá trình chăm sóc hậu kì không đảm bảo (không giữ vệ sinh sạch sẽ, không ăn kiêng đúng quy trình, bôi thuốc lung tung,...) vẫn sẽ để lại sẹo, thậm chí là sẹo lồi kém thẩm mỹ.
Cân nhắc kĩ càng trước khi xăm
Vì hình xăm sẽ đi theo bạn tới hết cuộc đời và xóa xăm lại là một vấn đề không dễ dàng, do đó bạn cần nghiêm túc suy nghĩ kĩ càng trước khi thực hiện. Nếu muốn ghi dấu một sự kiện quan trọng nào đó trong đời lên cơ thể, bạn cũng nên tìm hiểu kĩ càng tại các cơ sở xăm uy tín: tay nghề thợ, mực xăm, kim xăm, môi trường xăm có đủ sạch sẽ hay không. Trong đó, tay nghề của thợ đóng vai trò khá quan trọng. Khi nét mực đi chuẩn nét cho hình lên màu đẹp thì bạn sẽ hạn chế được rủi ro xóa xăm sau đó.