ĐỖ ĐỎ (ĐẬU ĐỎ)
Chuyên gia phong thuỷ Bùi Quang Minh cho biết, năm mới mọi người nên ăn đỗ đỏ để mọi việc đỗ đạt và làm việc gì cũng đỏ.
Đậu đỏ là loại hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng không còn xa lạ với chúng ta. Nhắc đến đậu đỏ, người ta nghĩ ngay đến các món chè giải nhiệt ngày hè như chè đậu đỏ nếp cẩm, sữa đậu đỏ mật ong, nước hầm đậu đỏ, mochi đậu đỏ... hay các món ăn thơm ngon trên mâm cơm gia đình như đậu đỏ hầm sườn non, xôi đậu đỏ,...
Năm mới mọi người nên ăn đỗ đỏ để mọi việc đỗ đạt và làm việc gì cũng đỏ.
Đậu đỏ rất bổ dưỡng, giúp giải nhiệt hiệu quả. Tuy nhiên, đậu đỏ còn là một loại vật phẩm phong thủy cực kỳ hiệu nghiệm mà nhà nào cũng nên có. Theo khoa học phong thủy, đậu đỏ có màu đỏ rất đẹp, tượng trưng cho sự may mắn. Đây là màu sắc sẽ giúp gia chủ "rước" thêm tài lộc vào nhà, đẩy lui đi mọi điều xui xẻo, buồn phiền. Chính vì vậy năm mới này bạn hãy nấu ngay một món ăn ngon miệng từ đậu đỏ để thưởng thức giúp mang lại may mắn năm mới này nhé.
Một vài món ngon từ đậu đỏ bạn có thể tham khảo:
1. Chè đậu đỏ
Nguyên liệu:
- 300g đậu đỏ
- 250g đường
- 10g bột sắt dây hoặc bột năng
- 1 lon nước cốt dừa
Cách làm:
Đậu đỏ mua về rửa sạch ngâm nước khoảng 6 - 8 tiếng cho mềm. Sau đó rửa sạch.
Cho đậu đỏ đã ngâm mềm vào nồi cùng 1l nước và nấu trong khoảng 30 - 40 phút.
Bí quyết để nấu chè đậu đỏ nhanh nhừ là khi nấu cho thêm một xíu muối vào, đậu sẽ nhanh mềm hơn.
Đậu đỏ đã chín mềm thì cho đường vào khuấy cho tan.
Hòa bột sắn dây (hoặc bột năng) vào một bát con cho tan, đổ từ từ vào nồi chè đang sôi, vừa đổ vừa khuấy để bột tan hết và tạo độ sệt cho chè. Khuấy khoảng 1 phút cho bột chín hoàn toàn rồi tắt bếp.
Chè để nguội rồi múc ra bát, rưới thêm nước cốt dừa vào thưởng thức. Nếu thích ăn thêm đá thì cho đá vào thưởng thức bát chè đậu đỏ thơm ngon, mềm nhừ.
2. Xôi đậu đỏ
Nguyên liệu:
- 500gr gạo nếp
- 200gr đậu đỏ
- 1 xíu muối
- Vài thìa nước cốt dừa
- Đường (nếu thích ăn ngọt)
- Muối vừng (nếu thích ăn xôi mặn)
Cách làm:
- Gạo nếp vo sạch rồi ngâm nước qua đêm cho nở mềm. Đậu đỏ cũng vo sạch ngâm nước qua đêm.
- Cho đậu đỏ cùng với nước vào nồi luộc cho đến khi đậu chín mềm, đổ đậu ra rá cho ráo nước.
- Cho gạo nếp, xíu muối trộn đều rồi cho lên xửng hấp chín.
- Xôi đã chín bạn cho thêm đường, nếu thích ăn ngọt, lấy đũa xới cho xôi tơi ra rồi cho đậu đỏ vào trộn đều và hấp thêm vài phút là tắt bếp.
- Xới xôi ra đĩa rồi rắc muối vừng, rắc thêm chút dừa nạo sợi cho thêm phần hấp dẫn là có thể thưởng thức ngay thôi.
QUẢ SUNG
Cũng theo chuyên gia phong thủy Quang Minh, quả sung là một trong những loại quả mang may mắn trong năm mới, sung túc cho các gia đình Việt. Tuy nhiên vì đặc tính nhiều nhựa và có vị chát nên quả sung ít được yêu thích hơn so với những loại trái cây thơm ngọt khác. Nhưng nhờ hình thức mọc theo chùm, xum xuê và dễ trồng, mang ý nghĩa biểu thị cho sự sung túc, no ấm. Cho nên vào dịp Tết này, một đĩa sung muối sẽ là món ăn tuyệt vời cho bữa cơm đầu năm mới của mỗi gia đình.
Quả sung là một trong những loại quả mang may mắn trong năm mới, sung túc cho các gia đình Việt.
Cách làm sung muối rất đơn giản:
Nguyên liệu: 500g quả sung tươi - Tỏi - Chanh - Ớt - Gia vị: đường, bột canh, muối.
Cách làm: Sung tách rời từng quả, bỏ cuống rồi rửa sạch. Sau đó bổ quả sung thành 2 hoặc 3 miếng tùy độ to của quả rồi ngâm ngay vào nước muối pha loãng để sung không bị thâm. Rửa đi rửa lại nhiều lần cho hết nhựa. Cuối cùng, vớt sung ra để ráo nước.
Tỏi bóc vỏ, đập dập. Chanh vắt lấy nước cốt. Ớt thái miếng. Ướp sung với bột canh, đường sao cho vừa miệng rồi để sung ngấm gia vị khoảng 10-15 phút. Tiếp đến cho tỏi, nước cốt chanh và ớt (tùy sở thích) vào trộn đều. Để sung trong khoảng 20-30 phút là có thể ăn ngay được.
Muốn để sung ăn được vài ngày thì lấy một bát nước sôi, hoà một chút muối và đường sao cho hỗn hợp nước vừa miệng. Cho sung muối vào hũ và đổ nước vừa pha vào trộn đều, đậy nắp lại và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Với cách làm như vậy sung có thể ăn trong vài ngày mà không bị chua.
Sung muối là món ăn kèm dân dã, thường rất hợp với món ốc luộc. Ngoài ra sung muối ăn rất đưa cơm, giúp bữa cơm thêm phong phú và không bị ngán.
3. XÔI GẤC
Trong mâm cỗ ngày Tết mọi người thường đồ xôi gấc để dâng lên ông bà tổ tiên, cầu mong cho gia đình sẽ có một năm mới thật may mắn và tràn đầy hạnh phúc. Đây có lẽ là món ăn mà mọi người nghĩ đến đầu tiên trong năm mới để mong đem lại sự may mắn.
Xôi gấc là món ăn mà mọi người nghĩ đến đầu tiên trong năm mới để mong đem lại sự may mắn.
Người xưa luôn quan niệm màu đỏ tượng trưng cho màu sắc của sự hạnh phúc, tươi vui, là biểu tượng của sự may mắn, tốt lành. Riêng màu đỏ của gấc là màu sắc được tạo ra từ tự nhiên, nên sẽ đem lại sự dung hòa, thuận lợi trong năm mới. Màu đỏ cam tươi sáng của xôi gấc là màu của cát tường như ý, biểu thị cho sự rực rỡ mong muốn một năm mới thịnh vượng.
Vì thế, vào đêm giao thừa và sáng mùng 1 đầu năm, người ta hay làm xôi gấc để thắp hương rồi thụ lộc với niềm tin sẽ được nhiều lộc, nhiều may mắn trong cả năm. Ngoài xôi gấc, người ta còn làm cả bánh chưng gấc, bánh phu thế gấc, bánh nếp gấc... với mong muốn tương tự.
Cách làm xôi gấc như sau:
Nguyên liệu:
- 2 chén nếp
- 150gr thịt gấc (mình dùng gấc đông lạnh)
- 70gr đường
- 1/4 muỗng cà phê muối
- 1 muỗng canh dầu ăn
- 1 muỗng canh rượu
- 100ml nước cốt dừa
Cách nấu xôi gấc:
Nếp vo sạch ngâm với nước ấm ít nhất 4 tiếng hay qua đêm.
Gấc cho vào chén cùng với dầu và rượu dầm nhuyễn, lược qua rây cho mịn.
Nếp đổ ra rổ xả qua nước lạnh. Cho nếp vào xửng hay rổ hấp, trộn gấc đã lược nhuyễn vào cùng muối, mang bao tay trộn đều.
Nấu 1 nồi nước sôi, cho xửng nếp vào hấp 10 phút.
Qua 10 phút cho 1/2 nước cốt dừa vào trộn đều và hấp tiếp 5-7 phút.
Tiếp tục cho nước dừa còn lại vào trộn đều hấp 5 phút. Cuối cùng cho đường vào xới chung hấp 7-8 phút nữa là tắt bếp.
Xôi gấc cốt dừa cho vào khuôn ấn mạnh, úp ra đĩa.
Chỉ với các bước đơn giản như vậy là bạn và gia đình đã có món xôi gấc cốt dừa thơm ngon, béo ngậy cho cả gia đình thưởng thức rồi.
4. CÁC QUẢ CÓ VỊ NGỌT
Nho, xoài, lê, chuối, cam, quýt, dưa hấu, táo, bưởi, thanh long, đu đủ, lựu,… là những loại quả có vị ngọt nên ăn trong dịp đầu năm mới. Đây đều là những loại quả quen thuộc với người dân Việt và là những loại quả mang tài lộc, may mắn đến cho gia chủ.
Đầu năm mới mọi người nên ăn các quả có vị ngọt bởi nó sẽ mang lại sự ngọt ngào, may mắn cho năm mới.
Trong đó:
- Chuối là loại quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả. Người ta quan niệm, nải chuối mang một ý nghĩa tâm linh đặc biệt, tựa như bàn tay ngửa hứng lấy những điều may mắn, phúc lộc.
- Quả bưởi tượng trưng cho phúc lộc, viên mãn.
- Quả cam trong tiếng Hán, "cam" được phát âm là "kim" tức là vàng. Vì thế cam là loại quả sẽ mang lại thịnh vượng, phát triển nhiều tài lộc cho gia chủ.
- Thanh long (rồng xanh) cũng là quả mang ý nghĩa cát tường và thịnh vượng.
- Quả đu đủ mang ý nghĩa hi vọng năm mới sẽ đủ đầy, không thiếu thốn trong mọi việc.
- Quả xoài mang nhiều ý nghĩa phong thuỷ tốt đẹp trong dịp năm mới. Người miền Nam phát âm là “xài” ý muốn cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn, cuộc sống sung túc.
- Dưa hấu cũng là thức quả của sự đoàn viên, ẩn chứa tình cảm của người thân, gia đình trong từng hương vị ngọt thanh. Bên cạnh đó, loại trái cây này thể hiện sự may mắn, tài lộc của mỗi gia đình trong ngày Tết cổ truyền. Người xưa vẫn quan niệm rằng màu sắc của dưa hấu trong ngày Tết tượng trưng ít nhiều cho sự hưng thịnh của gia chủ trong năm mới, là quẻ bói đầu năm của mọi nhà.
“Đầu năm mới mọi người nên ăn các quả có vị ngọt bởi nó sẽ mang lại sự ngọt ngào, may mắn cho năm mới”, chuyên gia Quang Minh cho hay.
5. Muối
Chuyên gia Quang Minh cũng cho biết, năm mới ăn muối sẽ mang lại may mắn, mọi người không nên ăn những món có vị cay đắng.
Muối mang lại vị mặn mà. Đặc biệt, với ước nguyện mua muối đầu năm, gia đình sẽ gặp nhiều điều may mắn, gia đạo hiếu thuận, ấm áp nên vào ngày đầu tiên của năm mới, thậm chí ngay sau thời khắc Giao thừa, nhiều người Việt thường mua muối về nhà để lấy may mắn, ấm no, hạnh phúc cho cả năm.
Muối mang lại vị mặn mà.