Là người phụ nữ hiện đại nên chị Ngọc Trân (39 tuổi, TP HCM) vô cùng bận bịu với công việc bên ngoài. Thế nhưng, không vì vậy mà chị bỏ rơi thiên chức của một người vợ, người mẹ trong gia đình. Sau khi cứ lúc nào rảnh việc, chị đều tranh thủ vào bếp nấu ăn.
Chị tâm sự, trước đây bản thân không hề thích cũng chẳng biết nấu ăn. Thế rồi từ khi lấy chồng, ông xã là người thích những bữa cơm gia đình, nên không thể ăn ngoài mãi được, nên chị đã quyết tâm học nấu và giờ việc này đã trở thành một đam mê.
Chị Ngọc Trân
"Người thầy đầu tiên dạy mình nấu ăn chính là ba. Ông nấu ăn cực kì ngon. Ba mình chuyên nấu đám tiệc và có cảm vị cực kì nhạy, ăn món gì ngon ông có thể về tự mày mò nấu ra thậm chí còn ngon hơn vậy. May mắn là mình được thừa hưởng cái cảm vị này từ ba", chị vui vẻ cho biết.
Hiện tại, nhà chị Ngọc Trân ở chung 3 thế hệ gồm 6 người lớn cùng 3 trẻ (hai con chị 15 tuổi và 10 tuổi và 1 bé 9 tháng). Mới đây nhà có thêm 1 người trông trẻ. Do đó, mỗi ngày chị sẽ nấu cơm cho chục người ăn thế nhưng bữa nào cũng ngon miệng, tươm tất.
Chia sẽ bí quyết nấu ăn nhanh gọn, tiết kiệm chi phí, chị Trân cho biết, mỗi lần đi chợ, chị sẽ mất khoảng 30-40 phút. Chị thường xác định trước trong đầu nấu món gì nên đi chợ rất nhanh. Mỗi lần đi như vậy chị chỉ mang theo một số tiền nhất định hằng ngày không để chi phí phát sinh.
Dù nhà đông người như vậy nhưng bà mẹ đảm nấu ăn chỉ trong vòng 1 giờ. Nếu hôm nào có món gì hầm hay cầu kỳ hơn thì thời gian nhiều nhất là 1 tiếng rưỡi.
Những mâm cơm cữ ngon dành cho em dâu của chị Ngọc Trân
"Mình có thói quen nấu rất nhanh và gọn lẹ, khi bắt nồi luộc hay nấu sẽ tranh thủ làm những chuyện khác không ngơi tay, sao cho đúng 12h trưa sẽ có sẵn đồ ăn cho 2 đứa con và em trai đi làm gần nhà về ăn trưa. Vì mình phải buôn bán nên tranh thủ thời gian hết sức có thể vì 1h trưa các con đi học tiếp ca chiều, em trai cũng đi làm, chứ nếu chậm chạp lề mề là không thể kịp cho mọi người ăn. Chiều thì 5h cả nhà đều quây quần về ăn tối. Bình thường mình sẽ nấu trưa cơm, chiều các món nước như hủ tiếu bánh canh bún phở cho dễ ăn", chị Ngọc Trân tâm sự.
Khi nấu ăn, chị Trân thường tập chung vào vấn đề đảm bảo bữa ăn phải đủ chất, cân bằng dinh dưỡng. Đặc biệt chị luôn nấu nhiều các món rau. Để có được rau sạch ăn, chị còn tự trồng rau sạch trên sân thượng. Không những thế, bà mẹ U40 còn chú trọng tính thẩm mỹ nên thường trang trí món ăn cho bữa cơm thêm bắt mắt. Bản thân là người khó tính trong ăn uống nên chị cũng rất cẩn thận và kỹ lưỡng. Với chị, nguồn thực phẩm gia đình ăn có thể đắt nhưng phải sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Em dâu chị luôn mê các món chị nấu
Gia đình đông người lại 3 thế hệ nên sở thích ăn uống của mỗi người khác nhau, người thích cá, người thích thịt, có người ưa hải sản... và đặc biệt tất cả thành viên trong nhà chị không ăn thức ăn ngày hôm sau, nhưng điều này không làm khó được chị. Chị luôn nấu đa dạng các món cho tất cả mọi người cùng ăn, ai cũng sẽ thấy ngon miệng.
Ngoài những bữa cơm gia đình, bà mẹ đảm còn thường nấu thêm những món như bún, phở, hủ tiếu, lẩu, các món Âu, Á khác để thay đổi khẩu vị cho gia đình. Bình thường 1 tuần chị sẽ nấu 3 ngày buổi chiều các món này thay cơm. Riêng thứ 7, Chủ nhật, gia đình chị sẽ ra ngoài ăn uống để con cái và ông bà vui chơi, tận hưởng cuộc sống.
Nhờ tài đảm đang mà giờ cả nhà ai cũng nghiện cơm chị nấu. "Ngày trước em dâu mình ở Hà Nồi vào ở chung mới đầu còn lạ lẫm các món ăn miền Nam nhưng bây giờ em hoà hợp rất nhanh. Thậm chí những bữa cơm mình nấu em dâu ăn sạch sẽ không còn gì và luôn khen lấy khen để. Mọi người đi ăn tiệm hay so sánh không ngon bằng mình nấu, hay có món gì ngon hay kêu mình về làm cho ăn". Chị Trâm thích thú nói.
Vào những ngày có tiệc lớn nhỏ trong gia đình như sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng hay có đám giỗ nhiều khi lên tới cả trăm người nhưng chị đều "cân" được hết.
Mới đây, chị Ngọc Trân chia sẻ mâm cơm cữ của mình nấu cho em dâu được dân mạng khen nức lời. Chị cho biết, em dâu sinh mổ, lại đúng dịp Tết là khoảng thời gian chị bận nhất nhưng chị vẫn dành thời gian để chăm em dâu và cháu.
"Ngoài 5 ngày nuôi em suốt trong bệnh viện mình đặt cơm bà đẻ và thời gian mẹ em từ Hà Nội vô Sài Gòn chăm em được 1 tuần, thì những bữa cơm của em đều do mình nấu. Chỉ có mấy ngày Tết là gia đình mình đi du lịch thì có chị vú và em trai chăm nên mình không nấu được".
Thực đơn dành cho em dâu đẻ chị làm đều không có dầu mỡ, nêm rất nhạt. Các món chị nấu rất khoa học, không kiêng khem kham (chỉ trừ rau muống, đồ chua nhiều gia vị và nước tương). Không chỉ thế, chị còn để ý xem em dâu thích ăn gì sẽ nấu theo. Chị cũng chú trọng nấu rau nhiều, ít cơm, canh nhiều và luôn luôn có trái cây tráng miệng nhằm mục đích tốt cho tiêu hóa của em dâu. Nhờ đó, em dâu dù là người Bắc nhưng rất thích những bữa cơm chị chồng chuẩn bị, rất háo hức và lần nào cũng ăn sạch sẽ. "Em thường bảo hôm nào ở nhà là em được ăn ngon, nên mình dù bận cỡ nào cũng ráng chăm cho em đầy đủ chất. Thậm chí mình vẫn đều đặn nấu cho em ăn mỗi ngày tới bây giờ khi con gái đã đc 8 tháng rồi", chị nói.
"Người ta thường nói, nhà có hạnh phúc viên mãn chỉ cần nhìn bếp là thấy cả. Người phụ nữ khéo chăm lo không bao giờ để bếp nhà lạnh tanh nên dù bận đến mấy, cả gia đình mình vẫn thường sắp xếp cùng nhau làm vào bếp. Chỉ là cùng nấu những bữa ăn ngon hay ngắm nghía mua đồ cho căn bếp cũng đã đủ nuôi dưỡng hơi ấm của gia đình. Câu nói “phụ nữ nấu ăn giỏi sẽ giữ được chồng”, đối với mình đúng phần nào. Dù nấu ăn giỏi không phải quyết định tất cả cho việc giữ chồng, nhưng lại là một lợi thế giữ chồng không la cà hàng quán vì mê cơm vợ nấu, thèm cơm nhà vợ làm, thậm chí vợ trổ tài khi bạn tới chơi nhà là niềm hãnh diện cho người chồng. Điều đó sẽ khiến gia đình vui và hạnh phúc hơn", bà mẹ đảm đang khẳng định.
Không chỉ là một người mẹ, người vợ đảm đang của gia đình, mà nhờ tài năng, chị Ngọc Trân đã không ít lần lên tivi để dạy nấu ăn. Đó không chỉ là một niềm vui mà còn là niềm tự hào của bản thân chị, chứng minh cho việc ai cũng có thể nấu ăn ngon, chỉ cần cố gắng là được.