Khoai lang là loại củ dân dã, giá rẻ nhưng rất giàu dinh dưỡng. Người ta tìm thấy trong khoai lang các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể con người như: Carbohydrate, chất xơ, vitamin A, B, C, E, pectin, carotene, kali và nhiều khoáng chất khác.
Ăn khoai lang thường xuyên sẽ có tác dụng làm ẩm ruột, nhuận tràng, thúc đẩy đại tiện, làm sạch đường ruột và chống táo bón. Chưa dừng lại ở đó, hàm lượng chất xơ trong khoai lang còn làm tăng cảm giác no, ngăn cản sự hấp thu đường và chất béo từ đó có lợi cho việc giảm cân.
Đồng thời, các cellulose và pectin trong loại củ này còn giúp làm chậm quá trình hấp thu đường, chất béo trong thức ăn giúp kiểm soát lượng đường trong máu cực kỳ hiệu quả.
Khoai lang ngon, tốt cho sức khỏe nên được chế biến thành rất nhiều món ăn. Trong đó thì khoai lang luộc vẫn phổ biến hơn cả. Những củ khoai được luộc chín mềm, với phần ruột vàng thơm, dẻo ngọt thích hợp với cả người lớn và trẻ nhỏ.
Mặc dù luộc khoai lang không khó, tuy nhiên nếu không biết cách thì khoai dễ nhạt, nát và không ngon. Người bán khoai lâu năm chia sẻ cách luộc khoai lang ngon, đảm bảo khoai bở tơi, ngọt như đường, ăn 1 lại muốn ăn 2 đó chính là phơi khoai lang.
Vì sao nên phơi khoai lang trước khi hấp/luộc?
Khoai lang sau khi mua về nên được phơi héo trước khi chế biến. Nguyên nhân là do việc phơi nắng sẽ giúp giảm bớt độ ẩm trong khoai, điều này sẽ giúp khoai không bị mốc và thối. Mặt khác, khi phơi, lượng tinh bột trong khoai lang sẽ chuyển hóa thành nhiều loại đường khác nhau giúp khoai trở nên mềm và ngọt hơn.
Bạn cũng đừng quên chọc một số lỗ nhỏ trên bề mặt của củ khoai nhé. Cách làm này sẽ giúp nhiệt được truyền vào bên trong nhanh hơn, khoai lang cũng chín đều và mềm thơm hơn so với bình thường.
Cách luộc khoai lang ngon
1. Có rất nhiều loại khoai lang khác nhau, trong đó có khoai lang ruột vàng và ruột trắng là phổ biến hơn cả. Đa số mọi người đều chọn khoai lang ruột vàng để hấp vì họ cho rằng loại khoai này có vị ngọt và thơm hơn.
Tuy nhiên, khoai ruột trắng cũng có hàm lượng tinh bột cao, khoai mềm và rất ngọt.
Khi mua khoai lang, bạn nên chọn những củ có hình dài. Loại khoai lang này không chắc nhưng lượng đường cao, khi hấp lên khoai sẽ mềm và ngọt hơn.
2. Khoai sau khi mua về đem phơi ở nơi thoáng gió vài ngày để bớt nước. Như vậy, hàm lượng đường trong khoai lang sẽ tăng lên và khi luộc lên ăn sẽ ngọt hơn.
3. Rửa khoai lang thật sạch sẽ rồi cắt bỏ 2 phần đầu. Vì đây là phần nhiều xơ, ăn không ngon. Dùng tăm chọc vài lỗ nhỏ trên bề mặt củ khoai lang.
4. Đổ nước vào nồi rồi đun sôi. Đặt xửng hấp lên rồi cho khoai lang vào. Đậy vung hấp chừng 20 phút là khoai lang sẽ chín mềm.
Lưu ý, phải chờ khi nước sôi bạn mới được cho khoai vào. Như thế vỏ khoai nhanh chóng được làm nóng, ngăn việc hấp thu quá nhiều hơi nước, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển hóa tinh bột thành đường.
5. Lấy khoai lang ra thưởng thức khi còn nóng hoặc để nguội rồi mới ăn.
Một số lưu ý khi ăn khoai lang
- Hàm lượng chất xơ trong khoai lang rất cao, dễ kích thích dạ dày tiết axit dịch vị. Vì vậy, không nên ăn khoai lang khi bụng đói. Bệnh nhân mắc viêm loét dạ dày, tăng tiết axit cũng không nên ăn.
- Khoai lang có đốm đen, bị thối hoặc hà không nên ăn dễ ngộ độc.
- Trong khoai lang có chứa men khí hóa, vì thế không nên ăn quá nhiều một lúc, dễ bị đầy bụng.
- Nếu muốn khoai ngọt hơn, bạn có thể cho vào nồi một ít đường hoặc mật mua. Sau khi chín, vớt khoai lang ra và để nguội là có thể thưởng thức.
- Khoai lang tuy giàu chất dinh dưỡng nhưng lại ít chất béo và protein. Vì thế, đừng chỉ ăn khoai lang không, như thế sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng. Tốt nhất bạn nên ăn cùng với thịt, hoa quả và rau xanh.
- Không nên ăn khoai lang sống, vì hàm lượng tinh bột trong loại củ này rất cao, nếu không nấu chín kỹ trước khi ăn thì rất dễ bị khó tiêu.