Hằng luôn được mọi người cho là may mắn khi nhà chồng có rất nhiều người làm bác sĩ. Chồng cô là bác sĩ nội tiết, còn mẹ chồng là bác sĩ dinh dưỡng. Chưa kể đến trong họ cũng có vài người là bác sĩ ở các lĩnh vực khác nhau. Quả thật Hằng cũng thấy yên tâm hơn khi nhà có đội ngũ bác sĩ đông đảo như vậy bởi cô nghĩ, chẳng may có việc gì mọi người chia sẻ kinh nghiệm đi khám và chưa bệnh cũng dễ hơn. Thậm chí, cần gì nhờ vả ở viện cũng rất thuận tiện.
Vì mẹ chồng là bác sĩ dinh dưỡng nên các bữa ăn gia đình nhà Hằng khá khoa học. Mặc dù không quá cầu kỳ, kiểu cách nhưng luôn luôn cân bằng giữa rau và thịt. Mẹ chồng cô cũng khuyên nên hạn chế các món ăn chiên rán hoặc các chất phụ gia để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Chế độ ăn của con trai Hằng cũng được mẹ chồng tư vấn nên đến giờ 3 tuổi, bé luôn phát triển khỏe mạnh và ít gặp vấn đề sức khỏe. Hiện tại, bà mới về hưu được 1 năm nên hầu như công việc chăm và trông con của Hằng đều do mẹ chồng đảm nhiệm. Chẳng thế, Hằng càng thêm có thời gian đầu tư cho sự nghiệp và có cơ hội để thăng tiến. Chuyện cơm nước trong nhà cả năm nay cũng là mẹ chồng xử lý. Bà nói, Hằng cứ yên tâm đi làm, giờ bà rảnh, về hưu hoàn toàn nên muốn giúp đỡ con cái nhiều hơn. Hằng luôn thầm cảm ơn mẹ chồng đã yêu thương mình nên cứ dịp cuối tuần được nghỉ ngơi là cô lại vào bếp thay bà.
Hằng tuy nấu ăn không thuộc dạng xuất sắc nhưng phần lớn các món cô nấu mọi người đều thích. Thực ra mỗi khi Hằng vào bếp, cô không quá câu nệ vấn đề công thức song ở lâu với mẹ chồng, cô cũng ảnh hưởng cách chế biến của bà. Từ khâu mua chọn nguyên liệu đến chế biến cũng khá kỹ. Tuy nhiên, điều Hằng thua mẹ chồng đó là không phải món ăn nào có hại cho sức khỏe mà cô cũng biết.
Chẳng là, cuối tuần vừa rồi, khi có thời gian rảnh, cô đã vào bếp nấu ăn, trong đó có món khoai tây hầm sườn. Món này Hằng nấu rất ngon, canh xương thơm nức, khoai tây bở bùi. Hằng còn hầm thêm cà rốt cho đẹp mắt và giúp nước xương ngọt hơn. Ngoài hành lá, Hằng rắc thêm mùi rau khiến món canh dậy mùi cực hấp dẫn. Chỉ tiếc tối đó mẹ chồng lại sang nhà họ hàng chơi về muộn nên không ăn cơm. Vì thế, Hằng đã múc một bát canh để phần bà, bọc lại cho vào tủ lạnh, còn lại cô cùng cả nhà thưởng thức hết.
Sáng hôm sau, Hằng dậy sớm đi làm, thấy mẹ chồng đang lúi húi trong bếp để nấu ăn sáng. Bà mở tủ lạnh, thấy bát canh sườn nấu khoai tây Hằng để phần, bà thẳng tay gạn bỏ nước canh rồi phần cái cho vào thùng rác một cách không thương tiếc.
Hằng bỗng sững người không hiểu sao mẹ chồng lại lãng phí như vậy. Hay bà giận cô, ghét cô điều gì mà không thèm ăn món cô nấu. Dù có nhiều nghi vấn nhưng cô lại không có can đảm hỏi bà mà đem một bụng ấm ức nói với chồng. Nghe xong anh cười và thủng thẳng bảo: "Mẹ làm thế là đúng đấy!".
"Tại sao lại đúng? Em mất công nấu cả nồi canh như thế, lại còn toàn sườn ngon nữa chứ. Khoai tây được bạn mang ở quê cho rất an toàn. Hay mẹ không vui điều gì nên không thèm ăn. Thực sự quá lãng phí".
"Em không biết là không phải món ăn nào cũng có thể để được qua đêm đâu. Canh khoai tây cũng nằm trong số đó. Canh khoai tây để qua đêm không tốt cho sức khỏe. Lúc nào có thời gian em cứ hỏi mẹ rồi sẽ rõ".
Hằng thực sự bất ngờ vì nghĩ rằng món ăn nào chẳng để được qua đêm, chỉ cần bảo quản trong tủ lạnh và không để quá lâu là được. Mà chắc chắn sẽ có nhiều người nghĩ như Hằng. Đến tối, cô mới mon men lại hỏi mẹ chồng thì được bà giải đáp, hóa ra cô sai thật rồi. Cô còn rối rít cảm ơn bà nếu không lần sau cô cứ làm vậy cả nhà sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhờ có mẹ chồng Hằng còn biết có nhiều món canh không nên để qua đêm chứ không riêng gì khoai tây.
Không để canh rau qua đêm
Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi – Viện Dinh dưỡng Lâm sàng cho biết, “Các loại canh rau phổ biến như canh rau cải, canh rau ngót, canh khoai tây,… không nên để qua đêm. Bởi, hàm lượng nitrat trong rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn bị phân hủy, lượng nitrat sẽ tạo thành nitrite – chất gây ung thư. Khi nitrite được đưa vào dạ dày qua ăn uống sẽ hình thành N-nitroso. Hợp chất này có thể gây các căn bệnh ung thư như thực quản, dạ dày và bệnh ở hệ tiêu hóa”.
Đặc biệt, khi đun lại canh rau nóng lên sẽ làm cho lượng nitrite càng tăng lên, có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể đặc biệt là gan. Hơn nữa, việc để qua đêm rồi đun lại cũng sẽ làm biến chất canh rau thêm lần nữa và chất lượng không được như lần đầu.
“Nếu để thức ăn qua đêm, lượng chất dinh dưỡng sẽ bị hư hao rất nhiều. Bên cạnh đó, thức ăn không được bảo quản tốt dễ bị ôi thiu, mốc … gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngoài ra, mùa đông với thời tiết lạnh nếu không cẩn thận sẽ bị lạnh bụng do những thức ăn qua đêm nói chung và canh rau nói riêng”, bác sĩ Tường Vi chỉ rõ. Bác sĩ Tường Vi còn khuyến cáo, các gia đình hãy cố gắng ăn bữa nào nấu đủ canh bữa đó, không nên ăn canh để qua đêm.
Cách nấu canh khoai tây sườn ngon, thơm nức
Nguyên liệu:
- 3 củ khoai tây to
- 1 củ cà rốt to
- 300-400g sườn
- 2 nhánh hành lá
- 1 mớ mùi tàu
- Gia vị: bột nêm, bột canh, mì chính (tùy ý)
Cách làm:
- Khoai tây gọt vỏ, bổ miếng vừa ăn. Cà rốt gọt vỏ, dùng dao tỉa 4 rãnh cách đều nhau xung quanh thân củ để tạo hoa cà rốt, xắt cà rốt thành các miếng có độ dày 1 cm. Hành, mùi tàu rửa sạch, cắt khúc.
- Sườn cho vào nồi luộc sơ, vớt ra để ráo nước.
- Hành củ bóc vỏ, thái lát rồi phi thơm, cho sườn vào đảo với hành, thêm ít bột canh. Sau đó đổ nước vào, đun sôi.
- Trong quá trình sôi, hớt bọt bẩn cho nước canh trong. Hớt bọt xong, hạ lửa, đun liu riu cho đến khi sườn mềm. Khi sườn mềm, cho khoai tây, cà rốt vào, đun cho đến khi tất cả chín (không để chín quá, khoai và cà rốt sẽ nát).
- Nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Trước khi cho canh ra, vặn lửa to, thả rau mùi, hành vào, để khoảng 10 giây đến 1 phút rồi tắt bếp. Cho canh khoai tây nấu sườn ra bát rồi ăn nóng.
Chúc các bạn thành công!