Cùng với gà, ngan, thịt vịt là thực phẩm được nhiều người yêu thích. Có rất nhiều món ăn ngon làm từ loại thịt này như: Vịt om sấu, vịt nấu chao hay vịt nướng, vịt luộc…
Mặc dù ngon nhưng khâu làm sạch thịt vịt lại khiến nhiều người ái ngại vì lông măng mọc quá nhiều. Phần lông này ngắn và rất khó nhổ. Nhiều người khắc phục bằng cách thuê mổ bên ngoài. Tuy nhiên, ở một số lò mổ thuê hiện nay người ta sử dụng nhựa thông để làm sạch nhanh. Thế nhưng các chất có trong nhựa thông lại dễ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Do đó, bạn nên tự làm sạch gà, vịt tại nhà. Với phần lông măng thì đừng quá lo ngại, chỉ cần 2 mẹo nhỏ dưới đây đảm bảo lông măng có dày cả tảng cũng sẽ được làm sạch trong “nháy mắt”.
1. Thêm rượu
Có thể bạn chưa biết, rượu không chỉ giúp khử mùi tanh hiệu quả mà nó còn giúp bạn lấy đi toàn bộ lông măng 1 cách dễ dàng. Cách làm như sau, bạn đổ 1 bát rượu lên trên thân của vịt.
Để khoảng 10 phút cho các lỗ chân lông trên da vịt nở ra. Lúc này, việc nhổ lông vịt sẽ dễ dàng hơn. Và tất nhiên dù lông ống hay lông măng cũng đều dễ dàng được làm sạch mà không mất nhiều công sức.
2. Dùng muối
Bên cạnh việc sử dụng rượu trắng thì muối cũng được xem là trợ thủ đắc lực. Sau khi cắt tiết vịt, bạn nhúng vịt vào thau nước lạnh cho sạch máu cùng cặn bẩn bám bên ngoài.
Tiếp đến, trụng vịt qua chậu nước nóng đã được pha sẵn với 2 - 3 thìa muối hạt. Lúc này, bạn nhấc vịt ra rồi tiến hành vặt lông theo chiều ngược lại. Bằng cách này, toàn bộ phần lông trên thân vịt sẽ được làm sạch hoàn toàn.
Một số lưu ý khi làm lông vịt
- Nước trụng vịt không được quá nóng. Bạn chỉ nên dùng nước khoảng 60 - 70 độ C. Nhiệt độ quá cao sẽ khiến lỗ chân lông trên da vịt co lại gây khó khăn trong việc nhổ lông. Ngoài ra, nhiệt độ cao còn khiến cho da vịt dễ bị nứt, rách.
- Với phần lông măng, lông tơ còn sót lại, bạn có thể dùng tay hoặc nhíp để nhổ bỏ.
- Thao tác vặt lông phải dứt khoát. Miết mạnh tay xuống để lấy đi toàn bộ lông măng và lông tơ. Nếu còn sót lại sau sẽ rất khó làm sạch.
- Nên nhổ lông vịt một cách tuần tự. Làm sạch từng phần sau đó mới chuyển đến các vùng khác.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý khi chọn mua vịt để tránh loại quá non, nhiều lông măng mà thịt lại bị nhão, không ngon.
Mẹo chọn mua vịt ngon
Theo kinh nghiệm dân gian, con vịt ngon thường là vịt đực, không quá già cũng không quá non. Loại vịt này dày thịt, ít mỡ, lông đã mọc đủ nên việc làm sạch rất dễ dàng.
Để chọn được vịt ngon, bạn cần lưu ý tới một số vấn đề sau:
- Lông vịt đã mọc đủ, phần mút trên 2 cánh dễ dàng đan chéo lại được với nhau.
- Sờ vào phần ức vịt thấy đầy đặn không bị xương.
- Phao câu của vịt thì to, đều, không bị bẩn. Nếu thấy phần này xẹp, dính nhiều chất bẩn thì dễ là vịt bị bệnh, không nên mua.
- Phần mỏ của vịt không quá cứng hoặc quá mềm. Thường vịt non mỏ sẽ to và mềm. Vịt già mỏ sẽ nhỏ hơn và khi sờ vào thấy rất cứng.
- Lông vịt trưởng thành sẽ mọc đủ. Thấy lông dày và dài nhưng không có quá nhiều lông tơ.
- Nên mua vịt đực thay vì vịt cái. Bởi vịt đực thường cho phần thịt dày và thơm ngon hơn.
- Bạn cũng có thể lắng nghe tiếng kêu của vịt. Thường vịt đực tiếng sẽ hơi ồm và khàn.
- Quan sát bàn chân vịt. Nếu thấy chân vịt có lớp đệm thịt nhỏ cùng lớp chai mỏng thì đó là những con vịt béo.
- Hiện nay có rất nhiều loại vịt khác nhau. Vịt cỏ thì ít mỡ, thịt thơm ngọt nhưng nhiều xương. Vịt xiêm thì thịt dày, săn chắc và nhiều nạc. Vịt siêu nạc thì thịt dày nhưng không đậm vị như vịt xiêm và vịt cỏ. Tùy vào sở thích của mỗi người mà lựa chọn loại vịt phù hợp.
Một số món ngon từ thịt vịt
Sau khi đã làm sạch bạn có thể đem vịt đi nấu thành nhiều món ăn ngon khác nhau. Cách làm truyền thống nhất là đem vịt đi luộc. Vì thịt vịt có mùi hôi đặc trưng nên bạn cần làm sạch thật kỹ. Nhớ cho thêm vào nồi luộc 1 vài loại gia vị như gừng để khử mùi hôi nhé.
Ngoài ra, thịt vịt đem nấu với sấu cũng rất ngon.
Hương vị béo ngậy đậm đà của vịt nấu chao.
Lớp da giòn, thịt thơm ngọt đậm vị của món vịt quay.
Thanh mát với bát vịt nấu măng ăn kèm bún tươi.