Nha đam là loại cây rất tốt cho sức khỏe vì thế chị Nguyễn Hà (Hà Nội) thường sử dụng nó để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn cho gia đình. Chị chia sẻ, cách đây không lâu chị mới biết thêm về cách chế biến nha đam, chị đã làm và tự biến tấu thêm theo kiểu của mình.
Chị Thu Hà
"Giờ thì cả mình và 2 bé đều nghiện nha đam rồi. Hiện tại mình đã làm nha đam đỡ nhớt và chế biến thêm 1 số món với nha đam. Tại sao mình lại nói là “đỡ nhớt” mà không phải là “hết nhớt”, vì “nhớt” là bản chất của lá nha đam nên không thể hết được".
Chị Thu Hà cũng cho biết, khi sơ chế nha đam sạch qua mấy chục lần rửa thì phần ngoài nha đam sẽ hết nhớt, nhưng bên trong miếng nha đam vẫn nhớt. Cắt miếng bé thì độ nhớt sẽ ít, cắt miếng to độ nhớt sẽ nhiều. Nếu ai đó nói làm nha đam hết nhớt là do họ ăn được nhớt nên không thấy gì. Phần nhớt chính là gel nha đam, là phần chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất của cây nha đam, nếu bỏ hết nhớt thì không còn tác dụng nữa.
Nha đam còn có tên gọi là lô hội hay aloe vera, thuộc họ hành tỏi, là cây sống lâu năm, lá thu hoạch quanh năm, cây dễ trồng ít phải chăm sóc.
Nha đam có 3 phần:
- Lớp vỏ màu xanh (tất nhiên là không ăn được)
- Phần nhựa màu vàng (là phần có độc tính, gây dị ứng ...)
- Gel nha đam - phần thịt nha đam màu trắng trong dưới lớp vỏ xanh, là phần ăn và sử dụng được của cây nha đam.
Dưới đây là cách sơ chế nha đam hết hết nhớt và ướp nha đam cho có thêm màu sắc của chị Thu Hà:
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Nha đam: 4 lá
- Hoa đậu biếc: 10 bông
- Nước ép dâu tằm: 200ml
- Đường thốt nốt: 3 viên khoảng 100g
- Muối
- Lá dứa nếu có
- Hoa mộc hương nếu có (Lá dứa và hoa mộc chỉ để ướp thêm cho nha đam có mùi thơm)
Chuẩn bị nguyên liệu tạo màu và tạo ngọt cho nha đam
- Pha 10 bông hoa đậu biếc với 1/2 bát nước sôi, để 10 phút để màu hoa thôi ra hết và nước có màu xanh đậm, để nguội.
- Đun 400ml nước với 3 viên đường thốt nốt, để nguội, sau đó cho ngăn mát tủ lạnh.
Sơ chế nha đam hết đắng, gọt sạch vỏ xanh
- Nha đam muốn không bị đắng cần phải bỏ phần cuống nha đam 10cm, gọt tới khi không thấy nhựa vàng chảy ra, sau đó gọt sạch phần vỏ xanh.
- Các bạn cắt lá nha đam thành nhiều khúc, mỗi khúc dài chừng 10cm, khi cắt thả ngay vào chậu nước để nhớt thôi bớt.
- Gọt vỏ xanh của nha đam bằng cách: Gọt 2 bên cạnh của khúc nha đam, lách dao xuống dưới lớp vỏ và lạng để tách lớp vỏ ra, làm vậy với cả 2 mặt vỏ, nếu thấy còn xót vỏ xanh thì gọt lại.
- Khi đã gọt hết vỏ xanh, ngâm miếng nha đam vào chậu nước.
Sơ chế giúp nha đam hết nhớt ở lớp ngoài
- Pha 1 âu nước muối nhạt
- Khúc nha đam đã được gọt sạch vỏ xanh, ngâm vào nước, rửa qua 2-3 nước cho bớt nhớt.
- Thái nha đam hạt lựu, thái nhỏ thì sẽ đỡ nhớt bên trong nhưng ăn không còn chất, thái to thì bên trong nhiều nhớt khó ăn, thái vừa độ nhé (cái này làm 1 lần sẽ biết sao là vừa độ của mỗi người)
- Nha đam thái xong bỏ ngay vào âu nước muối đã pha
- Sau khi thái xong rửa lại 2-3 lần, đổ ra rổ cho ráo nước.
- Đun 1 nồi nước sôi, tắt bếp, chế thêm 1/2 - 1 bát con nước sao cho nhiệt độ nước còn tầm 80-90 độ, đổ rổ nha đam vào, ngoáy 10 lần thì nhanh chóng đổ nha đam ra rổ và xối nước lạnh, rửa thêm 2-3 lần dưới vòi xả là nha đam hết nhớt ở lớp ngoài.
- Đổ nha đam ra rổ cho ráo nước và chuẩn bị nhuộm màu.
Tạo màu cho nha đam
Chia nha đam vào các lọ khác nhau:
- Màu xanh da trời: đổ nước cốt hoa đậu biếc vào nha đam, chế thêm nước sao cho nước ngập nha đam, cho đường trắng để nha đam ngấm vị ngọt.
- Màu xanh lam: pha hoa đậu biếc và nước đường thốt nốt vào nhau, đổ vào lọ nha đam, chế thêm nước nếu ít.
- Màu đỏ: đổ nước ép dâu tằm vào lọ nha đam, cho nước đường thốt nốt vào nếu vẫn nhạt, thêm nước ngập nha đam- Màu mận: sau khi nha đam đã ngâm trong màu xanh da trời được 8 tiếng thì vớt ra và đổ ngập nước ép dâu tằm và để thêm 5-8 tiếng thì nha đam sẽ có màu mận.
- Các màu khác mọi người có thể thử với: màu xanh lá dứa, màu vàng saffron, màu đỏ củ đền...
Các cách thưởng thức nha đam
- Sữa chua nha đam: Trộn với sữa chua ít đường + siro dâu tằm, nếu không thích ăn ngọt thì dùng sữa chua không đường, sau đó cho nha đam vào và thưởng thức.
- Cho nha đam vào cốc nước siro dâu tằm thay thạch.
- Pha nước hoa đậu biếc + đường trắng hoặc đường phèn trắng rồi cho nha đam và mấy viên đá + vài giọt chanh, lúc này nước sẽ chuyển thành màu tím khá đẹp do chanh phản ứng với màu hoa đậu biếc.
- Đun nước đường phèn + lá dứa rồi cho nha đam + đá vào.
- Kem sữa chua, nha đam và hoa quả thập cẩm (cách này ăn nha đam không bị nhớt bên trong):
Chuẩn bị 2-3 hộp sữa chua ít đường, hoa quả các loại (đào ngâm - đào ngâm nước đường 1 ngày để có độ dẻo mềm, dâu tây, mít, dâu tằm - quả dâu tằm đã ngâm, các loại nha đam với màu sắc khác nhau, có thể thêm các loại quả khác như: xoài, dưa hấu, dứa...
Thái nhỏ hoa quả hình hạt lựu to hoặc hình con chì nhỏ, trộn nha đam vào cùng các loại quả, trộn sữa chua vào, thêm siro dâu tằm nếu muốn có màu hồng. Đổ hỗn hợp trên vào khuôn kem và để ngăn đá tủ lạnh, chừng 5-8 tiếng (mình để qua đêm).
Nếu muốn ăn kiểu dẻo dẻo thì cho vào âu và để ngăn đá tầm 2 tiếng (kiểm tra nếu dẻo vừa độ thì bỏ ra ăn, chưa đạt thì để thêm).
- Để sử dụng nha đam tốt nhất, giúp cơ thể hấp thụ được toàn bộ dưỡng chất có trong nha đam bạn có thể làm sinh tố hoa quả và nha đam:
Chuẩn bị: 1 khúc nha đam bằng bàn tay, dài khoảng 10cm, 100ml nước, dứa, dâu tây, xoài ngọt, cải kale ....
Khúc nha đam gọt vỏ xanh và rửa nước 2-3 lần. Hoa quả rửa sạch, gọt vỏ và thái. Cho khúc nha đam + 100ml nước (có thể cho 50ml nước và vài viên đá) + hoa quả vào máy xay nhuyễn (sử dụng máy có công suất cao để hỗn hợp nhuyễn và mịn). Đổ hỗn hợp ra cốc và thưởng thức.
Hoặc bạn chỉ cần xay dứa và nha đam sau đó cho siro dâu tằm vào là cũng có 1 cốc sinh tố rất ngon. Xay sinh tố với nha đam, tốt nhất nên có dứa vì vị thơm, chất xơ và ngọt của dứa sẽ giúp giảm đi độ nhớ của gel nha đam.
Lưu ý khi dùng nha đam
- Gel nha đam - lớp thịt dày màu trắng bên trong là phần chứa nhiều dinh dưỡng nhất và an toàn cho sức khoẻ, tuy nhiên lớp vỏ xanh và nhựa vàng lại khá độc với cơ thể vì thế bà bầu và trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn nha đam.
- Nha đam có tác dụng nhuận tràng nên không sử dụng cùng lúc với các loại thuốc nhuận tràng khác.
- Uống quá nhiều nước ép nha đam còn dẫn đến các bệnh về thận và tổn thương gan. Dù là loại thuốc tốt đến đâu chăng nữa thì lạm dụng là điều không nên. Vậy nên chỉ cần thi thoảng ăn/ uống thôi nhé.