Mẹ ruột Bằng Kiều là nghệ sĩ chèo Lưu Nga. Không chỉ được nhiều người yêu mến vì tài năng nghệ thuật cùng vẻ ngoài quý phái, phúc hậu mà mẹ của giọng ca Trái tim bên lề còn nấu ăn rất ngon, từng mời nhiều nghệ sĩ đến nhà thưởng thức món ăn mình nấu.
Mới đây, Bằng Kiều khoe cảnh mẹ đang nấu phở trong bếp cùng khung cảnh đông người tại nhà. Anh cho biết: "Mỗi lần Mama nấu phở gà là nhà chỉ sơ sơ tần này người thôi ạ". Trong đó, có thể thấy nghệ sĩ Lưu Nga nấu phở phục vụ đến hơn 10 người. Nghệ sĩ hài nổi tiếng Hồng Đào cũng có mặt trong căn bếp và phụ mẹ Bằng Kiều.
Mẹ ruột Bằng Kiều là người phụ nữ đảm đang, nấu ăn ngon. Phở gà là "món ruột" của bà. Khi xưa, bà từng mưu sinh bằng nghề bán phở nuôi con khôn lớn.
Giữa đất Mỹ, nghệ sĩ Lưu Nga nấu phở Việt đậm chất truyền thông. Đặc biệt, món phở của bà mang hương vị của phở Hà Nội xưa.
XEM VIDEO: Mẹ ruột Bằng Kiều nấu phở cho hơn chục người.
Nghệ sĩ hài Hồng Đào xuất hiện trong bếp cùng mẹ Bằng Kiều, phụ bà nấu ăn và bưng bê phở ra cho đàn cháu và mọi người, khoảng chục thành viên.
Phở gà của nghệ sĩ Lưu Nga trông rất hấp dẫn. Bằng Kiều từng chia sẻ: "Tôi nghiện phở! Mẹ tôi bán phở trước cửa nhà ở Ngô Sĩ Liên từ hồi tôi còn bé tí. Cỡ bằng Kenzi của tôi bây giờ là tôi đã biết tự vào làm 1 bát phở cho mình theo ý thích, nên có thể tạm coi là biết ăn phở bắc theo kiểu Hà Nội cũ (khoảng từ những năm 80 đến 2000 thôi, trước nữa thì mù tịt)".
Theo anh: "Phở gà và phở bò cách ăn thì có khác nhau 1 chút, phở gà thì vắt chanh và tương ớt hoặc ớt tươi, rắc 1 ít lá chanh thái nhuyễn, phở bò thì dấm ớt tỏi và nửa thìa nước mắm nguyên chất cho dậy mùi thơm của bò. Nếu làm ngược lại sẽ mất mùi vị đặc trưng của 2 loại phở. Ai mà kỹ 1 chút thì ăn nửa bát để thưởng thức sự tinh tế của người nấu, sau đó mới cho gia vị như ở trên vào".
Nam ca sĩ từng khoe: "Phở gà, miến gà, phở bò... thần thánh của mẹ. Về nhà là đc ăn mấy món mà thế giới này kiếm hơi bị khó". Phở bò anh từng ăn ở một số tiệm nổi tiếng, riêng phở gà, Bằng Kiều bày tỏ: "Chắc tôi hơi khó tính nên tôi chưa thấy tiệm nào nước dùng ngon như phở bà Nga ngày xưa (bà thân sinh ra tôi)".
"Vì với tôi thì nước dùng (trong Nam gọi là nước lèo) là quan trọng nhất. Nước dùng phải trong, màu hơi vàng, thơm mùi gà tươi, ngọt mà thanh, không dùng mì chính mà ăn không bị cứng. Thịt thì phải chín vừa tới, da hơi giòn, nhiều người thích ăn gà chặt nhưng tôi thì thích gà lọc xương rồi thái vừa, không được nhỏ quá", Bằng Kiều chia sẻ.
Một lần trước đây, Bằng Kiều cũng từng chia sẻ cảnh mẹ một tay nấu nồi to đãi hàng chục người ăn. Dù hơn 80 tuổi nhưng mẹ nam ca sĩ vẫn rất nhanh nhẹn, thái thịt bò thoăn thoắt, điệu nghệ đến nỗi Thúy Nga thốt lên: "Đúng là người bán phở, tay thái thịt nhìn khác ngay. Bà nội bán phở mấy chục năm nên thái thịt bò cũng khác người thường".
Mẹ Bằng Kiều khi ấy đã cho hay: "Hôm nay tôi nấu phở mời tất cả anh chị em tới ăn cho vui, mừng em Kiều về nhà. Đáng lẽ tôi chỉ nấu cho mình Bằng Kiều thôi nhưng lại nghĩ nấu mời mọi người đến ăn cho xum vầy. Thực ra tôi nấu phở một người ăn cũng được. Dù một bát miến lươn, một bát bún thang hay một bát phở gà, phở bò tôi đều làm được hết. Nhưng tôi nghĩ mọi người ra ngoài ăn không ngon nên nấu. Tôi thích con cháu đến ăn cho đông vui, ăn nhiều cho sướng".
Dưới bài đăng mới nhất của Bằng Kiều về phở mẹ nấu, không ít người đã khen phở bà Nga nấu "ngon nhất quả đất". Nhiều người quen đã được thưởng thức tài nghệ nấu phở của mẹ Bằng Kiều và không thể quên hương vị đó.
Tham khảo cách nấu phở Hà Nội chuẩn vị xưa: Nguyên liệu Gà ta: Nếu đông người thì mua nguyên con. Ít người thì mua theo từng phần như đùi, cánh, lườn,… Hành tây, củ cải, nghệ/bột nghệ Hồi, quế, hạt mùi,… Hành hoa, mùi ta, húng quế Ớt tươi, chanh, gia vị các loại,… Cách thực hiện 1. Khử mùi hôi thịt gà Dùng muối để chà xát bề mặt bên ngoài, mát-xa đều khắp các mặt khoảng 2-3 phút thì xả sạch với nước. Sau đó tưới rượu trắng lên gà và ngâm thêm 10 phút. Cắt 1 củ nghệ tươi để “nhuộm” da cho gà. Nếu không có thì dùng bột nghệ nhưng sau đó phải tìm cách lọc cặn bột, không để cặn này lẫn vào nước lèo. Bước nhuộm da cần 20-30 phút ướp (có thể bọc kín và cho vào tủ lạnh để giữ độ tươi cho gà). 2. Luộc gà, chế nước lèo Sau khi ướp thì cho gà vào nồi nước sôi, luộc trong 20-25 phút. Tắt bếp và ủ hơi nóng thêm 5 phút để thịt gà có màu hồng, rất hấp dẫn. Chuẩn bị sẵn 1 âu nước đá lớn (đủ để chứa thịt gà). Gà vớt ra thì thả vào âu nước đá, ngâm khoảng 10” thì bắt đầu xé thịt gà. Trong lúc xé gà hãy thả củ cải, hành tây vào ninh cho ngọt nước. Lấy xương gà, cho vào vải lọc, buộc kín lại, ninh thêm 20-30 phút. Dùng hồi, quế rang thơm để tạo hương vị cho nước lèo (Cho các hương liệu vào lò vi sóng khoảng 5 phút rồi đặt vào túi lọc). Chỉ cần 10' là nhấc túi ra ngay, không cần để quá lâu. Với củ cải (không dùng làm topping cho phở), hành tây cũng vậy, thấy nhừ thì vớt ra ngoài. Nếu không chuẩn bị được các đồ lọc thì thả trực tiếp vẫn được. Tuy nhiên, sau đó bạn phải chắt phần nước trong để điều chỉnh gia vị riêng. Nếu muốn ăn nước mắm, hãy để riêng để chế vào tô phở. Cho trực tiếp vào nước hầm sẽ khiến hậu vị bị chua, gây cảm giác khó chịu. 3. Bày trí món ăn Trụng phở khoảng 10-15 giây với nước sôi (đun nước như thường) – không trụng vào nồi nước lèo. Bày gà xé lên trên cùng, thêm hành tây đã bổ múi cau và hầm chín. Tiếp đến là hành lá, hành chẻ,… Chan nước lèo ngập sợi phở là đủ (không cần ngập thịt gà). Nếu ăn được lá chanh thì thêm chút xíu lá cắt nhỏ để tăng thêm mùi thơm (không bắt buộc). Khi thưởng thức thì thêm chanh, giấm hành và chút vị cay – vừa hay tròn vị. Thành phẩm Tô phở được kết hợp màu sắc hài hòa: Trắng của sợi phở, đầu hành lá, hành tây. Xanh của mùi ta, hành hoa. Vàng ươm từ da gà và vàng nhẹ của mỗi thớ thịt. Nếu thích cay, hãy điểm thêm chút sắc đỏ của ớt tươi hoặc tương ớt. Tuy phở đã được nêm gia vị đầy đủ nhưng chuẩn bị thêm đĩa muối tiêu chanh vẫn được. Gà sẽ đậm đà hơn nếu được chấm với phần gia vị tinh hoa này. Nước lèo được nêm nếm vừa vặn, bên trên không xuất hiện quá nhiều váng mỡ. Thịt gà được xử lý sạch mùi hôi, không bị lẫn mùi vào trong nước. |