Muốn làm giò lụa dai ngon, không bở, thơm nức cho ngày Tết, phải nhớ những điều này!

Giò lụa là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết.

Mẹo làm giò lụa ngon, dai, trắng hồng

Giò lụa là món ăn dân dã, quen thuộc, được bày bán rất nhiều tuy nhiên giò lụa lại trở nên vô cùng đặc biệt vào dịp Tết đến. Lý do đơn giản, đây là món ăn truyền thống trên mâm cỗ. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều chị em đã tự tay làm giò lụa cho cả nhà thưởng thức hoặc biếu người thân, bạn bè. Để có được món giò lụa trắng hồng, dai ngon, thơm phức tại nhà, chị em hãy tham khảo các bí quyết làm giò lụa dưới đây nhé!

Chọn nguyên liệu làm giò

Chọn thịt là một trong những khâu vô cùng quan trọng trong làm giò. Nếu thịt không ngon thì chắc chắn giò không thể thơm và hấp dẫn được. 

Thịt gói giò phải thật tươi vì thịt tươi khi xay nhuyễn sẽ có độ kết dính tốt hơn là những loại thịt để lâu và đông lạnh. Thịt đông lạnh có độ dai, dính kém hơn dẫn đến giò làm xong cũng kém dai và giòn.

Muốn làm giò lụa dai ngon, không bở, thơm nức cho ngày Tết, phải nhớ những điều này! - 1

Lưu ý, không nên chọn loại thịt quá nạc sẽ khiến giò bị khô, bở. Chỉ nên chọn loại thịt có cả ít mỡ, như vậy giò sẽ rất mềm mà khi quết giò càng tạo nên sự kết dính.

Tiếp theo, nước mắm làm giò phải ngon để tăng hương vị.

Hạt tiêu cho vào giò nên loại còn mới và có độ cay hấp dẫn. Nên chọn hạt tiêu màu trắng để giò không có lấm tấm đen. Ngoài ra còn có chút xíu đường, bột năng, bột nở.

Xay và quết giò

Nếu nhà có máy xay thịt công suất lớn, bạn có thể mua thịt về xay. Nhưng nếu không có, bạn có thể nhờ người bán hàng xay thịt qua một lượt sau đó mang về nhà xay thêm 2-3 lần cho đến khi thịt nhuyễn mịn, có màu trắng hồng không còn nhìn thấy sợi thịt nữa thì thôi nhé!

Đặc biệt lưu ý, khi xay và quết giò, thời gian xay lâu nên máy nóng, rất có thể làm cho giò sống bị chín tái). Do đó, khi xay thịt cần cho thêm ít nước đá lạnh để tránh cho thịt bị tái và thâm lại.

Muốn làm giò lụa dai ngon, không bở, thơm nức cho ngày Tết, phải nhớ những điều này! - 2

Ngoài ra, việc cho thêm các gia vị khi xay vào như tỏi, quế, tiêu (là những gia vị nóng) cũng khiến thịt dễ bị tái. Vì vậy, không thể bỏ qua khâu thêm nước đá vào. Thậm chí, sau khi xay sơ qua thịt lần một, người ta còn cho thịt vào ngăn đá khoảng 45 phút giúp thịt lạnh suốt quá trình xay.

Cách gói giò

Thực tế, gói giò có thể gói bằng giấy bóng kính hoặc giấy bạc. Tuy nhiên, để giò có mùi thơm đúng điệu, bạn nên tìm mua lá chuối về để gói. Mùi thơm của giò quyện lẫn mùi lá chuối rất hấp dẫn.

Muốn làm giò lụa dai ngon, không bở, thơm nức cho ngày Tết, phải nhớ những điều này! - 4

Sau khi gói giò xong, lăn cây giò một lúc cho tròn, bọc thêm màng bọc thực phẩm bên ngoài rồi cho vào nồi hấp, đun sôi. Khoảng 45 phút sau khi nước sôi là giò chín. Lấy giò ra, lăn cây giò lên bàn cho ráo nước.

Muốn làm giò lụa dai ngon, không bở, thơm nức cho ngày Tết, phải nhớ những điều này! - 5

Lúc ăn, chỉ việc cắt giò thành từng khoanh rồi thưởng thức với tương ớt hay nước mắm đều rất ngon!

Cách làm giò lụa ngon chi tiết:

Nguyên liệu:

- 700 gr thịt heo xay (mua có mỡ lẫn thịt)

- Gia vị: 1 muỗng cà phê bột tỏi (bạn có thể dùng nước ép tỏi) - 1/2 muỗng cà phê bột tiêu trắng - 1 muỗng canh nước mắm - 1 muỗng cà phê bột nêm -  2/3 muỗng cà phê bột nở - 1/4 muỗng cà phê muối - 30gr tinh bột bắp - 100 ml nước đá lạnh hoặc dùng 5 viên đá lạnh loại nhỏ.

- Lá chuối và giấy bạc

Cách làm giò lụa:

Bước 1: Xay giò

- Thịt xay cho vào ngăn đá tủ lạnh 1 tiếng trước khi làm giò.

- Sau 1 tiếng, cho thịt và tất cả các gia vị phía trên cùng tinh bột bắp, (ngoại trừ đá lạnh) cho vào máy xay 1 phút. Sau đó cho hết nước đá lạnh vào tiếp tục xay 1 phút 30 giây.

- Lúc này thịt heo trắng hồng và sánh dẻo. Đặt biệt giò vẫn trong quá trình giữ lạnh chứ không bị tái đó là nhờ những viên đá lạnh.

Bước 2: Gói giò

- Trải 1 miếng giấy bạc to. Bên trên xếp vài miếng lá chuối, cho giò sống vào. Lượng giò nhiều hay ít tùy thuộc vào độ lớn của lá và giấy bạc.

- Sau đó cuộn tròn và xoắn hai đầu giấy bạc thật chặt. Làm nhẹ nhàng để giò được tròn đều.

Chú ý: Khi gói giò, các bạn đừng gói chặt tay quá vì khi hấp giò có độ nở và như thế sẽ bị bung, cây giò nhìn không đẹp.

Bước 3: Hấp giò

- Nấu 1 nồi nước sôi, cho cây giò vào xửng hấp 40 phút là giò chín, tắt bếp, lấy giò ra để nguội.

Trình bày: Giò lụa cắt miếng vừa ăn cho ra đĩa, có đồ chua, xà lách và dưa leo.

Giò lụa tự làm lúc nào cũng thơm ngon và sạch, chắc chắn cả nhà sẽ rất thích.

Muốn thịt đông trong veo, mềm ngon, chuẩn vị đón Tết, phải nhớ 4 mẹo này!
Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)