Hút thuốc lá thụ động là một khái niệm không còn xa lạ trong thời gian gần đây. Hút thuốc lá thụ động gây ra những hậu quả nguy hiểm và đáng sợ hơn rất nhiều so với người trực tiếp hút thuốc. Trẻ nhỏ với sức khỏe và đề kháng yếu ớt là một trong những nạn nhân gánh hậu quả nặng nề nhất trong câu chuyện này.
Liên quan đến vấn đề này, gần đây, câu chuyện về một bé gái Tiên Tiên (8 tuổi) đến từ Tế Ninh, Sơn Đông gây xôn xao. Cụ thể, mẹ cô bé cho biết một ngày nọ, cô bé bỗng nhiên ho liên tục, hay bị tức ngực và khó thở, đôi khi ho ra đờm có lẫn máu.
Tiên Tiên ho liên tục, ra đờm lẫn máu và bị khó thở. (Ảnh minh họa)
Lúc đầu, cả cha mẹ khá chủ quan, cho rằng đó chỉ là những triệu chứng của bệnh cảm lạnh. Tuy nhiên, tình hình ngày một nặng hơn, cha mẹ Tiên Tiên mới bắt đầu cảm thấy lo lắng và đưa cô bé đến bệnh viện để kiểm tra. Kết quả khiến gia đình bất ngờ: Tiên Tiên bị ung thư phổi giai đoạn cuối, có nước trong khoang ngực, tế bào ung thư di căn.
Người mẹ lúc đó mới nhớ lại, trước giờ, cha cô bé có thói quen hút 2-3 điếu thuốc lá mỗi ngày. Mỗi lần người cha hút thuốc, Tiên Tiên đều rất khó chịu và bảo “Bố ơi, đừng hút thuốc lá nữa. Con khó thở quá!”. Trước những lời nói của con, người cha nhiều lúc sẽ đi ra ngoài hút rồi mới trở vào, nhưng cũng có nhiều lúc, cha vẫn ngồi trong phòng “phì phò” thuốc vì cứ nghĩ do cô bé còn nhỏ nên cơ thể còn nhạy cảm với khói thuốc lá thôi chứ không phải là một điều gì quá to tát.
Nhiều lúc, người cha vẫn ngồi trong phòng “phì phò” thuốc trước mặt con. (Ảnh minh họa)
Trước câu chuyện của gia đình cô bé Tiên Tiên, nhiều người không khỏi bức xúc và chỉ trích cha mẹ của em thật vô tâm khi bỏ qua những lời nói và cảm nhận của con. Giờ hậu quả đã đến nước này, tất cả đều do cha mẹ cô bé gây ra cho chính con mình.
Không còn nghi ngờ gì nữa về những hậu quả vô cùng nặng nề mà việc hút thuốc lá thụ động gây ra cho sức khỏe của trẻ. Nếu biết được những tác hại của khói thuốc lá đến trẻ em, cha mẹ nào thương con chắc chắn sẽ dừng việc hút thuốc lá lại ngay lập tức.
Viêm phế quản
Khói thuốc lá khiến trẻ dễ bị mắc các bệnh về phổi như viêm phế quản, viêm phổi… Trong 2 năm đầu đời, nếu tiếp xúc quá nhiều với khói thuốc, phổi của trẻ có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng và gây ra nhiều chứng bệnh.
Hen suyễn
Hen suyễn là một trong những căn bệnh rất khó chữa bệnh, cần phải uống thuốc và điều trị trong thời gian dài và có thể gây ra nhiều biến chứng trong tương lai.
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng trẻ nhỏ rất dễ bị hen suyễn nếu chúng tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá. Vì vậy, để tránh khỏi căn bệnh mãn tính này, cha mẹ nên cố gắng hạn chế cho con hít phải khói thuốc.
Ảnh hưởng đến sự phát triển của răng và gây sâu răng
Tạp chí Nhi khoa Châu Âu đã tiến hành một cuộc quan sát so sánh giữa trẻ em 5 tuổi tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài với trẻ sống trong môi trường không khói thuốc. Răng của trẻ tiếp xúc với khói thuốc có tốc độ phát triển chậm hơn.
Nguyên nhân chính là do nicotin trong khói thuốc làm co mạch máu và cản trở quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng nên dẫn đến thiếu răng, mất răng.
Ngoài ra, khói thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tuyến nước bọt, làm giảm sản xuất và hiệu quả của nước bọt, do đó làm tăng nguy cơ sâu răng ở trẻ em.
Ảnh hưởng đến thính giác và gây ra viêm tai giữa
Trẻ em “hút thuốc lá thụ động” có nguy cơ bị viêm tai giữa cao hơn 35%. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng: nguy cơ mất thính lực của thanh thiếu niên hút thuốc thụ động cao gấp đôi so với trẻ ít tiếp xúc với khói thuốc.
Trên thực tế, khiếm thính nhẹ mặc dù rất khó phát hiện (người bệnh vẫn có thể nghe được) có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các kỹ năng xã hội của trẻ, thậm chí khiến trẻ khó hiểu lời thầy cô dạy và dần mất hứng thú học tập.
Nguy cơ mắc các bệnh ác tính cao
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khói thuốc có liên quan mật thiết đến các bệnh ác tính như ung thư ở trẻ em, bệnh bạch cầu và khối u gan. Ngoài ra, trẻ em lớn lên trong môi trường khói thuốc lâu ngày sẽ tăng 25% -30% nguy cơ mắc bệnh tim, nguy cơ đột quỵ và ung thư gan tăng 20% -30%.