Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 27/2, Khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc nhận được cuộc gọi của một người dân, cho biết bé gái 2 tháng tuổi ở nhà đột ngột bất tỉnh.
Sau khi các nhân viên y tế đến hiện trường đã lập tức tiến hành hồi sức tim phổi cho bé gái và cố gắng hết sức để cứu chữa. Đáng tiếc, sau những nỗ lực cấp cứu hết mình vẫn không thể lấy lại được sự sống cho đứa trẻ.
Ảnh minh họa
Người nhà cháu bé cho biết, lúc 11 giờ đêm cả nhà đi ngủ sau khi cho cháu bé ăn, đến 1 giờ sáng thức dậy để chuẩn bị cho bé ăn thì phát hiện con gái đã bất tỉnh. Một nhân viên y tế nói: “Khi xử trí đường thở cho trẻ, chúng tôi phát hiện có sữa còn sót lại trong miệng trẻ nên cho rằng đứa trẻ bị sặc do trào ngược sữa”.
Bác sĩ cho biết, khi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bú, phải để đầu của trẻ tựa vào vai mẹ. Sau khi trẻ bú xong, dùng tay vỗ nhẹ vào lưng trẻ, khi trẻ ợ hơi được hai ba lần thì cho trẻ nằm thẳng, để tránh bị ngạt thở.
Tại sao nên cho bé ợ hơi sau khi bú sữa?
Khi trẻ còn nhỏ, dạ dày và cổ họng chưa trưởng thành, khi trẻ bú hết sữa, phần dưới chứa sữa và phần trên chứa đầy không khí, điều này sẽ gây áp lực lên dạ dày, làm cho sữa trào ra ngoài, kết quả không chú ý, phần sữa nôn ra rất có thể sẽ bị trẻ hít vào khí quản dẫn đến ngạt thở.
Vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ ợ hơi kịp thời để tống hết khí trong dạ dày ra ngoài sau khi trẻ ăn sữa xong, khi đó áp lực trong dạ dày sẽ giảm đi, tự nhiên có thể giảm tình trạng nôn trớ, ọc sữa của trẻ.
Tai nạn do sặc sữa thường xảy ra trong các trường hợp sau
- Cho trẻ bú bình nhưng núm vú để xa, miệng trẻ ngậm không kín, bình sữa dốc không đủ cao. Hậu quả là trẻ nuốt nhiều hơi khi bú, dẫn đến chướng bụng, nôn sau bú.
- Ép trẻ bú quá nhiều, dẫn đến trớ sữa. Có khi cha mẹ bóp mũi cho trẻ há miệng ra để đổ sữa, bột vào, làm trẻ sặc.
- Đặt trẻ nằm ngay sau lúc bú.
- Không theo dõi trẻ thường xuyên sau bú (nhiều trường hợp trẻ bị tử vong do sặc mà cha mẹ vẫn không biết).
Khi trẻ sặc, sữa đi vào đường hô hấp, gây ngạt thở, dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng như tổn thương não (xuất huyết, chết não…), ngừng tim, viêm phổi (do khi hít phải thức ăn, vi trùng đường ruột được đưa lên phổi)…
Để phòng sặc sữa, cần cho trẻ bú và chăm sóc đúng cách
- Cho bú ở tư thế đầu cao (bế, hoặc đặt trẻ vào loại ghế nửa nằm nửa ngồi). Tránh để trẻ nằm thẳng đầu. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, phải lấy đờm trong mũi, miệng ra trước khi cho bú.
- Dốc cao bình sữa để tránh ứ khí trong bình.
- Đối với trẻ bị viêm đường hô hấp trên, phải cho bú từ từ (không đục lỗ quá to ở núm vú cao su), nếu trẻ nuốt sữa không kịp thì phải cho ngừng ngay.
- Sau khi cho bú, phải bế trẻ đứng tối thiểu 15 phút và vỗ nhẹ lưng cho ợ hơi.
- Không để trẻ nằm sấp hoặc mặt quay vào tường. Thường xuyên theo dõi giấc ngủ của trẻ.
- Không cho trẻ nằm trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh để tránh rối loạn nhịp thở.
- Nếu trẻ bị bệnh tim hoặc viêm phổi quá nặng, cần hỏi kỹ bác sĩ về việc cho bú.
Khi thấy trẻ bị sặc sữa, nhất là khi có biểu hiện thở ngáp, môi tái xanh, bụng và ngực không phập phồng, người lớn cần bình tĩnh xử lý theo các bước sau:
- Bế trẻ lên xem mũi và miệng có đầy sữa không.
- Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay và vỗ mạnh vào lưng ba cái cho chất dịch thoát ra, nhẹ nhàng lấy sữa ứ ở mũi, miệng trẻ ra.
- Nhấn ngực để xoa bóp tim cho trẻ.
- Thổi hơi vào cả mũi lẫn miệng trẻ trên suốt quãng đường đến cơ sở y tế gần nhất.