Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Thanh Nhàn
Cấp cứu, thủng dạ dày vì thói quen ăn uống thiếu lành mạnh
Theo các bác sĩ, hiện nay, tình trạng trẻ bị viêm loét dạ dày diễn ra ngày càng nhiều, nhưng không ít phụ huynh chủ quan cho rằng bệnh này chỉ gặp ở người lớn, từ đó dẫn tới chẩn đoán nhầm hoặc tự ý điều trị khiến bệnh càng nặng. Nguyên nhân trẻ bị viêm loét dạ dày thường do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Tuy nhiên lối sống hiện đại khiến trẻ bị áp lực, stress, cộng với thói quen ăn uống không lành mạnh, thức khuya… cũng khiến trẻ viêm loét dạ dày.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hải, Phó khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện trẻ em Hải Phòng cho biết, khoa vừa tiếp nhận 2 trường hợp viêm phúc mạc do thủng dạ dày. Cả hai bệnh nhi đều có tiền sử viêm dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa trên nhưng không tuân thủ phác đồ điều trị, thậm chí còn có thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Điển hình như trường hợp của bé Thùy Linh (11 tuổi) phải vào viện cấp cứu cách đây không lâu. Bệnh nhi xuất hiện đau bụng dữ dội vùng trên rốn trước vào viện 8 tiếng. Trước đó, gia đình nghĩ rằng cháu đau dạ dày nên đã mua thuốc cho uống nhưng không đỡ, sau đó mới cho đi khám. Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhi nhanh chóng được hồi sức, thăm khám, làm xét nghiệm đánh giá và được chẩn đoán bị viêm phúc mạc do thủng dạ dày, có chỉ định mổ cấp cứu nội soi khâu lỗ thủng.
Thường xuyên ăn đồ cay nóng, mỳ tôm, đồ ăn nhanh và thức khuya... gây hại cho dạ dày trẻ. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Hải cho biết, trong quá trình phẫu thuật nội soi, các bác sĩ quan sát thấy ổ bụng bệnh nhi chứa nhiều dịch mủ bẩn, dịch tiêu hóa, có một lỗ thủng mặt trước dạ dày, ngay sát gan. Cháu bé đã được khâu lỗ thủng, lấy dịch bẩn, làm sạch ổ bụng.
Gia đình cho biết, cháu Linh hay ăn đồ chua cay, mỳ ăn liền, đồ ăn nhanh và thường xuyên thức khuya. Đây đều là những thói quen không có lợi cho trẻ, dễ gây hại tới sức khỏe. Trước đó, trẻ còn được phát hiện viêm dạ dày 2 năm nhưng không tuân thủ điều trị. Tất cả những điều đó kết hợp lại đã dẫn đến tình trạng thủng ổ loét.
Vào viện cùng ngày với bé Thùy Linh là bệnh nhi Vũ Đình Tiến, cũng có tiền sử chảy máu đường tiêu hóa 4 năm nhưng không điều trị. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, qua chụp chiếu các bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng. Sau đó bệnh nhi đã được ê-kíp trực phẫu thuật nội soi cấp cứu khâu lỗ thủng mặt trước môn vị dạ dày ngay trong đêm. Sau mổ, bệnh nhi được chăm sóc đặc biệt, đến nay tình trạng ổn định.
Qua hai trường hợp trên, bác sĩ Minh Hải cho rằng, hiện tình trạng thủng ổ loét dạ dày - tá tràng đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen ăn uống thiếu khoa học (ăn nhiều đồ chua, cay, nóng, đồ ăn nhanh…), áp lực trong học tập, hay thức khuya, stress… Viêm loét và thủng dạ dày - tá tràng là một tình trạng cấp cứu. Nếu phát hiện sớm, phẫu thuật nội soi cho kết quả tốt, hồi phục nhanh, thẩm mỹ; nếu phát hiện muộn sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Làm sao để trẻ ăn uống khoa học, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe?
BSCK II Đoàn Thị Anh Đào - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, hạn chế cho con ăn những loại thực phẩm cay nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh.
Theo bác sĩ Đào, khi thời tiết lạnh, rất nhiều trẻ thích ăn đồ cay nóng như mỳ ăn liền, khô gà, khô bò cay… Điều này rất nguy hiểm bởi hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, việc ăn đồ cay nóng nhiều, ăn trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa. Minh chứng rõ nhất là nhiều trẻ phải nhập viện cấp cứu vì viêm loét, thủng dạ dày vì thói quen ăn uống không lành mạnh này.
Áp lực học tập, stress cũng khiên stinhf trạng viêm dạ dày của trẻ nặng nề hơn. Ảnh minh họa.
TS.BS Trương Hồng Sơn (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam) cũng cho rằng, việc cấm hoàn toàn trẻ ăn mỳ tôm, đồ ăn nhanh là rất khó trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, phụ huynh và nhà trường cần phải kiểm soát và cho ăn một cách hợp lý.
Theo TS Sơn, có thể thi thoảng cho trẻ ăn đổi bữa, khi ăn mỳ thì thêm rau, chất đạm sẽ hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe. Hay với đồ ăn nhanh, chiên rán cũng vậy, trẻ hoàn toàn ăn được nhưng không lạm dụng, bởi đây là đồ ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu hóa, nếu ăn nhiều sẽ gây áp lực cho hệ thống tiêu hóa, kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác sẽ gây hại cho trẻ.
Ngoài ra, việc phải chịu quá nhiều áp lực, stress vì học tập, thường xuyên thức khuya cùng bố mẹ cũng là yếu tố ảnh hưởng xấu, dẫn tới nguy cơ viêm loét dạ dày ở trẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe của trẻ nói chung, hệ tiêu hóa nói riêng, phụ huynh cần quản lý và nâng cao chất lượng bữa ăn, sinh hoạt cho trẻ. Đồng thời giảm những áp lực trong học tập để trẻ có thời gian vui chơi, hoạt động ngoại khóa.
“Hiện trẻ em không còn thiếu thốn quá nhiều như ngày trước. Tuy nhiên, ngoài ăn đủ bữa, trẻ cần được ăn đúng. Ví dụ, cùng là ăn ba bữa, nhưng bữa sáng ăn đồ bán vỉa hè trước cổng trường, bữa trưa ăn bán trú, chiều lại ăn hàng quán là không nên. Phụ huynh cần chuẩn bị những bữa ăn đầy đủ nhóm chất cho trẻ, vừa nâng cao được chất lượng món ăn, vừa tránh thức ăn không tốt, độc hại, không rõ nguồn gốc”, TS Trương Hồng Sơn tư vấn.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi