Với những kỹ thuật tiên tiến về y học, trong thập kỷ qua rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đã có niềm vui đón nhận những thiên thần bé nhỏ từ phương pháp thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ và lo lắng rằng các bé ra đời bằng phương pháp này thường có sức khỏe không tốt và khó có thể sinh sản.
Vậy sự thật có phải như vậy?
Vào lúc 8:56 ngày 10 tháng 3 năm 1988, một em bé trong ống nghiệm đầu tiên ở Trung Quốc đã chào đời. Cô bé được đặt tên là Zheng Mengzhu, năm nay cô đã được 33 tuổi. Khi đó, mẹ của Zheng Mengzhu, chị Zheng Guizhen bị tắc ống dẫn trứng nghiêm trọng và không thể thụ thai tự nhiên.
Với sự giúp đỡ của Giáo sư Zhang Lizhu từ Khoa Phụ sản của Bệnh viện Ba của Đại học Y Bắc Kinh, bà Zheng Guizhen đã can đảm thử kỹ thuật nuôi con bằng ống nghiệm mặc dù lúc đó, phương pháp này vẫn còn ít được biết đến. Khi chào đón cô con gái Zheng Mengzhu chào đời, bà Zheng Guizhen và chồng đã rơi nước mắt vì xúc động, cuối cùng hai vợ chồng đã được làm cha mẹ. Sự kiện này đã khiến không ít người tò mò và nghi ngờ.
Bác sĩ Zhang Lizhu bế Zheng Mengzhu - “em bé ống nghiệm” đầu tiên tại Trung Quốc.
Có nhiều tin đồn cho rằng trẻ sinh ra bằng phương pháp thụ tinh bằng ống nghiệm không có khả năng sinh sản, hay các bé này không có tuổi thọ cao và có chỉ số IQ thấp.
Trái ngược với những tin đồ, cô bé Zheng Mengzhu ngày nào giờ đã 33 tuổi, không chỉ khỏe mạnh mà còn được nhận vào trường Y. "Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất kỳ sự khác biệt nào giữa mình và bạn bè cùng trang lứa. Dù là thể chất hay chỉ số IQ, tôi vẫn là một trong những học sinh giỏi nhất lớp khi còn đi học, chưa kể đến giờ tôi đã sinh được một bé gái vô cùng đáng yêu" - cô Zheng Mengzhu chia sẻ.
Zheng Mengzhu hiện đã 33 tuổi, đã sinh một bé gái.
Tin đồn về những đứa trẻ trong ống nghiệm: IQ thấp, thấp bé, ốm yếu và tuổi thọ thấp có thật?
Không chỉ là Zheng Mengzhu, mà Louise Brown - người Anh sinh ngày 25/7/1978 là em bé trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới cũng bị đồn như vậy nhưng giờ đây đã kết hôn và sinh con như những người bình thường. Trên thực tế, trong lý thuyết y học, có rất nhiều yếu tố cá nhân ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người chúng ta, ngoài di truyền, thói quen lối sống và bệnh tật mắc phải cũng sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của chúng ta .
Em bé trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới, Louise Brown, người Anh, đã kết hôn và sinh con như những người bình thường
Trong quá trình lựa chọn tinh trùng và trứng ban đầu, các em bé trong ống nghiệm thường tuân theo nguyên tắc tối ưu. Bước đầu tiên là chọn những tinh trùng và trứng có chất lượng tốt nhất để tiến hành thụ tinh, điều này giúp giảm đáng kể việc mắc các bệnh bẩm sinh. Vì vậy, tin đồn rằng trẻ sơ sinh trong ống nghiệm yếu ớt, ốm yếu và tuổi thọ ngắn là không đáng tin.
Về chỉ số IQ, theo lý thuyết di truyền, chỉ số IQ của con người chúng ta không chỉ bị ảnh hưởng bởi ảnh hưởng di truyền của cha mẹ mà còn liên quan đến các yếu tố như sự kích thích và giáo dục của môi trường. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào chứng minh kỹ thuật IVF sẽ ảnh hưởng đến chỉ số thông minh của trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, lý do khiến một số người hiểu nhầm là do nhiều bậc cha mẹ thụ tinh ống nghiệm thường là những người không có thể trạng tốt, hoặc tuổi đã vượt quá độ tuổi tối ưu theo khuyến cáo của các chuyên gia, tức là nam giới quá 35 tuổi và phụ nữ ngoài 30. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của tinh trùng và trứng, đương nhiên sẽ làm tăng khả năng thai nhi mắc các bệnh bẩm sinh, dị tật trong quá trình phát triển. Nếu các cặp đôi này thụ thai tự nhiên nhưng dưới tác động của các yếu tố này, các em bé sinh ra vẫn gặp vấn đề về sức khỏe.
(Ảnh minh họa)
Theo kết quả điều tra và phân tích dịch tễ sức khỏe sinh sản quốc gia mới nhất, công nghệ thụ tinh ống nghiệm trên thế giới đã đạt đến trình độ tiên tiến, tính an toàn và ổn định đã được cải thiện và đảm bảo. Trong bối cảnh đó, sức khỏe của những “em bé trong ống nghiệm” có thể được bảo vệ tốt hơn, và những lời đồn đại về chỉ số IQ thấp, tầm vóc thấp bé, ốm yếu và tuổi thọ ngắn lại càng không đáng tin cậy.
Tuy nhiên, đối với các cặp vợ chồng quan tâm đến việc thực hiện kỹ thuật IVF để hiện thực hóa “giấc mơ làm cha mẹ” thì cần có những bước chuẩn bị trước!