Xã hội hiện đại ngày nay xuất hiện rất nhiều những câu chuyện đau lòng về nạn “body shaming” – miệt thị, bắt nạt trong học đường. Nhiều trẻ em đã không thể vượt qua được sự kì thị và bắt nạt của bạn bè và rồi cuộc sống của các em trở thành một tấn bi kịch. Câu chuyện của một bà mẹ người Úc dưới đây thực sự khiến bao người phải nghẹn ngào, xúc động.
Yarraka Bayles là mẹ của Quaden – một cậu bé không may mắc chứng bệnh lùn (một loại bệnh lý xảy ra ở trẻ em bị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng). Ngày hôm đó, khi cô đi đón con trở về, trên xe, Yarraka Bayles bất ngờ nghe thấy con trai nói bằng giọng run rẩy: "Mẹ hãy cho con một sợi dây, con muốn tự sát". Lời cầu xin ấy đã khiến người làm mẹ như Yarraka Bayles cảm thấy vô cùng đau đớn.
Nghe con trai khóc và muốn tự sát vì bị bắt nạt, người mẹ quá đau lòng và tự trách bản thân đã không thể bảo vệ con.
Cô đã hỏi con cặn kẽ và biết được rằng, nguyên nhân của hành động đó là vì con trai cô đã bị bắt nạt ở trường, bị bạn bè xa lánh. Cậu bé bị miệt thị ngoại hình đến mức không thiết sống nữa. Quá đau lòng về điều này, chị Bayles quyết định quay clip công khai trên Facebook cá nhân nhằm thông báo đến cha mẹ của những đứa trẻ đã bắt nạt con mình và cảnh báo các bậc phụ huynh về vấn nạn bạo lực học đường.
Video: Lời cầu xin được tự tử của cậu bé khiến triệu người rơi lệ
Trong clip, người mẹ này đã nói: "Tôi vừa đón con trai đi học về, nghe con kể chuyện bị bắt nạt ở trường, tôi đã muốn gọi ngay cho hiệu trưởng, muốn hỏi mọi người rằng họ ở trường đã làm những gì để một đứa bé 9 tuổi như con tôi quẫn trí đến mức muốn tự tử.
Con tôi chỉ muốn được đi học, được vui chơi với bạn bè thì có gì sai để phải chịu sự cô lập, dè bỉu đến mức muốn tự sát? Chúng tôi chỉ cần được sống như bình thường không được sao?"
Người mẹ đã quyết định đăng tải clip để tố cáo những kẻ bắt nạt con mình và yêu cầu một sự thay đổi trong cách giáo dục để những đứa trẻ khiếm khuyết tự tin sống và đón nhận yêu thương.=
Yarraka Bayles nói rằng con trai cô đã cố gắng rất nhiều: “Quaden đã cố gắng chịu đựng và nhún nhường mọi thứ. Thằng bé không muốn mọi người nhìn thấy nỗi khổ tâm của mình, không muốn mọi người biết rằng chuyện có một cơ thể khác biệt đã ảnh hưởng đến tâm lí của nó ra sao. Quaden đã cố gắng mạnh mẽ, tự tin nhưng bạn bè xung quanh đã làm nó sụp đổ. Nhìn con như thế, tôi đau lòng và bất lực vô cùng”.
Yarraka Bayles nói rằng đây không phải là lần đầu tiên Quaden có ý định tìm đến cái chết. Năm Quaden 6 tuổi, cậu bé đã thử nhiều lần quyên sinh: “Sự bắt nạt diễn ra liên tục, họ gọi tên, mô tả khiếm khuyết ngoại hình của thằng bé để giờ đây, thằng bé trở thành một đứa trẻ chỉ muốn tự tử mỗi ngày vì bị bắt nạt khi đi học hoặc ở nơi công cộng. Tôi cảm thấy mình thất bại khi làm cha mẹ, tôi cũng cảm thấy như hệ thống giáo dục của chúng ta đang thất bại khi để những tình trạng đó xảy ra”.
Cậu bé đã cố gắng tỏ ra mạnh mẽ nhưng sự kì thị từ những người xung quanh đã khiến Quaden nhiều lần muốn tự tử
Người mẹ đã cố gắng bỏ qua, nhưng lần này, khi con trai tiếp tục đòi chết, cô đã quyết định công khai mọi việc:
"Nhìn phản ứng kịch liệt của con trai, tôi cũng nghĩ về việc không đăng clip...nhưng tôi muốn vạch trần những kẻ tội lỗi kia. Nếu tôi không đứng lên và lên tiếng cho con mình thì ai sẽ làm thế. Nếu cứ im lặng thì có phải tôi sẽ mất con vĩnh viễn. Tôi không ước mong gì lớn lao chỉ xin mọi người hãy đối xử với con mình như một đứa trẻ bình thường." - chị Bayles chia sẻ với NITV News.
Ngôi sao NRL Latrell Mitchell đã xin phép gia đình đưa cậu bé đến đội tại All Stars và động viên giúp cậu bé trở nên tự tin, có thêm niềm tin vào cuộc đời.
Video nhanh chóng lan truyền, với hơn 6 triệu lượt xem và 140.000 lượt chia sẻ. Rất nhiều người đã vào bình luận và bày tỏ tình cảm, sự yêu thương với cậu bé dũng cảm, mạnh mẽ Quaden. Sự việc của Quaden ảnh hưởng rất lớn và khiến nhà trường nơi cậu bé học phải giải quyết trước sức ép của dư luận.
Trước sự ủng hộ của nhiều người, mẹ của Quaden cho biết, chị đã tìm một tổ chức thích hợp để chống lại nạn 'body shaming' trong học đường. Chị mong muốn phải có thay đổi trong cách giáo dục những đứa trẻ nhìn nhận về người khuyết tật.
Ngay sau khi đoạn video này được lan truyền, Quaden và gia đình của cậu bé nhận được nhiều sự khuyến khích từ cư dân mạng cùng với hỗ trợ từ các ngôi sao thể thao Úc và người lạ trên khắp thế giới. Ngôi sao NRL Latrell Mitchell đã xin phép gia đình đưa cậu bé đến đội tại All Stars và động viên giúp cậu bé trở nên tự tin, có thêm niềm tin vào cuộc đời.
Cuộc sống của Quaden đã thay đổi khá nhiều khi mẹ cậu bé dũng cảm nói ra câu chuyện và nhận được sự ủng hộ từ mọi người.
Hành động kiên quyết của người mẹ cùng sự chung tay của cộng đồng đã mang đến cho cuộc sống của Quaden những thay đổi tích cực. Hy vọng rằng, những trường hợp như cậu bé sẽ không phải đối diện với những điều đau lòng như vậy nữa.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bắt nạt: - Trẻ bị trầy xước, bầm tím… - Trẻ bỏ học, giả vờ ốm, sống thu mình.. - Đối với những trẻ liên tiếp là nạn nhân sẽ bị suy nhược cơ thể, dần dần dẫn đến nhút nhát. - Các hình thức bắt nạt gồm có: đấm, đá, đánh, chế giễu, ăn cắp, xô đẩy, tung tin đồn nhảm, đe dọa, nhục mạ… Cha mẹ nên làm gì để hạn chế tình trạng trẻ bị bắt nạt ở trường? - Dạy trẻ giữ bình tĩnh, không nổi cáu khi bị trêu chọc bắt nạt, dõng dạc yêu cầu các bạn dừng lại. Sau đó, nhanh chóng tránh ra xa để không xảy ra cãi vã, xô xát đánh nhau. - Nếu bị bắt nạt hãy nói ngay với giáo viên, cha mẹ để có hướng giải quyết đúng đắn. - Hướng dẫn con chọn bạn mà chơi, phù hợp với cá tính của mình. Khuyến khích con tham gia các trò chơi tập thể, đồng đội tăng tính đoàn kết. - Cho bé tham gia lớp học võ để tự vệ bản thân song phải biết kiềm chế, không dùng vũ lực giải quyết vấn đề, phản kháng bằng bản lĩnh và sự dũng cảm. |