Bé trai 2 tuổi phải cắt 27cm đại tràng
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận, phẫu thuật cắt 27cm đại tràng giãn cho một bé trai 2 tuổi, đáng chú ý nguyên nhân là do mẹ chủ quan với những biểu hiện bị táo bón của con.
Theo đó, bệnh nhân là bé N.M.K. (2 tuổi, ở Hà Nội), có tiền sử chậm phân su sau sinh, được chẩn đoán tắc ruột. Sau khi chào đời được 3 tuần, bé K. có hiện tượng khó đi ngoài, có lúc phải thụt bằng mật ong mới đi được.
Khi ăn dặm, bé ăn nhiều rau, uống sữa chua thì dễ đi ngoài hơn nhưng vẫn thường xuyên táo bón và cần thụt phân. Chị Thanh - mẹ bé K. để ý thấy ngày nào con trai cũng đi ngoài nhưng thường phải rặn và ngồi lâu. Phát hiện thấy bất thường nhưng thỉnh thoảng trẻ vẫn tự đi ngoài được nên chị Thanh chủ quan, hy vọng bệnh sẽ tự khỏi.
Tuy nhiên tình trạng này không thuyên giảm mà bé K. còn liên tục đau bụng, chán ăn, mệt mỏi. Lúc này, chị Thanh mới đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, sau khi thăm khám, cho cháu chụp phim X-quang khung đại tràng cản quang, bé Khôi được các bác sĩ chẩn đoán phình đại tràng và chỉ định phẫu thuật.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt đại tràng cho bé K.
TS.BS Trần Anh Quỳnh – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, qua biểu hiện trên phim, trẻ có trực tràng nhỏ hẹp, đại tràng Sigma giãn, ứ đọng nhiều phân, tỷ lệ đường kính trực tràng và Sigma đảo ngược.
“Bệnh nhi được các bác sĩ tiến hành thụt tháo phân và phẫu thuật cắt 27cm đại tràng giãn, trong đó có 7cm đại tràng bị vô hạch thần kinh. Rất may mắn là gia đình cháu đã vượt qua được trở ngại về tâm lý để bước vào giai đoạn điều trị bệnh cho cháu”- bác sĩ Quỳnh chia sẻ.
Trong tháng đầu sau phẫu thuật, có những đợt trẻ bị đi ngoài phân lỏng. Bệnh nhi điều trị men tiêu hóa, uống oresol nên đã ổn định. 6 tuần sau phẫu thuật và nong hậu môn, trẻ đã tự đi ngoài dễ dàng, ngày 1 lần, phân khuôn, mềm. Cháu bé tăng 2kg và chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Hiện bé K. được hẹn tái khám và tiến hành nong hậu môn hàng ngày vào giờ cố định, trong vòng 1 tháng. Việc tiến hành nong hậu môn giúp miệng nối đại tràng – hậu môn được mềm và tránh không bị sẹo hẹp, đồng thời giúp trẻ tạo phản xạ đi ngoài.
Khi nào trẻ bị táo bón nên đi khám?
PGS.TS Phạm Duy Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trong đó có thể do 2 nhóm nguyên nhân.
Đầu tiền là táo bón cơ năng do ăn thiếu chất xơ, uống ít nước, tâm lý sợ đi vệ sinh, dùng thuốc… Hai là táo bón do một bệnh thực thể như suy giáp trạng, tổn thương thần kinh, bệnh phình đại tràng bẩm sinh lạc chỗ hoặc hẹp hậu môn, và bệnh xơ hóa tuyến ngoại tiết…
Trẻ khi mắc táo bón thường có một số biểu hiện như:
- Số lần đại tiện dưới 3 lần/tuần;
- Khó đi đại tiện hoặc phải rặn nhiều;
- Đau hậu môn khi đi đại tiện, đôi khi có máu quanh phân do nứt kẽ hậu môn;
- Phân rắn khô, lổn nhổn.
Trẻ có thể có thêm các triệu chứng như: đau bụng quanh rốn, chướng bụng, chán ăn, mệt mỏi, suy dinh dưỡng, thay đổi hành vi, tính tình.
Phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu khi trẻ táo bón. (Ảnh minh họa)
Theo PGS Hiền, táo bón lâu ngày ở trẻ em tạo nên cục phân to, rắn, đọng trong trực tràng có thể gây biểu hiện són phân, thỉnh thoáng có chút phân lỏng thoát qua hậu môn làm bẩn quần lót.
Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay khi trẻ có biểu hiện sau:
- Chậm phân su 24h sau sinh, bụng chướng;
- Táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng;
- Táo bón ảnh hưởng đến tiêu hóa: kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng kèm theo nôn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên lưu ý đưa trẻ đi khám khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, chướng bụng, đau nhiều vùng hậu môn khi đi ngoài, trĩ, nứt hậu môn; kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân, biếng ăn, sốt, nôn, đi ngoài ra máu...