33 năm trước, ca phẫu thuật tách 2 em bé song sinh dính liền đầu tiên ở Việt Nam thành công đã làm cho cả thế giới phải quan tâm. Đặc biệt, sau ca mổ kéo dài 17 tiếng với sự tham gia của 74 người ngày đó, hai anh em Nguyễn Việt và Nguyễn Đức cũng trở thành những đứa trẻ vô cùng nổi tiếng.
Ca mổ tách dính nhau vùng bụng chậu của hai anh em Nguyễn Việt - Nguyễn Đức được xem là kì tích.
Sau ca mổ tách dính lịch sử của Việt Nam, 19 năm sau, anh Nguyễn Việt qua đời sau ngần ấy năm sống thực vật, anh Nguyễn Đức còn 1 bên chân phải đã tiếp tục sống thay cả phần đời anh mình. Hiện tại, anh đã là ông bố 2 con. Với tình yêu dành cho con vô cùng lớn lao khiến ai cũng phải xúc động khi chứng kiến hành trình từ ngày người đàn ông kiên cường lên chức làm bố đến bây giờ khi 2 đứa trẻ đều đã lớn khôn.
Anh Nguyễn Đức tiếp tục sống với bên chân phải, những bộ phận chung như thành bụng, bộ phận sinh dục... các bác sĩ đã quyết định để lại cho người em.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của Nguyễn Đức.
Cú sốc ngày anh trai qua đời với Nguyễn Đức là nỗi đau không thể nào quên, nhưng thay vì tiêu cực, tự ti... anh sống rất tích cực, không những nỗ lực cho bản thân mình mà còn cố gắng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, thường xuyên tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Hình ảnh đó cũng chính là cách anh dạy các con nhìn vào gương bố để thành những người có ích cho xã hội sau này.
Năm 2006, anh Nguyễn Đức kết hôn với vợ là chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, cả hai quen biết nhau qua một nhóm bạn chơi chung. Chính chị Thanh Huyền là người chủ động trước, từ đó Nguyễn Đức mới mở lòng, tích cực và mong cầu hạnh phúc riêng cho mình.
Sự chân thành, giản dị và tấm lòng của Nguyễn Đức không chỉ làm cho tất cả các thành viên trong gia đình nhà vợ quý mến mà đến mẹ vợ - người ra sức can ngăn con gái lấy người khuyết tật cũng phải mở lòng yêu thương anh. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng sống cùng mẹ vợ và có 1 con trai, 1 con gái song sinh là bé Phú Sĩ và Anh Đào.
2 con là động lực rất lớn để vợ chồng Nguyễn Đức vượt qua mọi khó khăn vất vả.
Nhìn gia đình và cuộc sống hiện tại của Nguyễn Đức, tuy không phải thuộc dạng giàu có nhưng sự bình yên, hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ này thì ai cũng phải công nhận. Tuy nhiên, khi nói đến 2 con, cả hai vợ chồng đều xúc động khi nhớ lại những ngày đầu tiên họ biết tin sẽ lên chức làm bố, làm mẹ.
Chia sẻ trong một chương trình, chị Thanh Huyền đã không giấu được sự lo lắng khi nhớ lại những ngày mình hoang mang khi biết tin có song sinh. Nào là kinh tế nuôi con, nào là sợ con ảnh hưởng, bị di chứng từ đời bố do chất độc da cam... Và rất nhiều nỗi lo khác của những người lần đầu làm bố mẹ.
Chị kể: "Thấy thương lắm, con có 1,1kg à, đứa kia thì 1,6kg. Một tuần sau tôi mới được gặp con, nhìn con mà tôi khóc vì con thiếu tháng, không thể tưởng tượng được".
Cả hành trình vất vả với rất nhiều lo lắng, ngày con chào đời còn sớm hơn đến tận 2 tháng so với những em bé khác khiến vợ chồng Nguyễn Đức không khỏi xót xa. Tuy nhiên, với ông bố nghị lực, anh đón nhận tin vui có con với ý nghĩ rất tích cực.
"Bản thân tôi là một nạn nhân chất độc da cam thì chắc chắn sự biến thể cũng có, nhưng tôi có tâm sự với vợ: "Dù có như thế nào đi nữa thì đây cũng là máu mủ của mình tạo ra, mình không thể ruồng bỏ hay từ chối". Tôi không nghĩ mình có song sinh, cũng không nghĩ 2 bé ra được lành lặn như vậy. Chỉ có điều 2 bé thiếu tháng, nuôi khá vất vả.
Tôi cũng nghĩ đơn giản đó là điều trời cho. Cho dù hai bé có như thế nào đi nữa, chỉ mong muốn con bình an, sức khoẻ, đặc biệt là sự phát triển tốt là được rồi".
Hình ảnh 3 bố con vui vẻ bên nhau, bố dạy con học... khiến ai cũng trân quý tình yêu người cha dành cho các con.
Nuôi dưỡng 2 con trưởng thành, khôn lớn, dù có bao nhiêu vất vả, với Nguyễn Đức, được làm bố cũng là điều hạnh phúc nhất cuộc đời anh. Nhớ lại khoảnh khắc bế 2 con trên tay lần đầu tiên, ông bố 2 con khi đó không kiềm được nước mắt hạnh phúc:
"Cảm xúc lúc đó được nhân đôi. Thứ nhất là mình chính thức bắt đầu là một người cha. Gánh nặng thứ 2 đó là khoảnh khắc tôi phải nhìn nhận mình phải bắt đầu có trách nhiệm, bắt đầu tập trung vào việc chăm con. Để rồi khi con lớn lên mình cảm thấy nhẹ nhõm".
Tháng 4/2017, anh chính thức trở thành Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc tế Hiroshima - Nhật Bản.
Anh là tấm gương nghị lực cho chính các con của mình.
Nguyễn Đức nhiều năm qua vẫn làm việc tại chính bệnh viện đã cứu sống anh từ ca mổ tách dính 33 năm trước. Anh là lao động chính trong nhà, dù vợ rất muốn phụ giúp chồng để phần nào lo chi phí cho gia đình nhưng với anh, sự an toàn, sức khoẻ của cả gia đình mới là điều làm cho anh yên tâm làm việc. Vì vậy, bà xã cũng đành nghe lời chồng ở nhà nội trợ, chăm con.
Mỗi ngày Nguyễn Đức vẫn có thể tự đưa đón 2 con đi học, mọi sinh hoạt cá nhân anh đều có thể tự làm hết. Không chỉ có nghị lực phi thường, ông bố 8X còn khiến mọi người nể phục với tình yêu, trách nhiệm dành cho vợ con. Với mong muốn tương lai các con được đảm bảo hơn, anh Đức cũng từng kinh doanh chung với bạn nhưng thất bại. Đến giờ, anh vẫn nặng lòng nghĩ về tương lai của các con.
"Tôi cũng rất muốn làm một cái gì đó để có cái điểm chuẩn, để sau này nếu mình không có khả năng nữa thì cũng có một cái gì đó để lo cho con cái. Hai bé là động lực cho tôi, thấy được nụ cười của con, thấy các bé chơi vui, học hành... Là trong lòng mình cảm thấy yên lòng, cảm thấy mình cần phấn đấu nhiều hơn nữa".
Lúc này, trong lòng một người cha lúc nào cũng lo lắng cho các con vẫn không thôi lo sợ về sức khoẻ của chính mình. Nhiều lần phẫu thuật, sức khoẻ cũng yếu đi dần, điều anh bận tâm nhất chính là 2 thiên thần nhỏ Phú Sĩ và Anh Đào. Anh tâm sự:
"Trong cuộc sống, sợ nhất vẫn là sức khoẻ. Mình không lường trước được. Sức khoẻ mình hạn chế như vậy thì không biết sẽ lo được tới đâu. Bản thân tôi chỉ muốn nhắm mắt lại, mơ thấy 2 bé trưởng thành, 18 tuổi. Đó là điều mơ ước không chỉ riêng của tôi, tôi cảm nhận rằng người cha, người mẹ nào cũng vậy. Cũng mong muốn con trưởng thành, con tốt nghiệp và con có cuộc sống tự lập".
Còn về chị Thanh Huyền, nhắc đến các con, lúc nào mẹ cũng trực trào nước mắt. Cũng rất lo cho các con, chị đã tính xa đến những ngày sau này: "Lúc đó nghèo sẽ về nhà mẹ ở, nhà này cho thuê để lấy tiền lo cho con. Ví dụ có chuyện gì, tôi sẽ gửi con về ngoại, có anh em tôi đưa rước các con đi học. Tôi cũng đi làm, nhà thì cho thuê để nuôi con được tới đâu hay tới đó".