Mỗi ngày của chị Lộc Thị Phương (SN 1992, đang làm giám đốc công ty du lịch ở Phú Quốc và anh Julien (SN 1982, quốc tịch Thụy Sỹ là kỹ sư IT tự do) xoay quanh 2 chàng nhóc tì nhí. Cặp song sinh nhà chị nay được hơn 1 tuổi, lịch trình của 2 vợ chồng cũng đỡ vất vả và thoải mái hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, vợ chồng chị vẫn thay phiên nhau chăm sóc con. 5h chiều, cả nhà chị lại cùng đi bộ ra biển chơi tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau.
Tổ ấm nhỏ của chị Phương.
Bất ngờ phát hiện mang thai đôi cùng trứng
Chị Phương là người dân tộc Thái, sống ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Chị quen anh Julien vào năm 2015 khi anh đến Đà Lạt du lịch. Ngay lần đầu tiên gặp sau 1 tuần trò chuyện qua mạng, 2 anh chị cảm mến nhau lúc nào chẳng hay. Và tình yêu mãnh liệt với cô gái Việt đã khiến anh Julien quyết định ở Việt Nam lập nghiệp. Tháng 8/2019, anh chị tổ chức đám cưới ở Việt Nam theo đúng phong tục của người Thái. Sau 4 tháng kết hôn, vợ chồng chị đón nhận tin vui được lên chức.
Chị Phương kể, vợ chồng chị đã dọn về chung một nhà với nhau 5 năm rồi mới cưới. Sau khi biết tin mang bầu chị khá bất ngờ bởi đi khám tiền hôn nhân, nhiều nơi dự đoán chị khó có con. Vậy mà chị mang bầu song thai cùng trứng tự nhiên trong khi gia đình 2 bên chưa từng có cặp song sinh nào trước đây.
Bầu song thai cùng trứng một nhau 2 ối, cộng thêm bị đa nang buồng trứng 2 bên với kích cỡ rất to nên chị Phương gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, chị phải đối diện với nhiều rủi ro cho cả mẹ và con. Khi thai được 13 tuần tuổi, bác sĩ thông báo chị bị thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc do rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh. Đây là một trường hợp hiếm gặp, xảy ra khi cơ thể không tổng hợp được Transferrin vận chuyển sắt. Nếu cả 2 vợ chồng chị đều bị thiếu sắt thì em bé có khả năng bị dị tật rất cao. Vậy là chồng chị phải làm xét nghiệm máu và may mắn chỉ một mình chị bị.
“Khi thai được gần 4 tháng mình bị bóc tách bánh nhau khả năng mất em bé là 50% phải nằm viện và nằm 1 chỗ tại nhà gần 2 tháng. Sau đó, mình phải chuyển từ bệnh viện Phú Quốc lên bệnh viện Từ Dũ khám và phát hiện một em bé chậm phát triển, dây rốn 1 động mạch và có nguy cơ mắc hội chứng truyền máu song thai.
Đây là hội chứng chỉ xảy ra với tỉ lệ 0,1 - 1,9/ 1000 trẻ sinh ra. Nếu hội chứng này xảy ra, không được điều trị thì 90 - 100% thai sẽ chết, còn nếu 1 trong 2 thai chết thì 25% thai còn lại sẽ bị di chứng thần kinh nặng nề. Nhưng may mắn mình được chăm sóc và thăm khám thường xuyên, 2 bé phát triển bình thường”, chị Phương kể.
Chị mang bầu song thai đối diện với nhiều nỗi lo.
Chưa hết khó khăn này, chị Phương lại đối diện với những khó khăn khác. Khi thai được 6 tháng, chị bị dọa sinh non, cổ tử cung ngắn và hở ngoài nên phải nằm viện dưỡng thai. Lúc đó Sài Gòn có dịch nên cả nhà chị ra Đà Nẵng để sinh, chị phải chuyển từ bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng sang cấp cứu Bệnh viện sản nhi TW Đà Nẵng.
Chị Phương tâm sự, khoảng thời gian bầu bí đa phần chị phải nằm viện rất nhiều, không đi lại được, 2 vợ chồng chị tự chăm nhau. Thời gian đó, anh là người vất vả nhất vì hàng ngày vừa làm việc, vừa nấu ăn vừa đưa lên bệnh viện cho chị. Anh cũng phải học nấu nhiều món Việt Nam vì chị bị tiểu đường thai kỳ, hạn chế ăn đồ nhiều ngọt và tinh bột.Biết mang bầu đôi sẽ rạn da nhiều, anh Julien gọi hỏi mẹ ở Thụy Sỹ mua dầu chống rạn trước, sau sinh và mỹ phẩm cho chị rồi gửi qua Việt Nam. Rồi một tay anh cũng mua đồ và soạn đồ đi sinh cho chị.
Ông xã đỡ đần chị rất nhiều khi mang bầu.
Cặp song sinh lai nổi tiếng cả bệnh viện
Chị Phương nằm viện dưỡng thai ở viện 2 tháng. Đến tuần thứ 36, do bị tiền sản giật, huyết áp tăng cao, chân và cơ thể phù nề nên chị được bác sĩ chỉ định mổ.
“Trong ngày mổ, tâm lý mình khá thoải mái vì mình sợ áp lực quá sẽ khiến cho huyết áp bất ổn và xảy ra chuyện gì. Các bác sĩ, y tá đứng mổ cũng khá háo hức vì đây là ca song sinh lai tự nhiên. Mặc dù sinh non nhưng mổ xong 2 bé không phải tách mẹ vì đủ cân nặng, một bé 2,2kg, một bé 2,4kg. Hai bé được da kề da với mẹ hơn 2 tiếng đồng hồ. Các y tá giúp mình chụp hình, rồi hỗ trợ cho người nhà vào chăm sóc đặc biệt…Lúc đó 2 bé là song sinh lai nên nổi tiếng cả bệnh viện, rất nhiều người ghé phòng để xem”, chị Phương nhớ lại.
Chị Phương sinh 2 bé ở tuần 36.
Lần đầu làm bố mẹ có nhiều sự lo lắng “thái quá”, trong khi vợ chồng đến từ 2 đất nước khác nhau, chị Phương lại là người dân tộc Thái nên việc chăm sóc con cũng có nhiều khác biệt và tranh cãi. May mắn 2 vợ chồng chị đều đọc sách chăm con trước đó, cùng ngồi lại nói chuyện trao đổi nhiều, chị cũng tham gia các khóa học online chăm con nên 2 vợ chồng khá đồng thuận và không có quá nhiều mâu thuẫn. Bên cạnh đó, 2 vợ chồng chị tự chăm con theo phương pháp riêng nên không bị áp lực nhiều về các phương pháp truyền thống của Việt Nam.
Chồng chị có thể trông 2 bé cùng một lúc cả ngày.
Chồng chị học cách tắm bé từ khi con được vài ngày tuổi. Anh đọc sách cho con, thay tã, cho con ăn, ru ngủ,… rất thuần thục. Thậm chí, anh có thể chăm 2 bé một lúc cả ngày. Chính vì vậy, chị luôn được san sẻ mọi việc và không hề áp lực, mệt mỏi. Mỗi tuần vợ chồng chị đều có 1 ngày để ra ngoài thư giãn cùng bạn bè, đi đâu tùy thích.