Con tiểu học năm nào cũng đứng nhất lớp, mẹ suốt ngày phải vào nhóm chat của lớp van nài

Sau khi hiểu được câu chuyện của chính bản thân chị ấy, các phụ huynh khác đều đồng ý như thế.

Có con là học sinh giỏi nhất lớp suốt 3 năm đầu tiên của bậc tiểu học nên năm nào chị Triết Phương (sống ở Trung Quốc) rất tự hào khoe điểm của con lên nhóm phụ huynh. Bà mẹ này càng sung sướng hơn nữa khi mỗi lần như thế lại nhận được vô số lời khen về con từ các phụ huynh khác như: “Con chị thông minh quá!” hay “Nếu con tôi thông minh bằng một nửa con chị thì tốt biết mấy”… Không chỉ tự mãn một mình, chị Triết Phương còn đọc cho con trai nghe tất cả những lời khen này.

Tuy nhiên, kết quả học kỳ một lớp 4 của bé trai bất ngờ thấp hơn mọi lần, cậu bé còn bị tụt hạng xuống chỉ đứng ở vị trí thứ 10 của lớp. Điều này đã khiến chị Triết Phương vô cùng sửng sốt, nhưng vì hy vọng ở học kỳ 2, con sẽ lấy lại phong độ và lại đứng nhất lớp, nên chị chỉ động viên con cố gắng. Vậy mà không ngờ kết quả cuối năm lớp 4, con trai chị Triết Phương chỉ được xếp loại trung bình.

Điều này là một cú đả kích cực mạnh đối với chị Triết Phương. Không thể kiềm lòng được, bà mẹ này đã mắng con một trận tơi bời. Thế nhưng, đáp lại sự giận dữ của mẹ, con trai chị chỉ bình thản nói: “Ai cũng nói con thông minh nên con đâu cần phải cố gắng học làm gì”. Nghe vậy, chị Triết Phương “chết sững” tại chỗ.

Con tiểu học năm nào cũng đứng nhất lớp, mẹ suốt ngày phải vào nhóm chat của lớp van nài - 1

Con học giỏi nhất lớp suốt 3 năm liền, chị Triết Phương rất tự hào nên thường khoe trên nhóm phụ huynh. Ai cũng trầm trồ: "Con chị thông minh quá!" là bà mẹ này vui lắm (Ảnh minh họa)

Liên hệ với cô giáo chủ nhiệm, bà mẹ này càng bất ngờ hơn nữa khi hay tin con trai mình ở trên lớp rất chểnh mảng việc học, làm bài tập thì cẩu thả, lại không chịu nghe thầy cô giảng. Cô giáo có răn đe hay khuyên nhủ thì cậu học trò này đều nói đúng một câu là: “Con thông minh mà, đâu cần phải cố gắng cũng vẫn giỏi”. Đến đây thì chị đã hiểu ra vấn đề rồi.

Mặc dù rất xấu hổ nhưng chị Triết Phương vẫn phải mang câu chuyện của con trai lên nhóm phụ huynh kể lại để mọi người rút kinh nghiệm. Hóa ra, từ trước đến nay những lời khen “Con thông minh quá” đã ăn sâu vào tâm trí của con trai chị Triết Phương, nên bé tự mặc định rằng mình đã thông minh sẵn rồi thì không cần phải cố gắng nữa. Đứa trẻ gần như buông xuôi tất cả việc học của mình lại, đồng thời thường bày ra nhiều trò để được bạn bè khen là thông minh.

Cuối cùng, từ một học sinh giỏi nhất lớp, con chị Triết Phương “tụt dốc” xuống hạng trung bình và kiến thức của năm học lớp 4 trong đầu bé gần như trống rỗng. Bà mẹ này phải thuê gia sư bên ngoài về kèm cặp cho con trong suốt mùa hè. Bên cạnh đó, chị cũng tha thiết mong các phụ huynh trong nhóm đừng bao giờ khen bất kỳ đứa trẻ nào “thông minh” nữa, vì 2 từ ấy có khả năng "giết chết" tài năng của bé.

Con tiểu học năm nào cũng đứng nhất lớp, mẹ suốt ngày phải vào nhóm chat của lớp van nài - 2

Nghe quá nhiều người khen mình thông minh nên con trai chị Triết Phương bỏ bê việc học hành (Ảnh minh họa)

Tại sao không nên khen “con thông minh”?

Lời khen ngợi vốn dĩ luôn được xem là một sự khích lệ đối với trẻ em. Những đứa trẻ thường xuyên được khen sẽ tự tin và tiến bộ nhanh hơn. Song theo các nhà tâm lý, người lớn không nên dùng từ "thông minh" để khen trẻ bởi nó chỉ biểu thị cho tài năng chứ không biểu thị cho sự chăm chỉ. Mà trẻ em nên được công nhận thành quả dựa trên sự cố gắng nỗ lực, sự kiên trì.

Giáo sư tâm lý học Carol Dweck, công tác tại Đại học Stanford (Mỹ) đã làm một thí nghiệm, trong đó ông chia ngẫu nhiên những đứa trẻ thành hai nhóm và yêu cầu chúng hoàn thành bốn vòng giải đố. Vòng đầu tiên các câu hỏi rất đơn giản và hầu như tất cả các em đều có thể dễ dàng hoàn thành. Tuy nhiên, kết quả các bé nhận được lại những đánh giá khác nhau. Một nhóm được khen thông minh, nhóm còn lại được khen chăm chỉ. Đến vòng 2, các bé sẽ được lựa chọn làm 1 trong 2 đề, trong đó một đề có mức độ dễ như vòng 1, còn một đề sẽ là những câu hỏi nâng cao hơn.

Kết quả, 90% trẻ được khen chăm chỉ chọn đề khó, còn nhóm trẻ được khen thông minh đều chọn đề dễ. Tại sao vậy? Giáo sư Dweck giải thích rằng lý do rất đơn giản. Rằng những đứa trẻ được khen thông minh thường sợ khó khăn, thử thách vì các bé lo sợ nếu thất bại sẽ bị lộ ra là mình không thông minh. Còn những đứa trẻ được khen ngợi vì những nỗ lực của chúng sẽ sẵn sàng thử thách khó khăn hơn để chứng minh sự cố gắng của bản thân.

Con tiểu học năm nào cũng đứng nhất lớp, mẹ suốt ngày phải vào nhóm chat của lớp van nài - 4

Những đứa trẻ được khen chăm chỉ thay vì thông minh sẽ cố gắng chinh phục mọi khó khăn và thử thách (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, kết quả vòng thi thứ 3 và thứ 4 còn gây sốc hơn nữa khi những đứa trẻ được khen chăm chỉ hoàn thành hết thử thách này đến thử thách khác một cách hào hứng, trong khi đó nhóm trẻ được khen thông minh thì ngày càng tệ hơn. Giáo sư Dweck kết luận: “Những đứa trẻ được khen thông minh sẽ tìm cách tránh những thử thách để duy trì hình ảnh thông minh của bản thân. Đồng thời, các bé còn tin rằng mình đã thông minh rồi thì không cần phải nỗ lực chăm chỉ nữa, bởi người thông minh thì làm gì cũng dễ dàng”.

Thế nên cũng không quá khi nói khen con thông minh là một câu khen mù quáng. Phần lớn trẻ em đều là những đứa trẻ bình thường và chỉ có chăm chỉ học hành thì mới có được điểm cao. Việc người lớn thường xuyên sử dụng cụm từ “thông minh” để tán thưởng sẽ làm con ảo tưởng về bản thân mà trở nên lười biếng và trốn tránh khó khăn.

Giáo sư Dweck cũng cho biết trẻ em cần được khen ngợi và động viên, nhưng khi trẻ có tiến bộ hoặc đạt kết quả tốt, cha mẹ không nên khen đơn thuần: “Con thông minh quá”, “Con giỏi quá”, “Con thật tuyệt vời”. Mà hay khen sự chăm chỉ, nỗ lực và cố gắng của trẻ một cách cụ thể để các con nhìn lại mình chân thật hơn, có ý thức kiểm soát bản thân và tự tin hơn vào chính mình.

Mẹ gửi nhầm tin nhắn vào nhóm lớp con, hiệu trưởng nói: Chị cho con nghỉ học từ ngày mai!