Trương Thu (sinh năm 1988) từng đạt danh hiệu Hoa hậu Doanh nhân người Việt châu Á 2016, là một nữ doanh nhân thành đạt, vô cùng giàu sang. 8X từng nhận được nhiều chú ý khi "mạnh tay" chi 24 tỉ mua siêu xe tặng chồng. Trong cuộc sống đời thường, cô là bà mẹ 4 con sở hữu sắc vóc đáng ngưỡng mộ, có đời tư viên mãn bên chồng chiều con ngoan. Ít ai biết, trước khi chạm đến cuộc sống triệu người mơ ước như hiện tại, người đẹp từng trải qua nhiều cay đắng trong một cuộc hôn nhân đổ vỡ, vất vả làm mẹ đơn thân.
Hoa hậu Trương Thu xinh đẹp, tài năng, thành công trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm.
Hoa hậu Doanh nhân người Việt châu Á 2016 sinh con lần đầu khi mới 24 tuổi. Cô lần lượt có 2 con với người chồng đầu tiên là bé Thiên Chi (sinh năm 2012) và bé Hạ Phi (sinh năm 2014). Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi sinh con thứ 2, cô phát hiện chồng có người khác. Đối mặt với cú sốc hôn nhân quá lớn, người đẹp 8X lựa chọn nhẫn nhịn để con nhỏ có trọn vẹn bố và mẹ. Đến khi con được 2 tuổi, cô mới quyết định "dứt áo ra đi". Thời điểm rời nhà chồng, Trương Thu gần như ra đi với 2 bàn tay trắng, không có nhà hay xe. Cô quyết định để con lại cho ông bà nội chăm, tập trung gầy dựng sự nghiệp để đủ điều kiện đón con về với mẹ. Chỉ trong 8 tháng ngắn ngủi, người đẹp đã hoàn thành mục tiêu mua nhà mua xe, đoàn tụ con nhỏ.
Bà mẹ đơn thân tình cờ quen biết anh Hứa Huy - Việt kiều Úc thông qua mạng xã hội vì có cùng sở thích uống trà. Họ duy trì mối quan hệ tình bạn một thời gian dài trước khi quyết định tìm hiểu nhau. Dù là "trai tân", chưa từng kết hôn nhưng anh Huy không hề ngần ngại khi biết chị Thu đã có 2 con riêng. Sau tất cả, cặp đôi về chung một nhà, cùng xây dựng tổ ấm và phát triển công việc kinh doanh. Chị Thu có thêm 2 người con là bé Tuệ Nghi (sinh năm 2019) và bé Nhật Đình (sinh năm 2020).
Các con chị Trương Thu.
Lắng nghe nữ CEO chia sẻ về việc nuôi dạy con, cách chị đối mặt với biến cố cuộc sống và đối nhân xử thế, lại càng thêm khâm phục bản lĩnh và tài năng của bà mẹ 4 con.
Rời nhà chồng cũ với 2 bàn tay trắng, không đưa 2 con đi cùng mẹ
Đột ngột gặp cú sốc hôn nhân chỉ 1 thời gian ngắn sau khi lên chức mẹ lần 2, tâm trạng của chị ra sao?
Khi kết hôn, mình không có phân định của riêng của chung mà vẫn xem tất cả là tài sản chung của 2 vợ chồng. Thế nên khi ly hôn, mình giống như “từ trên trời rớt xuống vực”, vì mình có tiền nhưng không thể rút ra được, không có chỗ ở. Nơi đó không phải là địa phương của mình mà là quê của người cũ.
Mình đã quyết định ra định, mình không thể ở chung nhà. Mình cũng trách, cũng giận đó. Vì mình cảm thấy tự nhiên sao cuộc đời mình khó khăn như thế. Có thời gian, mình gần như trầm cảm. Tuy nhiên 1 tuần sau đó, mình nhận ra chuyện gì đã xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. Điều mình cần là chấp nhận sự thật và xem đó là thử thách. Thế là mình quay lại nhà chồng cũ, dọn đồ. Khi đó mình có nói một câu là: “Những gì của ngày hôm nay chỉ là một phần nhỏ của cuộc đời em sau này”, rồi ra đi.
Vì sao khi rời nhà chồng cũ, chị không đưa các con đi cùng?
Nhiều người trách mình là tại sao trong thời điểm đó lại bỏ bé ở lại, không mang con đi. Trong vai trò làm mẹ, mình không cho phép bản thân ích kỷ. Khi nuôi dạy con, mình phải làm sao mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất. Theo quan điểm cá nhân, mình không muốn mang sự thù địch để phân chia con. Người lớn có vấn đề với nhau nên mới chia tay nhưng trẻ con thì vô tội. Dù thế nào thì người đó cũng là cha của con mình, là ông bà của con. Con không phải là của duy nhất mình. Người nào có thể đảm nhiệm việc dạy con mình tốt nhất trong thời gian đó, cho con vật chất đủ đầy, có nhà cửa ngủ nghỉ đàng hoàng, có môi trường giáo dục tốt thì mình vẫn bình thường.
Mình không nghĩ là vì cha nó đối xử với mình như vậy thì mình phải mang con đi. Có nhiều người nói chết cũng phải mang con đi. Thế nhưng những câu chuyện mẹ mang con tử tự rất đau thương. Đẩy tất cả mọi người vô bế tắc thì mình tự nhiên từ nạn nhân trở thành tội đồ. Nếu quay lại ngày đó, được lựa chọn lại, mình vẫn sẽ làm như thế (ra đi mà không mang theo con - PV). Vì thời điểm đó, mình không có nhà. Không lẽ mình không có chỗ ngủ mà mình bắt con đi theo nằm dưới đất với mẹ. Trong khi đó, nhà nội không phải là nơi xấu xa, nguy hiểm, vẫn cho con chăn ấm nệm êm, chăm sóc con, nên mình đâu tội gì khiến con khổ chỉ vì cái tôi của con.
Khi rời nhà chồng, mình vẫn chọn một nơi gần đó, chỉ cách nhà nội khoảng 5 phút đi xa. Mỗi ngày mình đều được đón con, đều được quan sát con. Vấn đề của người mẹ là bảo vệ con mình chứ không phải bảo vệ cái tôi của bản thân.
Sau 8 tháng rời nhà chồng cũ, chị có đủ kinh tế mua nhà mua xe, đón con về nhà mình. Quá trình lập nghiệp kiếm tiền như thế đã diễn ra như thế nào?
Thật ra thời điểm đó mình không lập nghiệp mà mình đã có nền tảng với nhiều năm xây dựng công việc kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, tài chính của vợ chồng gắn với nhau. Vì mình quyết định “dứt áo ra đi” nên mình phải làm lại từ đầu. Thứ nhất là phải mua nhà riêng, sau đó tính toán lại công việc kinh doanh.
Sau khi trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, mình tự đặt ra câu hỏi tương lai mình phải làm gì để có thể đón con về. Vấn đề của mình là vì mình không có chỗ ở nên không thể dắt con theo được. Thế nên mình phải đặt ra bài toán là mua được nhà trong thời gian sớm nhất. Mình đặt ra kế hoạch trong 1 năm mình phải mua được nhà đón con về. Từ đó, mình tiếp tục công việc kinh doanh nhưng theo cách quyết liệt hơn, đồng thời tăng thời gian làm việc.
Nhân viên làm từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối, có thay ca. Còn mình thì không chỉ làm trong 11 tiếng mà còn vài tiếng học hỏi, cập nhật xu hướng, tập trung phát triển con người và khai thác nhiều dòng thu nhập.
Đón con về nhà, chị vừa làm mẹ đơn thân, vừa làm chủ doanh nghiệp. Chị có gặp khó khăn gì trong việc cân bằng 2 vai trò?
Thời điểm đó, mình làm kinh doanh nên có một bạn nhân viên ở chung, lo phụ chăm con. Khi đón con về, mình vẫn giữ liên lạc và cư xử đúng mực với bố mẹ chồng cũ, vì ông bà rất thương cháu. Ông bà vẫn giúp đưa đón cháu. Một tuần ông bà vẫn rước cháu qua nhà chơi vài ngày.
Một năm gần đây, mình có nhiều công tác di chuyển nên các bé ở quê với ông bà. Mình với nhà nội của các con không phân chia rạch ròi, khi nào nhớ con sẽ luân phiên đón bé về.
Vậy còn vấn đề trợ cấp nuôi con thì sao thưa chị? Hai bên gia đình có thoả thuận gì không?
Mình không phân chia rạch ròi trong vấn đề này. Khi con ở với mình thì mình nuôi con, mua quần áo cho con, mua tất tần tật. Sau ly hôn, ngay trong thời gian mình không có tiền, mình cũng không đòi trợ cấp hay phân chia gì cả. Vì mình nghĩ nuôi con là vấn đề của 2 người, chứ không phải trách nhiệm của riêng bố hay mẹ. Mình muốn tự tạo ra sự bình đẳng cho bản thân và không phụ thuộc vào người khác.
Trong 8 tháng không ở bên con, mình vẫn đều đặn mua sữa gửi sang cho mấy bé. Buổi tối mình vẫn ghé nhà ông bà đón con đi chơi. Khi mình đón con về ở với mình, thì mình nuôi con mà không đòi hỏi trợ cấp. Khi con ở với ông bà, thỉnh thoảng mình sẽ gửi sang 10 triệu, 20 triệu để đời sống ông bà thoải mái hơn.
Viên mãn bên chồng Việt kiều, không bao giờ phân con chung - con riêng
Mối tình của chị và ông xã Việt kiều nhận được nhiều chú ý. Điều gì ở anh ấy đã thu hút chị?
Khi thấy anh đối xử tốt với con mình thì mình nghĩ: “À người này chấp nhận yêu trẻ, có thể chơi với trẻ”. Mình thấy đây là mẫu người mình có cảm tình.
Mối quan hệ hiện tại của ông xã chị với 2 con riêng của vợ?
Nhà mình không phân biệt con riêng con chung. Nếu mọi người nghe qua thì có khi nghĩ mình nói xạo, vì không tin tại sao lại có những mối quan hệ bình thường như thế, từ phía mình với bố mẹ chồng cũ, giữa ông xã mình và các con riêng. Khi mình dạy con, mình không bao giờ phân biệt riêng hay chung, cũng không nói với con: “Đây là bố dượng của con”.
Nếu mình không kể ra, nhiều người sẽ không biết mình có 2 đời chồng. Mình nghĩ mình càng đặt nặng vấn đề chung hay riêng, thì cả anh ấy và các con sẽ càng ngại ngần. Mình muốn mọi người xem nhau như một gia đình. Khi mình có tư duy như thế thì tự nhiên mọi người cũng sẽ đối xử với nhau một cách bình thường
Ông xã hỗ trợ chị như thế nào trong việc nuôi dạy con?
Anh ấy dành thời gian chăm sóc con còn nhiều hơn mình. Do công việc của mình khá bận nên mình chủ yếu quan sát các bé.
Trong giai đoạn mình nằm cữ, nếu không có vú thì anh sẽ chủ động đứng ra lo cho các con. Chính vì vậy mà các bé nhà mình “bám” cha hơn là “bám” mẹ. Mình cũng chủ trương cho con theo cha để cân bằng quỹ thời gian cho công việc và gia đình. Hơn thế, khi một người đàn ông thương con thì hạnh phúc gia đình sẽ bền vững hơn.
Chị vô cùng thành công và có phần “vượt” ông xã. Có bao giờ chị sợ chồng tự ái?
Mình làm việc nhưng không bao giờ phân biệt riêng hay chung, nhà hay xe đều là của 2 vợ chồng. Nhiều người bảo sao chồng chị được thương, được cưng, được chiều thì chị nghĩ là anh ấy xứng đáng với tất cả những điều đó.
Chị Trương Thu nhận nhiều chú ý khi tặng chồng siêu xe 24 tỷ.
Chị có thể bật mí một chút về khối tài sản của mình?
Mình không muốn gây ra sự tranh cãi nhưng có thể khẳng định, thu nhập mình rất cao, tài sản cũng nhiều. Hiện tại mình có khoảng 8 chiếc xe và nhiều sổ đỏ. Nhiều khi mình không nhớ hết những miếng đất mình đã mua.
Gia đình có điều kiện như vậy, chắc hẳn chị dành khá nhiều chi phí trong việc nuôi dạy con?
Mình nuôi 4 con tốn khá nhiều chi phí. 2 bé nhỏ thì mình có 2 cô giúp việc, bé lớn thì có người phụ đưa đón. Tổng cộng nhà mình có 4 người giúp việc, tiền lương và bao ăn ở cũng khá cao.
Chị đã đầu tư như thế nào cho sự phát triển của các con?
2 bé lớn nhà mình vẫn học trường công vì muốn con được trưởng thành trong một môi trường đa dạng, để con hiểu hơn về tính xã hội. Quần áo con mặc cũng không phải đồ hiệu, giống hệt các bạn. Nếu có gì sung sương hơn thì có lẽ là con mình không phải lo nghĩ nhiều về tiền bạc, mỗi cuối tuần đều được đi chơi, ăn uống thoải mái.
Mình sẽ đầu tư những quỹ tương lai. Con sẽ được du học ở những quốc gia tiên tiến. Mình dành ra một số tiền là thu nhập thụ động để gia đình có thể sống thoải mái. Nếu con có muốn học cao hay một ngành học nào đặc biệt nhiều tiền thì mình luôn trong tâm thế sẵn sàng. Bên cạnh đó, mình còn đầu tư về y tế cho con. Dù bệnh tật là điều không ai mong muốn nhưng mình vẫn có sự chuẩn bị cẩn thận. Cuối cùng, quan trọng nhất là về môi trường. Mình muốn tạo ra môi trường con nhận được nhiều yêu thương, không có sân si hay ganh ghét.
Mình không mua đồ hiệu cho con hôm nay mà không tính tới ngày mai. Mình chú trọng đầu tư giáo dục, y tế, môi trường,... và chuẩn bị cho tương lai của con.
Nguyên tắc nuôi dạy con của chị là gì?
Nguyên tắc của mình rất rõ ràng đó là con giống như tất cả các bạn. Vì bé của mình đi học về hay nói với mẹ là: “Mẹ ơi bạn con nói mẹ nổi tiếng lắm, là chủ tịch này nọ” và mình luôn trả lời con là: “Dù mẹ có là ai đi chăng nữa thì con cũng chỉ là một học sinh bình thường trong lớp thôi”. Mình luôn dạy con, dù mẹ là ai thì con vẫn phải là chính con, phải sống bằng khả năng của mình.
Mình cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng cho con hay bắt con phải sống theo ước mơ của bố mẹ. Khi con còn nhỏ, mình muốn con học cách ứng xử với mọi người xung quanh, rèn luyện các kỹ năng sống và quan trọng nhất là cho con một tuổi thơ êm đềm.
Trong mắt các con, chị mang hình tượng người mẹ như thế nào? Chị có lo lắng sự thành công của mẹ sẽ tạo áp lực lên các con?
Các con khá ngưỡng mộ mẹ, con hay hỏi: “Tại sao mẹ lại giỏi như vậy? Sao mẹ được mọi người mến?”,... Mình không bao giờ nói con về những vấn đề này nhưng con tự tìm hiểu và nghe từ mọi người xung quanh.
Hiện tại mình thành công, mình trở thành một cái bóng rất lớn. Tuy nhiên mình không áp đặt con phải thành công hơn mẹ. Mình chỉ muốn con làm tốt nhất những gì thuộc điểm mạnh của con và khắc phục những điểm yếu. Con phải theo đuổi sở thích và đam mê của riêng con thì con mới thành công được. Thành công đến từ điểm mạnh của mình chứ không đến từ việc mình giỏi tất cả mọi thứ và điểm số cũng không phải là vấn đề.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!