Những người phụ nữ luôn là những người “cầm trịch” niềm vui của gia đình. Khi họ không vui, nhiều hoạt động của gia đình sẽ có thể bị chìm trong không gian tĩnh lặng, u ám. Họ sẽ thể hiện sự khó chịu trong nhiều chuyện nhỏ nhặt, kể cả chuyện dạy dỗ con cái. Người mẹ cáu gắt có thể làm cho đứa trẻ giật mình, sợ sệt đến mức toàn thân rã rời, và đôi khi ảnh hưởng đến tâm lí của trẻ cũng như mối quan hệ tình cảm giữa hai mẹ con. Có thể nói, phụ nữ như là một linh hồn của gia đình, vậy làm cách nào để người mẹ kiểm soát cảm xúc và là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho gia đình?
1. Nâng cao nhận thức
Có một lý thuyết ABC về cảm xúc trong tâm lí học. Theo lý thuyết này, A đại diện cho những điều gây ra cảm xúc, B đại diện cho đánh giá nhận thức của con người và C là đại diện cho cảm xúc thực tại.
Thực tế, cảm xúc không do sự kiện A sinh ra, mà là cách đánh giá sự kiện, tức là yếu tố B. Theo lý thuyết này, chúng ta có thể thay đổi yếu tố B, từ bỏ mô hình nhận thức tiêu cực và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực.
Có sự hiểu biết đúng đắn về bản thân sự kiện
Những đứa trẻ ở mỗi độ tuổi hay có những biểu hiện mà cha mẹ cho là “không được làm” như trẻ vài tháng tuổi sẽ nhai tay, 1 tuổi gắp thức ăn bị rơi vãi, 2 tuổi đột nhiên không nghe lời, và từ 3 tuổi trở đi trở thành “siêu quậy” trong lớp,...
Những hiện tượng này, thực tế, là quy luật phát triển tự nhiên của đứa trẻ. Đó là giai đoạn nhạy cảm của chân tay, miệng, nhận thức bản thân và khám phá bản thân thông qua các giác quan, các hoạt động này.
Các bậc phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ thường sẽ nhạy cảm với các hành động trên và trở nên tức giận, ngăn cấm con một cách khắt khe khiến đứa trẻ bướng bỉnh, chưa hiểu biết nhiều sẽ tiếp tục thực hiện các hành vi trên.
Thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức tiêu cực thành tích cực
Một vài trẻ luôn rụt rè và sợ hãi trước người lạ, hay ở trong những hoàn cảnh, không gian lạ. Nhận thức tiêu cực sẽ nghĩ điều này là không tốt, các bậc phụ huynh vẫn thường than thở rằng: “Sợ sau này bị người khác ăn hiếp”, “Sợ trẻ nhát quá không dám làm gì”,...
Nhưng hãy thử nhìn ở góc độ tích cực, đứa trẻ rụt rè sẽ cảm thấy sợ hãi nếu đến những nơi không an toàn và biết rằng nguy hiểm đang rình rập, cần bật chế độ bảo vệ bản thân. Và hơn cả, người nhút nhát sẽ không đùa giỡn, làm những việc nguy hiểm.
Từ đó, chỉ cần phối hợp các phương pháp dạy dỗ và tính cách của con, đứa trẻ sẽ trở nên cứng rắn hơn.
Nhận biết bằng trái tim
Khi tức giận, hãy dừng lại và suy nghĩ điều gì khiến tâm trạng ta tồi tệ như vậy. Dần dà tập các thói quen cảm nhận cảm xúc bằng trái tim, viết tự do những cảm xúc của mình vào cuối ngày để tập cho bản thân đọc được nhận thức, suy nghĩ và nhu cầu của mình. Từ đó, mẹ có thể kiểm soát được tâm trạng của bản thân, không để ảnh hưởng đến không khí chung của gia đình và các con.
Từ bỏ quyền kiểm soát người khác
Nếu bạn muốn kiểm soát một ai đó, tức là chắc chắn bạn sẽ là người bị kiểm soát. Nếu bạn dựa vào sức mạnh để điều khiển người khác, kết cục bạn đang đánh mất kiểm soát với cảm xúc của mình. Chỉ cần đối tượng bạn đang muốn kiểm soát làm những điều phật ý bạn, trái với lời nói và nhu cầu, nguyện vọng của bạn, bạn sẽ phát điên.
Đã bao nhiêu lần bạn đòi hỏi con mình phải “nhanh lên, lẹ lên”, đòi hỏi con “ăn nhiều vào”, “đừng chơi game”, “tắt ti vi”,...? Và sau đó, bạn sẽ trở nên tức giận khi con trả lời “Không!”
Con cái và gia đình đều là những người độc lập. Từ bỏ việc kiểm soát họ, từ bỏ những cụm từ “nên”, “phải” sẽ khiến lời nói của bạn có trọng lượng hơn, người khác lắng nghe hơn. Chính lúc bạn không còn kiểm soát họ nữa, bạn mới có thể thuyết phục họ nghe theo ý kiến của mình, và hơn hết, bạn có thể giữ cho tâm trạng được thoái mái hơn.
Yêu bản thân
Làm mẹ, làm một người phụ nữ “cầm trịch” tinh thần của gia đình là một quá trình dài kể từ khi những thiên thần nhỏ ra đời. Khi đã quyết định dành quãng đời còn lại của mình cho hôn nhân, gia đình và chồng con, nhất định sẽ có những giai đoạn các bà mẹ cảm thấy tủi thân, mệt mỏi. Thế nhưng đừng quên mất việc chăm sóc và đối xử tốt với bản thân vì mải mê chăm sóc gia đình và nuông chiều họ.
Một người mẹ hiểu rõ giá trị của mình, biết cách chăm sóc và nuôi dưỡng cơ thể, tâm hồn mình sẽ là một người mẹ hạnh phúc. Từ đó, họ mới có năng lực lan tỏa tình yêu thương, sự thấu hiểu và năng lực tích cực đến cho các con, cho gia đình.