Thông tin vợ chàng cầu thủ Mạc Hồng Quân hạ sinh quý tử thứ 2 sau 4 năm sinh con đầu lòng nhận được nhiều lời chúc mừng từ người thân, bạn bè. Cậu bé Dưa Hấu chào đời nặng 3,6kg, dài 51 cm. Những hình ảnh mới nhất về Dưa Hấu thường xuyên được bố mẹ chia sẻ lên mạng xã hội cho thấy nhóc tỳ có một đặc điểm di truyền, rất giống ông nội và anh trai cu Tỏi: "Thiên thần có đôi môi truyền thống của ông nội di truyền không lẫn vào đâu được".
Sau khi sinh con trai, phần lớn Kỳ Hân dành thời gian ở bên để chăm sóc cho cậu bé nhỏ xíu. Tuy nhiên, sự quan tâm em nhỏ đó của mẹ đã vô tình làm tổn thương tâm hồn của cu Tỏi. Cậu bé còn quá nhỏ, mẹ đẻ thêm em cũng vui mừng, háo hức nhưng vẫn ghen khi thấy mẹ ôm em suốt cả ngày.
Mới đây, Kỳ Hân trải lòng về chuyện cu Tỏi bày tỏ sự hờn ghen này. "Thấy ảnh mẹ chụp ôm em, anh hai ghen xong bảo 'mẹ chả yêu con gì cả'. Hờn dỗi xong lại bảo mẹ yêu con đi. Ok, Thế lại đây mẹ yêu nào. Phải vậy mới chịu cơ. Mẹ lúc nào chả yêu các con như nhau".
Sau khi được mẹ yêu thương, cậu bé lại cười tươi chụp ảnh như được an ủi phần nào. Chia sẻ của Kỳ Hân khiến nhiều người cảm thấy thương thay cho cu Tỏi.
Trên thực tế, cảm xúc của cu Tỏi là điều mà rất nhiều đứa trẻ cảm nhận được khi gia đình bất ngờ xuất hiện thêm thành viên mới. Chính vì thế, ngay từ khi biết sự có mặt của con yêu, các bậc cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn với con lớn để bé không có cảm giác hụt hẫng, hờn ghen.
Giúp trẻ hiểu về sự có mặt của đứa em
Với bé dưới 18 tháng tuổi
Việc giúp bé hiểu về sự tồn tại của đứa em là cần thiết trước khi đứa em ra đời và càng cần thiết hơn nếu trẻ dưới 18 tháng tuổi. Đó cũng là cách mà cha mẹ giúp trẻ phát triến về nhận thức về "sự tồn tại" của "2", thay vì chỉ là "1". Hãy bắt đầu khi bé thứ 2 có thể "đạp vào bụng bạn". Đứa trẻ thứ nhất sẽ rất tò mò tại sao mẹ mình thường nói chuyện với "em bé". Bé vẫn chưa hiểu "em bé" là như thế nào? Cha mẹ có thể làm như thế này:
- Hãy nói cho trẻ biết: “Mẹ có 1 em bé sẽ ra đời vài tháng nữa, con có muốn nghe em bé nói chuyện với con không”. Hãy để bé nghe tiếng đạp của bé thứ 2 vài lần trong ngày. Hãy nói với bé: Con hãy chạm tay vào bụng mẹ, em bé sẽ nghe con nói đó.
Hãy để cho bé tập làm quen với em ngay khi em còn trong bụng. (Ảnh minh họa)
- Hãy cho bé biết “Em bé sẽ ra đời như thế nào?” bằng việc cho bé 1 con búp bê hoặc 1 món đồ chơi bé thích và nói em bé ra đời như cách mà con dành sự yêu thích này lên món đồ này, con có thích món đồ này không và con có muốn bảo vệ món đồ này không? Hãy cho bé biết, em bé ra đời con có thương em bé không? Cứ nhắc lại các câu hỏi và trò chuyện
Với bé lớn hơn 18 tháng
Khi em bé thứ 2 vẫn chưa sinh ra: Việc để bé lớn hơn 18 tháng tuổi hiểu sự có mặt của em bé sẽ dễ dàng hơn. Cứ hãy cho bé biết mẹ sẽ có em bé và em bé sẽ làm em của con. Bé tuổi này có thể nhận thức là "em của bé". Vẫn những hành động ở trên dành cho bé dưới 18 tháng tuổi, nhưng ở đây bạn sẽ nhấn mạnh hơn khái niệm "anh/chị và em".
Vào ngày bé thứ 2 ra đời
Vào ngày em bé thứ 2 chào đời, hãy cho bé thứ nhất nhìn mặt em bé, đừng trì hoãn điều này sau 72 giờ (trừ những trường hợp đặc biệt) vì trẻ thứ nhất cần tạo một liên kết đặc biệt với bé thứ 2 này. Khi bé thứ nhất vào xem em bé, hãy gọi bé thứ 1 vào.
Đừng trì hoãn việc cho bé nhìn mặt em mới sinh. Ảnh minh họa
Khi cả hai bé cùng chơi với nhau
Khi em bé thứ 2 lớn và chơi cùng bé thứ 1: Bé thứ 2 sẽ cố bắt chước bé thứ 1 về mọi thứ như cách chơi, cách đi và cách giành nói chuyện/chơi với mẹ. Do đó việc 2 bé hay xung đột là điều dễ hiểu. Khi hai bé xung đột thì không nên trách mắng hay la bé thứ 1 hoặc yêu cầu bé thứ nhất phải nhường em.
Cách hành xử đúng nhất là mẹ sẽ tách 2 bé ra và cả 2 bé không ai được lấy món đồ chơi đó và mẹ sẽ giữ nó đến khi em bé chơi lại. Dĩ nhiên cả hai bé đều khóc, nhưng sẽ quên ngay và quay lại chơi cùng. Chọn 1 thời điểm nào đó dạy 2 bé biết cách chia sẻ lẫn nhau bằng chính món đồ đó: Cho bé lớn chuyền sang bé nhỏ hơn và để bé nhỏ truyền lại cho mẹ, và mẹ sẽ truyền lại cho bé lớn. Bài tập này đều có ích cho tất cả các bé từ 10 tháng - 48 tháng tuổi.
Khi hai anh/chị em chơi với nhau, mẹ không nên yêu cầu bé lớn phải nhường nhịn em. Ảnh minh họa
Nếu bé nhỏ có tuổi dưới 18 tháng tuổi, bạn đợi khi bé nhỏ ngủ, hãy lựa những quyển sách có câu chuyện về tình anh em để kể cho bé lớn nghe. Không cần nhấn mạnh “Con lớn phải nhường em” và nên nói theo cách “Nếu em ngã, con giúp em đứng dậy không?”, “Nếu em muốn chơi món này, con sẽ cho em chơi 1 lát nhé, rồi đến con”, “Nếu em khóc đòi mẹ, con ngồi chơi cái này và đợi mẹ 1 tí nhé, sau khi mẹ hỏi em có sao không và lại chơi với con nhé” và bạn làm động tác như giao kèo với bé.
Nếu bé thứ 2 lớn hơn 18 tháng tuổi, thì hãy đọc chuyện cho cả hai anh em nghe về tình anh em. Vẫn những câu hỏi ở trên, nhưng bạn hỏi ngược lại với bé nhỏ và xen kẽ câu hỏi giữa bé lớn và bé nhỏ.
Những hoạt động này sẽ giúp cả hai anh em dần nhận thức trách nhiệm và sự gắn bó cần có trong việc giao tiếp và ứng xử hành vi.