Trong thời gian mang thai, chắc hẳn bà mẹ nào cũng gặp phải không ít lo lắng, thậm chí đến khi “mẹ tròn con vuông” rồi vẫn chưa hoàn toàn yên tâm vì những bất thường về sức khỏe sau sinh. Như bà mẹ dưới đây đã phải giật mình vì vấn đề gặp phải sau sinh.
Anthea Spark (sống tại Melbourne, Australia) là một bà mẹ hai con. Con gái lớn tên là Olivia và bé thứ hai tên Sophia. Anthea cho biết 1 tuần trước khi sinh Sophia, cô bị cảm khá nặng và lo lắng sẽ không thể sinh con suôn sẻ. Vậy nhưng may mắn thay cuối cùng mọi thứ đã diễn ra trong tầm kiểm soát, bác sĩ đỡ đẻ cho Anthea mà không gặp vấn đề gì.
Anthea là một bà mẹ hai con.
Thời gian Anthea nằm viện sau sinh, một người bạn đã mang mì spaghetti đến để ăn cùng cô. Nhưng khi cắn miếng mì đầu tiên, cô ấy đột ngột dừng lại. "Tôi không thể di chuyển thức ăn trong miệng từ trái sang phải. Điều đó thực sự kỳ lạ, nhưng tôi chỉ nghĩ rằng mình đang mệt vì bị mất sức sau ca sinh", Anthea chia sẻ.
Trong vài ngày tiếp theo, Anthea bắt đầu nhận thấy sự co giật ở bên trái của khuôn mặt. Một ngày trước khi hai mẹ con được xuất viện, cô đã thức dậy từ sáng sớm để cho em bé bú. Sau đó, Anthea ngồi dậy khỏi giường và uống một ngụm nước, nhưng mặc dù cô đã cố gắng nuốt thì nước vẫn bị chảy ra phía ngoài. Anthea vội vàng vào phòng tắm soi gương, cô phát hiện khuôn mặt mình méo xệch và phần mặt bên trái đã mất kiểm soát hoàn toàn. “Tôi không thể điều khiển được phần bên trái khuôn mặt, giống như nó không thuộc về cơ thể mình nữa vậy”, Anthea cho biết.
Anthea đã giật mình khi soi gương tại bệnh viện sau sinh.
Ban đầu, Anthea nghĩ rằng cô đã bị đột quỵ. Tuy nhiên các bác sĩ sau đó nói với cô rằng đó không phải là một cơn đột quỵ, mà là triệu chứng của bệnh liệt mặt ngoại biên. Bệnh hay gặp nhất ở những người bị suy giảm miễn dịch, người có thể trạng yếu, phụ nữ có thai và mới sinh, trầm cảm.
Sau khi được chẩn đoán, Anthea được các bác sỹ châm cứu và xoa bóp. Sau hai năm điều trị, chức năng thần kinh trên mặt của cô đã hồi phục được 60%. Anthea nói rằng cô ấy luôn suy nghĩ lạc quan và tin rằng mình sẽ vượt qua được khoảng thời gian khó khăn này. Giờ đây, cô đã thành lập một nhóm trực tuyến để giúp đỡ những bệnh nhân giống như cô.
Sau 2 năm điều trị, chức năng thần kinh trên mặt cô mới hồi phục 60%.
Trên thực tế, đối với phụ nữ mới sinh, đặc biệt là sinh mổ bị mất máu nhiều kèm theo những mệt mỏi trong thời kỳ mang thai dẫn đến suy yếu cả về thể chất và tinh thần, nếu gặp lạnh rất dễ bị mắc bệnh. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng đến một số hoạt động thường ngày, quan trọng là gây mất thẩm mỹ.
Dấu hiệu để nhận biết: Bệnh hay xuất hiện về đêm, xảy ra đột ngột sau cơn đau ở vùng sau tai, người bệnh cười nói khó, khi đánh răng, súc miệng, uống nước thì nước chảy ra ngoài, ăn cơm thức ăn thường bị kẹt giữa răng và má bên bệnh. Mắt bên liệt nhắm không kín, nhân trung lệch sang bên đối diện, giảm hay mất nếp nhăn trán và rãnh mũi má. Ngoài ra, một số triệu chứng khác ít gặp hơn giảm tiết nước mắt, giảm cảm giác ở vùng ống tai ngoài, giảm vị giác 2/3 trước lưỡi ở bên liệt.
Cách điều trị: Khi phát hiện bệnh, người bệnh cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Có thể điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bằng phương pháp dùng thuốc (thuốc chống viêm, kháng vi rút, vitamin…) và không dùng thuốc khi châm cứu, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Tùy theo tình trạng bệnh mà thầy thuốc áp dụng các biện pháp điều trị khác nhau.
Đối với phụ nữ sau sinh thông thường áp dụng phương pháp không dùng thuốc: châm cứu bên liệt (ôn châm) kết hợp xoa bóp bấm huyệt, tập luyện các động tác ở mặt, trán, mắt, môi miệng. Vật lý trị liệu bằng phương pháp chạy điện nóng và làm sóng ngắn.