Có bố mẹ là những người nổi tiếng, những người hoạt động showbiz với lượng người hâm mộ lớn... Những đứa trẻ là con sao Việt cũng vì thế mà ngay từ khi chào đời đã được quan tâm không kém gì bố mẹ. Chẳng những có ngay nghìn người yêu mến, các nhóc tỳ còn liên tục được đặt lên bàn cân về phong cách thời trang, ngoại hình, tính cách, học vấn... Đặc biệt là sự giáo dục con ở mỗi gia đình người nổi tiếng cũng là điều được công chúng chú ý.
Nhắc đến con của nghệ sĩ, ai cũng thường nghĩ ngay đến những đứa trẻ có điều kiện vô cùng tốt để phát triển. Nào là đồ hiệu, ăn sang, mặc đẹp, học trường đắt đỏ... Nhưng nhiều người lại quên mất rằng dù có là con nghệ sĩ hay không thì mỗi đứa trẻ sẽ đều phải trải qua những giai đoạn hình thành và phát triển tính cách. Và trong đó, cũng không hiếm những cậu ấm - cô chiêu nhà sao Việt khiến bố mẹ phải đau đầu trong chuyện giáo dục, rèn luyện con. Tuy nhiên, sau tất cả, cách họ dạy con và giải quyết vấn đề khi con gây ra lỗi mới là điều làm cho mọi người nể phục nhất.
Con đi học mẫu giáo bị cô phê "làm bạn đau"
Với mỗi bậc cha mẹ, những chuyển biến của trẻ từ giai đoạn chập chững biết đi, biết nói đến độ tuổi có thể cho bé bắt đầu làm quen trường lớp là những giai đoạn có thể nói khá gian nan với bố mẹ. Làm sao để con thích nghi môi trường mới, rời xa vòng tay của bố mẹ và bắt đầu tiếp xúc với bạn bè, thầy cô... luôn là những trăn trở của phụ huynh. Trong đó, vợ chồng ca nương Kiều Anh cũng gặp phải nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười" với cậu con trai 2 tuổi từ ngày cho con đến trường.
Ca nương Kiều Anh cho con đi mẫu giáo từ năm 2 tuổi.
Bé Soup- con trai ca nương Kiều Anh vốn được nhận xét là đứa trẻ thông minh, lém lỉnh và khá hiếu động vì vậy mà khi bước đến một môi trường mới, cậu bé cũng có những hành động như: đùa giỡn với bạn, vui chơi cùng bạn mới và có cả đánh bạn khi không vừa ý.
Trong một lần khi đưa cháu đi học về, mẹ chồng ca nương Kiều Anh đã kể lại câu chuyện trực tiếp "hỏi tội" Soup sau khi biết cô giáo viết nhận xét con có đánh bạn ở trường khiến nhiều người chú ý.
"Hôm nay cùng bố Soup đi đón Soup! Trên đường về thấy mẹ Soup điện thoại cho bố Soup và đọc nhận xét của cô giáo Soup cho bố Soup nghe. Trong đó có đoạn đại ý là con còn chưa kết hợp với các bạn, thi thoảng nói bạn không nghe lại làm bạn đau (ý là đánh bạn đấy). Bà bèn hỏi Soup:
- Tại sao Soup đánh bạn?
Im lặng!
- Soup có đánh bạn không? - Bà đổi câu hỏi! Giọng hơi có tý thép!
Im lặng!
- Soup có đánh bạn không? - Bà đổi chiến thuật nhẹ nhàng hỏi.
Cuối cùng Soup cũng trả lời.
- Soup "đánh rắm"!
Hết nói luôn!".
Soup nhà Kiều Anh là cậu bé lém lỉnh, đáng yêu.
Tuy câu chuyện những đứa trẻ lên 2, lên 3 đánh bạn ở trường đã là việc xảy ra thường xuyên và các cô giáo cũng hoàn toàn có thể tự giải quyết và dạy dỗ các con, tuy nhiên, câu chuyện của bé Soup nhà Kiều Anh lại khiến nhiều người phải dành lời khen. Không phải khen cho sự lém lỉnh, hài hước của cậu nhóc 2 tuổi mà chính là cách nắm bắt tâm lí khi trẻ phạm lỗi của mẹ chồng Kiều Anh. Qua đó có thể thấy, cách tiếp cận của người lớn với những lỗi lầm trẻ gây ra là vô cùng quan trọng đối với việc giáo dục trẻ.
Con lấy trộm đồ của các bạn trong lớp
Nhiều người chỉ nghĩ rằng hành vi lấy trộm đồ của trẻ là do bắt chước từ người lớn hay do xem qua phim ảnh, mặc định đây là việc xấu và chỉ lo trách phạt con. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để dẫn đến hành vi lấy trộm đồ của người khác ở một đứa trẻ sẽ xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả lỗi thuộc về phần cha mẹ.
Nói đến vấn đề này, mới đây, ca sĩ Hiền Thục đã chia sẻ câu chuyện của chính con gái mình cách đây hàng chục năm trước khi cô bé Gia Bảo chỉ mới là học sinh lớp 1. Sau khi được sự đồng ý của con, Hiền Thục đã kể lại toàn bộ câu chuyện mà chính cô cũng phải bật khóc, cảm thấy có lỗi với con vì đã không quan tâm con đủ nhiều dẫn đến hành động xấu của con.
Hiền Thục và con gái thân thiết như 2 người bạn nhưng cũng phải nhiều năm sau con gái mới kể cho mẹ nghe chuyện từng lấy trộm đồ của bạn.
"Lúc nó vào lớp 1, cô giáo chủ nhiệm là cô Ly. Cô dịu dàng với mái tóc dài đen nhánh. Mỗi chiều đón Bảo về mình đều thấy thích thú vì nó luôn trông tươm tất sạch sẽ, mà tóc tai luôn xinh xắn được tết gọn gàng bởi bàn tay cô. Những lọn tóc đáng yêu chăm chút làm Bảo béo rất rạng rỡ...
Những đứa trẻ năm ấy đều dùng bảng con và bút lông để viết. Có hôm nó bảo: "Mẹ ơi? Mua bút cho con nhé, bút lông đã hết mực rồi!". Câu chuyện trôi qua nhẹ nhõm như mọi lần đối thoại giữa mẹ và con...
Rồi Bảo béo lên lớp 2, chia tay cô giáo mà nó yêu mến nhất. Cô không dạy ở trường nữa, mà chuyển công tác đi nơi khác. Nhưng mỗi ngày nó đều nhắc đến cô...
Rất nhiều năm sau đó, khi nó lên cấp 3, một hôm nói với mẹ: mẹ nhớ không? Năm con lớp 1 ấy, khi con nói mẹ mua bút lông để viết bảng, mẹ nhiều việc nên đã quên đi mất. Con không có bút sợ cô giáo la nên đã lấy trộm bút của bạn. Nhưng điều khủng khiếp là con đã lấy 20 cây bút của tất cả các bạn! Mình sửng sốt: "Trời đất! Con chỉ cần 1 cái mà? Nó trả lời: vì các bạn không để ý nên con thấy lấy trộm rất dễ, thế nên con lấy hết, đỡ phải phiền mẹ..."
Mẹ biết vì sao con yêu quý cô Ly đến vậy không? Cô giáo con biết chuyện, nhưng cô không la lời nào, cô cũng không mách mẹ, cũng không bắt con nhận lỗi trước cả lớp. Cô giáo vẫn thắt tóc cho con vào buổi chiều đó rồi bảo nhỏ: "Bảo đừng làm như vậy nữa nhé! Cô biết Bảo rất ngoan..."
Lời cô nhẹ nhõm như mây, mẹ à, từ đó con không bao giờ làm lỗi nữa!
Mình rơi nước mắt. Tới giờ này nếu nó không nói, mình cũng chẳng biết. Rằng mình đã có lúc bỏ mặc đứa con. Nhưng điều lớn nhất là: Bảo béo may mắn vì có cô giáo thật tâm lý. Sự giáo dục đầu đời luôn cần có nhà sư phạm hoàn mỹ như thế, đứa trẻ nếu có được lòng yêu thương và dạy dỗ khéo léo, suốt đời nó sẽ luôn hướng thiện, nên người.
Biết ơn sâu sắc, cô giáo Ly của Bảo béo!".
Sẽ không ai trách cứ một đứa trẻ chưa hiểu rõ hành vi của mình là sai, càng phải dành lời khen cho sự trưởng thành của con gái Hiền Thục. Bên cạnh đó, phản ứng của Hiền Thục khi nghe con kể lại câu chuyện sau nhiều năm, đặc biệt là cách giải quyết của cô giáo mới chính là điều để mọi người rút ra bài học về cách giáo dục con hiệu quả trong từng độ tuổi.
Con nằm vạ giữa nơi công cộng
Ở độ tuổi khi trẻ từ 3 - 5 tuổi, chắc hẳn bố mẹ nào cũng đã ít nhiều trải qua cảm giác con không hợp tác, thậm chí còn quấy khóc và "ăn vạ" bất chấp ở nơi đông người. Những hành động này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể đến từ sự nuông chiều của bố mẹ khiến hành động này trở thành thói quen của con mỗi lần con muốn được làm theo ý mình. Ngoài ra, đây cũng được xem là những phản ứng tự nhiên ở trẻ và sẽ được khắc phục qua cách giáo dục của bố mẹ.
Nhắc đến tình huống này, cộng đồng mạng sẽ nhớ ngay đến bức ảnh quý tử nhà diva Thu Minh nằm vạ giữa sảnh siêu thị khiến mọi người xung quanh đều hướng mắt nhìn. Tuy nhiên, không như số đông các bố mẹ sẽ lập tức xử phạt con tại nơi đông người hay đáp ứng yêu cầu của con cho qua chuyện và đỡ gây chú ý đến mọi người xung quanh... Thu Minh không hề có phản ứng gì và còn thản nhiên chụp lại bức ảnh này. Điều này cho thấy sự cứng rắn, nghiêm khắc trong cách dạy con của nữ diva.
Thu Minh không bận tâm đến những ánh mắt xung quanh đang nhìn con trai mình, cũng không chọn cách chiều con cho qua chuyện.
Thực tế dù có là con sao Việt hay những đứa trẻ khác thì việc các bé dùng chiêu ăn vạ nơi đông người đã quá quen thuộc. Tuy vậy, cách xử lí của bố mẹ khi gặp trường hợp này lại quyết định rất nhiều đến việc hình thành tính cách của con. Vì vậy, với mỗi đứa trẻ ở từng độ tuổi và còn tùy thuộc vào tính cách của con sẽ có những phương pháp giáo dục riêng và quan trọng nhất vẫn là việc quan sát, lớn lên cùng con của bố mẹ.