Đôi khi có những sự việc đúng hay sai không còn quan trọng và không được mọi người tranh cãi nhiều bằng cách giải quyết của người đó ra sao, nhất là những người đã làm cha làm mẹ để qua đó là tấm gương sáng cho các con noi theo. Đơn cử như một câu chuyện mới xảy ra với ông bố 3 con - vận động viên bóng chày nổi tiếng Anthony Bass.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền bài viết của vận động viên bóng chày nổi tiếng Anthony Bass tố tiếp viên hãng hàng không United Airlines đã bắt cô vợ mang bầu của anh phải cúi xuống để nhặt bỏng ngô vương vãi trên sàn máy bay, do các con của Anthony làm rơi.
Nguyên văn dòng trạng thái mà vận động viên này chia sẻ trên Twitter như sau: "Tiếp viên đã bắt người vợ đang mang thai 22 tuần của tôi phải quỳ gối nhặt đống bỏng ngô do 2 đứa con 5 tuổi và 2 tuổi làm rơi trên sàn máy bay. Các bạn đùa tôi à?". Chỉ một dòng trạng thái bình thường nhưng câu chuyện của Anthony nhanh chóng trở thành đề tài gây tranh cãi khắp mạng xã hội.
Bức ảnh mà vận động viên bóng chày đăng tải cùng dòng trạng thái gây tranh cãi
Theo CNN, người vợ của Anthony đang trải qua một thai kỳ nhiều rủi ro về sức khỏe. Khi được chị gái hỏi chuyện về vụ việc "nhặt bỏng ngô trên máy bay", cô đã bật khóc và cảm thấy bị sỉ nhục lúc đang kiệt sức với 2 đứa con của mình, trước sự chứng kiến của mọi người.
Bên dưới bài đăng của Anthony Bass, đại diện hãng hàng không United Airlines đã nhanh chóng phản hồi vụ việc, khẳng định sẽ kiểm tra rõ vấn đề này. Hiệp hội Tiếp viên hàng không, đại diện cho United Airlines cũng cho biết: "Các nhân viên và khách du lịch của chúng tôi chia sẻ cùng một không gian. Chúng tôi muốn không gian này phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người trên máy bay và cần có các quy tắc an toàn nghiêm ngặt. Chúng tôi không thể làm điều đó một mình", CNN dẫn lại thông báo.
Vốn dĩ là một người nổi tiếng nên dòng trạng thái của Anthony trở thành nguồn cơn tranh cãi của những người sử dụng mạng xã hội. Hầu hết các ý kiến đều thông cảm với vợ của Anthony vì phụ nữ mang thai, người già, trẻ em luôn là những đối tượng được ưu tiên hàng đầu khi sử dụng các dịch vụ công cộng. Nhưng thay vào đó, người hứng chỉ trích không ai khác lại chính là vận động viên bóng chày, bởi anh là người ở đó, chứng kiến nhưng tại sao không giúp đỡ vợ dọn dẹp hiện trường của con để lại.
Gia đình hành phúc của vận động viên bóng chày Anthony
"Nếu bạn đã định cho con mình ăn bỏng ngô thì cũng phải sẵn sàng nhặt các hạt rơi vãi". Một người khác bình luận: "Phụ nữ mang thai vẫn có thể cúi xuống. Nếu bạn không muốn làm thế thì tốt nhất là không cho con ăn bỏng ngô trên máy bay".
Thậm chí một người tự nhận là tiếp viên hàng không còn gay gắt: “Tiếp viên hàng không có mặt trên máy bay để đảm bảo an toàn cho bạn, không phải để dọn rác cho bạn hoặc con bạn”.
Mặt khác, cũng có cư dân mạng khẳng định "Trách nhiệm của ngành dịch vụ là làm hài lòng khách hàng, hơn nữa rõ là cô ấy đang mang thai".
Số khác cho rằng với câu chuyện của Anthony, chắc chắn không ít phụ huynh gặp trường hợp tương tự trong cuộc sống hàng ngày. Những lúc như vậy, nếu không có cách giải quyết đúng đắn, ít nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi của trẻ sau này.
Trong trường hợp này, nếu vận động viên bóng chày có cách xử lý "biết điều" hơn như cùng các con cúi xuống nhặt bỏng ngô rơi vãi và dạy con biết chú ý tới cách hành xử và chịu trách nhiệm với hành vi của bản thân nơi công cộng, thì có lẽ câu chuyện sẽ êm đẹp hơn. Lúc này hình ảnh người cha trong mắt con trẻ sẽ vô cùng có giá trị, khiến người vợ mang bầu không phải chịu những ấm ức không đáng có và những người xung quanh cũng có cái nhìn thiện cảm.
Chắc chắn sau sự việc lần này, người đàn ông này sẽ có cách dạy con tốt đẹp hơn
Trẻ em như tờ giấy trắng, đôi khi chúng hoàn toàn không biết những hành động của mình là đúng hay sai, vì vậy nhiệm vụ của cha mẹ là phải giáo dục cho con những nguyên tắc hành xử nơi công cộng, điều mà trẻ con các nước phương Tây được giáo dục từ rất sớm: Giữ gìn trật tự nơi công cộng, xếp hàng chờ đến lượt, biết chào hỏi - cảm ơn - xin lỗi, tôn trọng sự riêng tư của người khác...
Theo các chuyên gia, giáo dục con cách ứng xử nơi công cộng “không bao giờ là quá sớm”. Ngay cả trẻ từ khi biết nhận thức, bố mẹ có thể đặt ra cho con những nguyên tắc nho nhỏ, cương quyết và nghiêm túc yêu cầu con áp dụng để con quen dần, không nuông chiều, không thả nổi theo con vô điều kiện.
Hành vi của những đứa trẻ chính là tấm gương phản chiếu lại cách giáo dục và hành xử của chính bố mẹ. Những đứa trẻ hành xử vô tổ chức, thiếu chuẩn mực, chắc chắn bố mẹ cũng sẽ bị đánh giá là thiếu văn hóa. Chưa kể, lối hành xử này còn có thể hình thành nên tính cách, dẫn đến những lệch lạc trong hành vi khi trưởng thành.