Khi không muốn sinh thêm con, nhiều người đàn ông đã chủ động đi triệt sản (hay còn gọi là thắt ống dẫn tinh). Vợ chồng anh Dương, chị Hoàng (tên các nhân vật đã thay đổi) sống ở quận Phổ Đà, Thượng Hải, Trung Quốc, tuy chỉ có với nhau một cậu con trai vào năm 2013, nhưng do áp lực cuộc sống và công việc nên cả hai cũng quyết định không sinh thêm con. Vì vậy, vào tháng 10/2019, anh Dương tới một bệnh viện tư nhân ở Thượng Hải để triệt sản.
Hai tháng sau, người chồng đi tái khám thì phát hiện tổng số tinh trùng còn 49 triệu, nồng độ tinh trùng là 3 triệu/ml (thông thường 1ml tinh dịch chứa từ 15 triệu đến hơn 200 triệu tinh trùng). Nhận kết quả này, người đàn ông cẩn thận hỏi bác sĩ Lý, giám đốc khoa tiết niệu của bệnh viện rằng khả năng vợ anh mang thai sau khi anh triệt sản là bao nhiêu %?
Nhận thấy tinh trùng của bệnh nhân ngày càng ít và hầu hết số tinh trùng hiện tại đều đã chết, chỉ có một số nhỏ còn sống sót trong điều kiện bình thường, nhưng với nồng độ và sức sống như vậy thì không thể đáp ứng được yêu cầu cho việc thụ thai nên bác sĩ khẳng định vợ anh sẽ không thể mang thai được. Lời giải thích của bác sĩ Lý khiến anh Dương an tâm hơn nhiều, nên trong suốt 2 tháng sau đó anh quan hệ tình dục với vợ mà không hề áp dụng biện pháp tránh thai nào khác. Không ngờ rằng, tới tháng 2/2020, tức chỉ 5 tháng sau khi anh Dương triệt sản, vợ anh lại bất ngờ mang thai.
Anh Dương tuy đã triệt sản nhưng vợ vẫn mang thai.
Tới ngày 23/2/2020, người đàn ông quay trở lại bệnh viện nói rõ mọi chuyện với bác sĩ Lý. Dù vợ mang thai ngoài ý muốn nhưng anh không bắt bệnh viện phải chịu trách nhiệm, chỉ cần kiểm tra lại cho anh là được. Ngày hôm sau, bệnh viện đã chuyển hồ sơ của vợ anh tới bệnh viện hạng A để chị đình chỉ thai kỳ.
Trong quá trình vợ hồi phục sức khỏe, anh Dương cũng tới bệnh viện để làm thử nghiệm phân tích tinh trùng và kết quả khiến anh vô cùng bối rối. Bởi so với tháng 12/2019, nồng độ tinh trùng của anh không những không giảm mà còn tăng lên, tổng số tinh trùng đã tăng từ 3.2 triệu/ml lên 19.2 triệu/ml. Ngoài ra, 72.75% tinh trùng có hình thái bình thường.
Vào ngày 23/4, bác sĩ nói rằng ca phẫu thuật trước đó của anh không thành công và phía bệnh viện sẽ làm thủ thuật lại cho anh mà không lấy phí. Rút kinh nghiệm từ lần trước, anh Dương nhấn mạnh với bệnh viện rằng lần này phải làm triệt để cho anh. Lần này, phương pháp thắt ống dẫn tinh cũng được chuyển sang đường cắt an toàn hơn.
Hai tháng sau ca phẫu thuật, ông bố 1 con đến bệnh viện để kiểm tra tinh trùng định kỳ. Kết quả cho thấy, nồng độ tinh trùng của anh giảm xuống còn 4.2 triệu/ml. Dù chưa sạch tinh trùng hoàn toàn nhưng anh Dương tin rằng lần này anh đã phẫu thuật thành công.
Anh Dương triệt sản lần 2, ngỡ sẽ thành công nhưng vợ anh lại tiếp tục mang thai. Ảnh minh họa
Không ngờ rằng, vợ của anh lại bất ngờ mang thai lần nữa vào cuối tháng 5/2021. “Việc này thật khó tin. Hơn nữa, việc hai lần mang thai ngoài ý muốn cũng ảnh hưởng nhất định tới chuyện chăn gối giữa vợ chồng tôi. Tôi muốn kiện bệnh viện kia”, người đàn ông chia sẻ với phóng viên.
Sau đó, vợ chồng anh đã tới bệnh viện thuộc Đại học Đồng Tế để đình chỉ thai kỳ lần nữa. Phá thai liên tiếp khiến sức khỏe của người vợ kém hơn trước rất nhiều, giữa hai vợ chồng cũng nảy sinh nghi ngờ. Cuối cùng, người chồng quyết định tới một bệnh viện khác để kiểm tra tinh trùng.
Báo cáo mà bác sĩ đưa ra cho thấy, các chỉ số của anh Dương rất cao, điều này có nghĩa là anh đã bình phục trở lại và anh có thể có con mà không gặp phải vấn đề gì. Tuy nhiên, rõ ràng điều anh muốn là tránh thai và không muốn có con. Tức giận, người đàn ông đã nhờ phòng viên tới bệnh viện tìm câu trả lời vào ngày 28/7 nhưng bị từ chối.
Sau đó, bệnh viện trả lời lại bằng văn bản nói rằng các lần kiểm tra đều cho thấy việc thắt ống dẫn tinh có hiệu quả. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng khẳng định rằng dù có áp dụng phương pháp thắt nào thì việc để tinh trùng triệt tiêu hoàn toàn vẫn cần phải có quá trình xử lý, vì sau khi thắt, một phần tinh trùng vẫn sẽ được lưu lại trong túi tinh. Quá trình đào thải tinh trùng sẽ mất hơn một năm, thời gian dài ngắn tùy từng người và về vấn đề này bệnh viện đã thông báo rõ ràng với bệnh nhân.
Trước sự việc này, phóng viên cũng liên hệ với một số bệnh viện hàng đầu ở Thượng Hải để xác minh. Các chuyên gia cho biết, triệt sản là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất trong các biện pháp tránh thai. Chỉ có khoảng 15 trong số 10.000 cặp đôi có thai trong năm đầu tiên sau khi thắt ống dẫn tinh. Chỉ số tinh trùng sau 3 tháng phẫu thuật là 0 thì được coi là phẫu thuật thành công.
Triệt sản nam là gì và hiệu quả thế nào? Triệt sản hay đình sản nam một trong những phương pháp tránh thai an toàn và hiệu quả. Thực chất, đây là một thủ thuật ngoại khoa đơn giản thắt ống dẫn tinh, tức là chặn đường đi của tinh trùng từ tinh hoàn ra túi tinh. Như vậy, khi 2 vợ chồng quan hệ tinh dịch vẫn được xuất như bình thường nhưng không có tinh trùng, người vợ sẽ không thể thụ thai được. Phần tinh trùng không thể di chuyển sẽ đọng lại trong ống sinh tinh, mào tinh và một phần dưới ống dẫn tinh sau đó tự tiêu đi. Phương pháp này có hiệu quả ngừa thai gần như tuyệt đối. Tuy nhiên có thể có tỉ lệ nhỏ thất bại (tỉ lệ này dưới 1%). Nguyên nhân có thể do kỹ thuật tiến hành không đúng, do hai đầu của ống dẫn tinh tự thông nối lại, tinh trùng còn sót lại trong đường sinh dục nam sau khi thắt ống dẫn tinh. Đặc biệt, một vấn được nhiều quý ông quan tâm là triệt sản nam có làm ảnh hưởng sinh lý không thì câu trả lời là hoàn toàn không. Khi ống dẫn tinh bị thắt, người đàn ông vẫn ham muốn, đạt cực khoái, phóng tinh như bình thường. |