Trẻ có những nhận định riêng về thức ăn và phản ứng với chuyện ăn uống rất khác nhau, từ đó hiện tượng biếng ăn ở trẻ cũng xảy ra rất phổ biến hơn.
Để biết con mình có gặp triệu chứng biếng ăn hay không, các bậc phụ huynh có thể theo dõi thời gian bữa ăn, cân nặng của trẻ.
Cha mẹ cần biết cần nhận biết và điều trị sớm vì nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Hãy chú ý quan sát và tìm hiểu để nhận biết những triệu chứng khi con biếng ăn, từ đó có những giải pháp kịp thời.
Trẻ nhẹ cân hơn so với cân nặng chuẩn
Biếng ăn ở trẻ là một rối loạn ăn uống thường gặp ở trẻ nhỏ, là một tình trạng rất phổ biến, đặc biệt là khi trẻ 2 tuổi. Nhiều bậc phụ huynh thường đau đầu, lo lắng khi trẻ biếng ăn, bởi trẻ nhỏ ở giai đoạn này phát triển rất nhanh và cần nạp đủ dinh dưỡng để thuận lợi lớn lên.
Thường xuyên theo dõi cân nặng và so sánh với cân nặng chuẩn của WHO sẽ giúp cha mẹ phát hiện ra xem trẻ có phát triển đúng chuẩn hay không.
Biếng ăn ở trẻ là một rối loạn ăn uống thường gặp ở trẻ nhỏ, là một tình trạng rất phổ biến, đặc biệt là khi trẻ 2 tuổi.
Cha mẹ nên ghi biểu đồ thể hiện cân nặng và chiều cao của trẻ, điều này sẽ giúp phụ huynh tiện theo dõi quá trình phát triển của con và can thiệp khi cần thiết.
Theo chuẩn phát triển trẻ em năm 2007 của WHO, bé trai 2,5 tuổi sẽ nặng khoảng 13,3 kg và cao khoảng 91,9 cm.
Cân nặng của bé gái 2,5 tuổi thì vào khoảng 12,7 kg và bé sẽ cao ở mức trung bình 90,7 cm. Nếu trẻ đang nằm dưới mức chuẩn này thì có thể trẻ đã bị “thua kém” về thể chất do biếng ăn,.cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và tham vấn lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng.
Trẻ chỉ ăn một vài thức ăn nhất định
Một số bé cảm thấy e ngại khi thử những món mới, đây là dấu hiệu trẻ biếng ăn phổ biến. Món mới tuy lạ miệng, nhưng cũng có thể khiến trẻ e ngại, việc thử nghiệm món mới cha mẹ nên cẩn trọng, thử từng chút một để trẻ làm quen.
Đồng thời, khi bổ sung thêm một món mới vào khẩu phần ăn thì trẻ ăn ít hẳn và luôn tỏ ra bất hợp tác khi ăn. Do đó, cha mẹ chỉ nên thử thật ít, từng chút một các món ăn đa dạng khác nhau cho bé làm quen.
Sau đó, tăng dần số lượng lên vào lần sau, khi bé cảm thấy “an toàn” để nếm nhiều hơn, chứ không nên từ đầu đã ép bé ăn thật nhiều một món mà bé chưa quen thuộc.
Trẻ biếng ăn lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, ảnh hưởng quá trình phát triển thể chất.
Trẻ thường có biểu hiện quấy nhiễu trong giờ ăn
Thông thường, trẻ cần phải ăn chậm nhai kỹ, mỗi bữa ăn mất khoảng 20 phút để ruột và dạ dày có thời gian tiết đầy đủ các dịch tiêu hóa. Song, nếu mỗi bữa ăn của trẻ kéo dài quá 30 phút thì đây có thể xem là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo chứng biếng ăn.
Chúng ta cũng dễ dàng gặp tình trạng trẻ khóc quấy, ngậm thức ăn thật lâu, chạy tới chạy lui chẳng chịu ngồi ăn yên trong các bữa ăn.
Các hành động như ho, la khóc, lấy tay che miệng khi mẹ đút thức ăn, ngậm chặt miệng, nhè, phun thức ăn, khóc lóc, ho, nôn ói … trong giờ ăn là những biểu hiện trẻ đang gặp vấn đề biếng ăn, sợ ăn. So với các bé cùng lứa tuổi, bé cũng ăn ít hơn hẳn. Khi gặp phải những triệu chứng này, cha mẹ nên tham vấn ý kiến chuyên gia để có phương pháp điều chỉnh phù hợp.
Để giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về những vấn đề xung quanh việc trẻ bị chán ăn, suy dinh dưỡng, bác sĩ Lê Ngọc Hồng Hạnh, bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ có những giải đáp xung quanh vấn đề này.
Bác sĩ Lê Ngọc Hồng Hạnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Thưa bác sĩ, những nguyên nhân nào khiến nhiều trẻ nhỏ chán ăn, suy dinh dưỡng?
Biếng ăn là hiện tượng giảm cảm giác thèm ăn, trẻ ăn ít hơn bình thường, thời gian ăn kéo dài (trên 30 phút cho một bữa ăn), chỉ ăn thức ăn chọn lọc, thậm chí không chịu ăn, sợ ăn khi nhìn thấy thức ăn.
Nguyên nhân biếng ăn có thể do liên quan dinh dưỡng, tâm lý hoặc bệnh lý.
Biếng ăn liên quan dinh dưỡng như:
- Bị ép ăn quá nhiều,
- Ăn bổ sung sớm,
- Thay đổi thức ăn đột ngột,
- Khẩu phần ăn thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Vitamin, kẽm, sắt, lysin… là thành phần không thể thiếu trong hoạt động của các enzyme trong cơ thể, trong đó có enzyme giúp tiêu hóa và kích thích sự thèm ăn. Do đó trẻ bị thiếu các vi chất này do chế độ ăn không đủ hoặc chế độ ăn bị lệch sẽ dẫn đến biếng ăn)
- Thức ăn không hợp khẩu vị của trẻ hoặc chế biến thức ăn đơn điệu (trẻ có thể thích nấu khô, để rời từng món, có trẻ thích nấu mền loãng...
Biếng ăn liên quan tâm lý như:
- Thay đổi môi trường, giờ ăn, nơi ăn, người cho ăn,
- Trẻ được nuông chiều
- Bố mẹ ít quan tâm, chăm sóc trẻ
- Quát mắng, dọa nạt trẻ khi ăn
- Trẻ đã từng bị sặc, ói trước đây dẫn đến sợ ăn
Biếng ăn do các yếu tố bệnh lý:
- Trẻ bị sâu răng, tưa miệng, viêm loét miệng, nấm miệng
- Trẻ đang bị bệnh như viêm phổi, tiêu chảy, giun sán…và một số bệnh mạn tính.
Ngoài ra, trẻ thiếu vận động cũng dẫn đến tình trạng biếng ăn.
Thưa bác sĩ, trẻ chán ăn, suy dinh dưỡng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ như thế nào?
Trẻ biếng ăn bị thiếu hụt các vi chất quan trọng như các loại vitamin, kẽm, sắt dẫn đến hệ miễn dịch yếu, trẻ dễ bị bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, viêm tai giữa…
Trẻ thiếu vi chất làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn, giảm sự thèm ăn, làm cho trẻ không hấp thu được toàn bộ chất dinh dưỡng, tạo thành một vòng luẩn quẩn chán ăn suy dinh dưỡng và thiếu chất dẫn đến biếng ăn nhiều hơn.
Trẻ biếng ăn thường có nguy cơ chậm phát triển tâm thần vận động so với những đứa trẻ khác cùng tuổi. Thiếu hụt năng lượng làm giảm khả năng tập trung, khả năng học tập và ghi nhớ của trẻ.
Đặc biệt trong giai đoạn trước 6 tuổi, đặc biệt là trước 3 tuổi, là giai đoạn não bộ phát triển mạnh, biếng ăn dẫn đến thiếu những chất quan trọng, làm cho não không thể phát triển toàn vẹn.
Tình trạng biếng ăn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, trẻ nhỏ người, chiều cao và cân nặng không đạt chuẩn.
Trẻ biếng ăn dễ gặp các vấn đề về sức khỏe như: rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, giảm mật độ xương và mất cân bằng hormone.
Giải pháp nào cho trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng? (Bác sĩ có thể gợi ý chế độ ăn uống, cách thức cho trẻ ăn, chế độ sinh hoạt, vận động...)
Từ phân tích nguyên nhân ở trên, trẻ biếng ăn có thể do một hoặc nhiều yếu tố kết hợp. Giải pháp cho trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng phụ thuộc vào từng nguyên nhân.
Nếu trẻ biếng ăn thoáng qua do đang bị sốt, nhiễm bệnh, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh. Khi đã hết bệnh, trẻ sẽ ăn uống lại bình thường.
Đối với nhóm nguyên nhân tâm lý hay liên quan dinh dưỡng, việc điều chỉnh thói quen ăn uống và bổ sung dinh dưỡng đòi hỏi mất nhiều thời gian hơn. Cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau:
Chăm sóc dinh dưỡng hợp lý:
- Cho trẻ bú mẹ, tăng số lần cho bú đối với trẻ < 1 tuổi, còn đang bú mẹ.
- Thức ăn bổ sung có đủ 4 nhóm thực phẩm: đạm, tinh bột, rau quả, dầu ăn/ chất béo.
- Tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới
- Chế biến món ăn phù hợp khẩu vị và lứa tuổi
- Luôn thay đổi món ăn
Xây dựng thực đơn:
- Ăn nhiều bữa nếu trẻ ăn ít mỗi bữa
- Tăng dần lượng đạm và năng lượng trong khẩu phần
- Chọn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa…
- Bữa ăn có đủ 4 nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm, dầu mỡ, rau củ)
- Thêm trái cây hoặc nước ép hoa quả.
Chăm sóc tâm lý:
- Không quá nuông chiều hoặc ép buộc, nhồi nhét trẻ ăn. Việc ép buộc trẻ phải ăn nhiều hơn nhu cầu làm trẻ phát sinh tâm lý chống đối hoặc sợ hãi.
- Cho trẻ ăn thức ăn theo sở thích. Có thể khuyến khích trẻ phụ mẹ chuẩn bị bữa ăn, hoặc cho bé vài sự lựa chọn món ăn ưa thích trước khi nấu, điều này giúp tăng độ kích thích và mong chờ bữa ăn.
- Tạo cho trẻ tâm lý thoải mái khi thay đổi môi trường, người cho ăn
- Ăn cùng bạn hoặc ăn cùng mâm với gia đình
- Trò chuyện tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn
- Động viên, khuyến khích trẻ ăn.
Chú ý không để trẻ nhịn đói lâu, cũng không cho trẻ uống nước ngọt, ăn bánh kẹo trước bữa ăn, hạn chế ăn vặt.
Bạn có thể cho trẻ ăn trái cây, sữa chua thay cho bánh kẹo ở các bữa ăn phụ. Tăng cường vận động thể lực, các hoạt động vui chơi ngoài trời, đặc biệt là các hoạt động gia đình cùng nhau để tăng sự gắn kết, tạo không khí vui vẻ và cảm giác ăn ngon miệng hơn.
Ngay từ đầu, cha mẹ nên làm gì để giảm thiểu tình trạng trẻ chán ăn dẫn đến suy dinh dưỡng, bác sĩ có lời khuyên nào cho cha mẹ giúp nuôi dưỡng con khỏe mạnh hơn?
- Cha mẹ cần tạo không khí vui tươi tại bàn ăn, tránh căng thẳng. Hãy làm sao để bé thấy rằng được ăn là niềm vui, giống như chơi một trò chơi vậy.
- Nên khuyến khích trẻ tự xúc ăn. Phần lớn các bé sẽ ăn nhiều hơn khi để chúng tự xúc ăn. Cha mẹ hay người chăm sóc thường sợ trẻ sẽ làm rơi nhiều thức ăn, làm bẩn quần áo, bàn ăn, nền nhà… do đó không cho trẻ tự xúc ăn. Việc này ngược lại làm cho bé cảm thấy chán, không muốn ăn.
- Cần đa dạng thực phẩm để trẻ không bị chán ăn và thiếu chất. Kiên nhẫn với bé khi thử đồ ăn mới.
- Trẻ cần có môi trường ăn cố định như ngồi trên ghế tập ăn/ bàn ăn cho trẻ em, trong phòng bếp hoặc nhà ăn. Không nên cho trẻ ăn ở mọi nơi trong nhà, hay vừa ăn vừa chơi, vừa đẩy xe, xem điện thoại... vì như vậy trẻ sẽ không thể tập trung tinh thần cho việc ăn uống từ đó không có cảm giác thèm ăn. Nhưng đôi khi tổ chức một bữa ăn gia đình trong sân vườn hay đi dã ngoại có thể làm tăng sự hứng thú của trẻ.
- Chú ý thời gian cho mỗi bữa ăn: Đối với những bé năng động, rất khó để bé ngồi im trong suốt bữa ăn. Theo đó, dù bé có ăn ít đi chăng nữa nhưng bố mẹ cũng chỉ nên cho bữa ăn kéo dài trong khoảng 30 phút. Nhờ đó, bé không chỉ tránh được áp lực tâm lý mà còn kích thích khả năng tự điều chỉnh lượng thức ăn cần nạp vào cơ thể của trẻ.
- Bố mẹ cần thiết kế giờ ăn của bé khoa học, tốt nhất nên cách khoảng từ 4 - 5 tiếng bởi: nếu khoảng cách giữa các bữa ăn quá gần: Bé sẽ chưa có cảm giác đói. Nếu khoảng cách giữa các bữa ăn quá xa hoặc bố mẹ bỏ đói bé: Làm tình trạng biếng ăn thêm xấu đi do bé đã cảm thấy mệt.
- Không nên để trẻ ăn vặt giữa các bữa ăn, một vài viên kẹo, 1 gói snack có thể làm cho bạn cảm giác không là gì nhưng thực tế lại ảnh hưởng rất nhiều đến sự ngon miệng của trẻ. Thay vào đó, bạn hãy cho trẻ ăn trái cây, sữa chua ở bữa ăn phụ, vừa có thể kích thích tiêu hóa, vừa bổ sung vitamin.