Hội chứng 'xác chết biết đi không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng trong các bộ phim kinh dị The Walking Dead đã "làm mưa làm gió" trên truyền hình từ năm 2010. Các nhà khoa học khẳng định, zombie được xây dựng trong phim là hoàn toàn có thật, nhưng không phải như trong phim, mà zombie thực sự tồn tại ngoài đời thật dưới cái tên hội chứng Cotard.
Hội chứng Cotard hay hội chứng "xác chết biết đi", là một dạng rối loạn tâm thần hiếm gặp, trong đó bệnh nhân có ảo tưởng rằng mình "thật sự" đã chết, cơ thể thối rữa, hay máu và các cơ quan nội tạng không còn nữa…
Theo công bố từ tạp chí New Scientist, trường hợp một người đàn ông tên là Graham tự nhận mình đã chết cách đây một thập niên. Các nhà khoa học cho rằng, người này mắc phải hội chứng Cotard hay "xác chết biết đi".
Ông Graham Harrison lang thang ở nghĩa trang 9 năm vì nghĩ mình đã chết. (Ảnh: Daily Mail)
Được biết, năm 57 tuổi, Graham Harrison được phát hiện bị mắc căn bệnh quái dị nhất thế giới, ông luôn nghĩ rằng mình đã chết dù vẫn hít thở hàng ngày. "Tâm trí tôi trống rỗng, tôi không còn thấy vui vẻ với bất kỳ điều gì. Thậm chí, việc đối diện với người khác cũng khiến tôi cảm thấy khó khăn", ông Graham trả lời phỏng vấn Tạp chí New Scientist.
Những điều kỳ quái bắt đầu xuất hiện trong cơ thể ông sau thời gian chống chọi với bệnh trầm cảm nặng. Ông bỗng cảm thấy bộ não của mình đã chết hoặc biến mất. Thói quen hút thuốc hay ăn uống trước đây của Graham cũng không còn. Ông ngừng các hoạt động bình thường vì cảm thấy "chẳng còn nghĩa lý gì khi đã chết".
Graham thường xuyên lui tới nghĩa trang như một thành viên của nơi đây. Tâm trí hỗn loạn và không mục đích sống, ông cố gắng tự sát bằng cách giật điện nhưng không thành. Chính cơn chấn động này đã dẫn tới tình trạng zombie của ông. Các bác sĩ cho rằng Graham đã mắc chứng Cotard hay còn gọi là hội chứng "xác chết biết đi".
Nghiên cứu về tình trạng bệnh của Graham, các bác sĩ phát hiện mức hoạt động của não bộ thấp ngang bằng với những người bị rơi vào trạng thái thực vật. Sau khi được điều trị, Graham dần phục hồi sau 9 năm, cuối cùng ông cũng trở lại cuộc sống như người bình thường.
Trong trường hợp khác, một bệnh nhân bị hội chứng Cotard sau tai nạn môtô dẫn đến chấn thương sọ não. Tháng 1/1990, sau khi được xuất viện ở Edinburgh (Scotland), người này được mẹ đưa đến châu Phi. Bệnh nhân luôn khẳng định mình bị đưa đến địa ngục (do khí hậu nóng bức), bệnh nhân này đã chết vì nhiễm trùng máu hay AIDS. Trước kia, bệnh nhân có đọc câu chuyện về một người bị AIDS chết do nhiễm trùng máu.
Năm 2005, một bệnh nhân nữ ở Ấn Độ mới 14 tuổi cũng mắc phải hội chứng Cotard do bệnh động kinh, và có tiền sử bệnh trầm cảm. Cô bé cũng hay nói về cái chết và tuyên bố mình là xác chết biết đi. Thậm chí, cô bé còn cảnh báo thế giới sẽ bị diệt vong trong vài giờ nữa.
Theo báo cáo của bác sĩ điều trị, cô bé không có phản ứng với những kích thích đặc biệt, hoàn toàn không quan tâm đến bất kỳ hoạt động xã hội nào. Các chuyên gia cho rằng, hội chứng Cotard có mối liên quan với một hội chứng sinh ra do sự ngắt kết nối giữa các vùng não.
Hội chứng Cotard dưới cách nhìn của khoa học
Hội chứng Cotard rất hiếm gặp, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thống kê chính xác số người mắc bệnh. Một nghiên cứu tại Hồng Kông trên 349 bệnh nhân tâm thần cho thấy tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 0,57% dân số.
Những người mắc hội chứng Cotard thường sống trong ảo tưởng rằng mình không có tim, máu, phổi và đã chết dù bản thân vẫn hít thở hàng ngày. Trong nhiều trường hợp, một số bệnh nhân cho rằng mình là người bất tử.
Các triệu chứng của hội chứng "xác chết biết đi" không đồng nhất. Nhà nghiên cứu Yamada Katsuragi và các đồng nghiệp đã nỗ lực nghiên cứu để tìm ra ba giai đoạn của chứng bệnh này vào năm 1999, đó là nảy mầm, nở hoa và mạn tính. Theo báo cáo thống kê thu được người mắc hội chứng Cotard thường trầm cảm, luôn trong tình trạng lo lắng và mặc cảm tội lỗi.
Để điều trị hội chứng xác chết biết đi, y bác sĩ sử dụng sốc điện bên cạnh thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần để kiểm soát triệu chứng. Một báo cáo năm 2008 kết luận người bệnh phản ứng với liệu pháp sốc điện tốt hơn dược lý. Cho đến nay, hội chứng Cotard vẫn để lại nhiều câu hỏi trong khi giới khoa học tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân thực sự cùng cách thức chữa bệnh.