Thịt là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người dân nhiều quốc gia. Từ nguyên liệu thịt người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn cho mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già. Tuy nhiên, không phải tiêu thụ thịt như thế nào cũng tốt, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có một số loại thịt làm tăng nguy cơ mắc ung thư cho người dùng.
Ăn nhiều thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc ung thư. (Ảnh minh họa)
Cụ thể vào năm 2015, WHO thống kê rằng mỗi năm có khoảng 34.000 ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới vì thường xuyên tiêu thụ các sản phẩm thịt chế biến sẵn. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO cũng phân loại thịt chế biến sẵn vào nhóm 1, cùng nhóm với thuốc lá và bụi khói công nghiệp. Như vậy có nghĩa là đã có đầy đủ bằng chứng về việc loại thực phẩm này có khả năng gây ung thư cho con người.
WHO định nghĩa, thịt chế biễn sẵn là các loại thịt đã bị biến đổi thông qua quá trình ướp muối, sấy khô, lên men, xông khói, hoặc các quá trình xử lý khác để tăng hương vị hoặc để bảo quản được lâu hơn. Một số loại thịt chế biến phổ biến là: Thịt nguội, xúc xích, thịt muối, thịt khô, thịt đóng hộp, các loại nguyên vật liệu chế biến (chế phẩm), nước sốt từ thịt, …
Kết quả nghiên cứu của IARC cho thấy mỗi người tiêu thụ 50g thịt chế biến sẵn hàng ngày (tương đương với khoảng 4 miếng thịt xông khói hoặc 1 chiếc xúc xích) thì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng sẽ tăng lên khoảng 18%. Ăn quá nhiều thực phẩm này còn có thể gây ung thư dạ dày.
Nguyên nhân là bởi thịt chế biến sẵn chứa nhiều chất phụ gia, có thể chứa các hóa chất hình thành trong quá trình chế biến, ví dụ như hợp chất N-nitroso và hydrocarbon thơm đa vòng, gây tổn thương ADN và phát triển ung thư. Ngoài ung thư, tiêu thụ thịt chế biến sẵn còn liên quan đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng như huyết áp cao, bệnh tim, tiểu đường…
Không chỉ thịt chế biến sẵn, thịt đỏ cũng là thực phẩm chúng ta nên hạn chế ăn. Theo đó, những loại hóa chất có hại trong thịt đỏ (thịt bò, cừu, heo, trâu...) làm suy yếu hoạt động của tế bào và tăng nguy cơ ung thư. Chất haem, một sắc tố đỏ được tìm thấy tự nhiên trong thịt đỏ, có thể làm suy yếu các tế bào và khiến vi khuẩn trong cơ thể sản xuất các hóa chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư.
Nitrat và nitrit thường được sử dụng để giữ cho thịt được tươi ngon lâu hơn. Khi chúng ta ăn thịt đỏ được giữ đông, bảo quản lâu nitrit có thể được chuyển đổi thành hóa chất gây ung thư (hợp chất N-nitroso hoặc NOC). IARC báo cáo rằng ăn thịt đỏ có thể gây ung thư đại trực tràng, ngoài ra nó cũng liên quan đến ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt
Các nghiên cứu cũng phát hiện trong thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa có chứa loại đường Neu5Gc. Khi Neu5Gc được cơ thể hấp thụ, hệ thống miễn dịch sẽ liên tục sản sinh ra kháng thể và cơ thể sẽ có phản ứng viêm. Nếu ăn nhiều thịt đỏ liên tục trong thời gian dài, tình trạng viêm nhiễm liên tục có nguy cơ hình thành các khối u. Nói chung ăn càng ít thịt đỏ thì nguy cơ ung thư càng thấp, vì vậy việc cắt giảm sẽ tốt cho sức khỏe của bạn về lâu dài.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn uống lành mạnh nhất là một chế độ ăn uống cân bằng. Nhiều khuyến nghị sức khỏe vẫn khuyên mọi người có thể ăn thịt đỏ nhưng cần hạn chế. Thay vào đó, chúng ta nên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại thịt trắng.
Thịt trắng được nhiều chuyên gia khuyến khích ăn thay cho thịt đỏ. (Ảnh minh họa)
Thịt trắng bao gồm thịt gà, vịt, ngỗng và các loại gia cầm khác, cũng như hải sản, động vật giáp xác, động vật có vỏ,…. Thịt trắng có đặc điểm là cung cấp protein phong phú, hàm lượng chất béo thấp, không dễ gây ra bệnh "ba cao" gồm huyết áp cao, mỡ máu cao và đường trong máu cao. Ngoài ra thịt trắng chứa nhiều axit béo không bão hòa, có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và mạch máu não, giảm nguy cơ ung thư.
Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Theo "Hướng dẫn chế độ ăn uống của cư dân Trung Quốc 2016", lượng thịt gia cầm và hải sản ăn vào hàng ngày nên ở mức 40-75g/ngày đối với người trưởng thành.