Các bác sĩ BVĐK MEDLATEC vừa thực hiện phẫu thuật cắt trĩ cho bệnh nhân nữ N.T.L.D, 18 tuổi ở Bắc Ninh. Theo chia sẻ của bệnh nhân, cách đây 3 năm đã phát hiện bị trĩ ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không điều trị.
Gần đây, búi trĩ sa lồi nhiều hơn và gặp bất tiện trong sinh hoạt với dấu hiệu đại tiện đau rát, ra máu, vận động đi lại và ngồi khó khăn hơn mới vào viện khám. Các bác sĩ đã kết luận chị D. bị trĩ hỗn hợp độ 3, nứt kẽ hậu môn và chỉ định điều trị cắt trĩ bằng phương pháp Longo để tránh biến chứng.
Bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh BV
BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK MEDLATEC cho biết, ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ tuổi mắc trĩ. Bệnh này trước chủ yếu gặp ở phụ nữ sau sinh, người lớn tuổi hoặc nam giới uống rượu bia nhiều.
Người trẻ mắc bệnh trĩ chủ yếu là do lối sống thiếu lành mạnh. Giới trẻ ăn ít rau củ quả dẫn tới thiếu chất xơ, gây táo bón và dẫn đến trĩ. Đồng thời, các bạn trẻ lại thường có thói quen thức khuya, ngồi máy tính nhưng lười vận động. "Như trường hợp bệnh nhân D còn trẻ, chưa lập gia đình nhưng đã mắc trĩ độ 3 nguyên nhân chính là do lười ăn rau, ngồi nhiều ít vận động và có tiền sử mắc trĩ lâu ngày nhưng chủ quan không điều trị. Bệnh nhân không thể điều trị bắng thuốc được do búi trĩ sa lồi, đại tiện ra máu nên phải phẫu thuật cắt trĩ điều trị triệt để nhằm tránh biến chứng thiếu máu mãn tính do xuất huyết ở búi trĩ" – BS Thưởng cho biết.
Chuyên gia cho biết, bệnh trĩ gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân trong việc sinh hoạt. Búi trĩ bị tổn thương, nhiễm trùng có thể chảy máu liên tục, sa nghẹt búi trĩ, xuất hiện dịch nhầy, mùi hôi khó chịu. Người bệnh khi đó không chỉ đau mà còn khó khăn trong sinh hoạt. Ở cấp độ nặng, người bệnh có thể chảy máu rất nhiều khi đại tiện, ra máu thường xuyên. Cơ thể bị mất máu, mệt mỏi. Có nhiều trường hợp búi trĩ bị viêm dẫn tới tình trạng nhiễm trùng máu, búi trĩ bị viêm loét, hoại tử, rò rỉ hậu môn không kiểm soát.
Bệnh trĩ được chia làm 2 loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là Búi trĩ hình thành phía trong hậu môn, bên ngoài không nhìn thấy được. Còn trĩ ngoại, búi trĩ nằm ở dưới đường lược, xuất phát từ đám rối trĩ ngoại (mạch trực tràng dưới) và lòi ra bên ngoài hậu môn giống như một đoạn thịt thừa có thể sờ tay thấy.
Bệnh chia làm 4 cấp độ. Với độ 1 và 2, việc điều trị thường là nội khoa và hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày thì sẽ ổn định. Còn đối với trĩ độ 3, 4 trở lên khi búi trĩ sa lồi, có thể phải dùng tay đẩy lên hoặc búi trĩ sa lồi liên tục hoặc có biểu hiện đại tiện ra máu, đau rát hậu môn thì người bệnh đã bị nặng nên cần phẫu thuật cắt trĩ.
Để phòng tránh bệnh trĩ khi còn quá trẻ, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần:
+ Có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý;
+ Uống đủ nước, ăn rau, củ quả;
+ Hạn chế ngổi nhiều, hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại;
+ Trẻ cần được vận động hằng ngày, vận động thường xuyên, để tránh tình trạng táo bón xảy ra.
Theo các chuyên gia, bệnh trĩ là bệnh khó nói. Bởi vậy mà khi bị bệnh, mọi người thường e ngại đi khám và điều trị. Chỉ khi có biểu hiện nặng, thậm chí không thể chịu đựng được sự đau đớn, phiền toái nữa mới vào viện. Việc điều trị sớm sẽ càng đơn giản, giảm biến chứng và chi phí. Do đó, khi có những biểu hiện như: Đi ngoài ra máu, có cảm giác nặng tức ở hậu môn, mót rặn; Đau rát hậu môn trong và sau khi đi vệ sinh, và khi ngồi; Đi ngoài thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn thì người dân nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời… mọi người nên điều trị sớm.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật cắt trĩ. Trước đây có những phương pháp như tiêm xơ, thắt trĩ và hiện nay Y học phát triển có nhiều phương pháp cắt trĩ như: Phương pháp Milligan Morgan, phương pháp cắt trĩ Longo, phương pháp khâu treo triệt mạch trĩ THD, phương pháp Ferguson, Whitehead…. Bệnh nhân ít đau và quá trình hồi phục sớm hơn, từ 5- 7 ngày sẽ trở lại sinh hoạt bình thường. Tùy theo thể trĩ, tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp.