Vào mùa hè, nền nhiệt tăng cao, nếu không cẩn thận, vận động quá nhiều và đổ mồ hôi có thể dẫn đến say nóng, buồn nôn, đau đầu và mất nước. Nếu ở quá lâu trong điều kiện thời tiết nóng bức, hệ thống làm mát tự nhiên của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến mệt mỏi và say nắng.
Chỉ uống nhiều nước thôi là chưa đủ, vì cơ thể bạn không chỉ mất nước mà còn mất các chất điện giải và muối do đổ mồ hôi trong quá trình vận động.
Chất điện giải bao gồm kali, natri, clorua, phốt pho, magiê và canxi. Mất cân bằng điện giải trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến co cứng cơ, co giật, suy nhược, rối loạn nhịp tim, tê liệt và thậm chí tử vong do ngừng tim.
Ảnh minh họa: Internet
Sau đây là những điều cần nhớ để tập thể dục an toàn trong mùa hè:
Chọn khung giờ phù hợp
Thời gian tốt nhất để tập thể dục trong mùa hè là sáng và chiều tối, nên tránh thời điểm từ 10-15h vì lúc này nhiệt độ cao nhất, sức nóng mạnh dễ khiến bạn bị kiệt sức, choáng. Trong những ngày mát mẻ, bạn có thể tập vào lúc 8- 9h sáng, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn tập từ 6h sáng, vì lúc này trời đã sáng, cây cối đã nhả oxy, thời tiết lại mát mẻ. Thời gian sau đó bạn có thể nghỉ ngơi để chuẩn bị cho công việc.
Ngoài đi bơi ra, không nên tập luyện vào buổi trưa để tránh bị say nắng. Tia tử ngoại có trong ánh nắng mùa hè thường rất mạnh. Nếu phơi nắng trong thời gian dài da sẽ bị cháy nắng. Tia tử ngoại còn có thể xuyên qua da và xương, gây tổn hại đến não, võng mạc và con ngươi mắt.
Nếu bạn là người chỉ tập ở các phòng tập thì vấn đề thời tiết không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch của bạn. Nhưng nếu bạn thường xuyên tập luyện ngoài trời thì hãy xem dự báo thời tiết, đặc biệt là những cảnh báo về nhiệt độ. Tập luyện dưới thời tiết nắng, nhiệt độ cao trong ngày hè có thể khiến bạn say nắng. Thậm chí tập khi chiều đã tắt nắng nhưng nhiệt độ vẫn cao thì bạn không nên tập vì vẫn có thể bị mệt. Tùy theo thời tiết từng ngày mà bạn nên điều chỉnh giờ tập cũng như lựa chọn quần áo cho phù hợp.
Mặc quần áo rộng và sáng màu
Màu tối hấp thụ nhiệt, trong khi quần áo màu sáng phản xạ nhiệt. Mặc quần áo bó sát sẽ khiến bạn nóng bức, gây khó chịu và khiến bạn khó thở. Mặc quần áo rộng rãi để không khí lưu thông trên da nhiều hơn và giữ mát cho cơ thể. Cotton là loại vải tốt nhất bạn nên mặc nếu tập luyện ngoài trời, vì nó thấm hút mồ hôi tốt.
Nhất định phải chống nắng
Dù là mùa hè hay mùa đông, nếu bạn đang tập thể dục ngoài trời, hãy luôn thoa kem chống nắng có chỉ số ít nhất là SPF 30 hoặc cao hơn. Không bôi kem chống nắng có thể dẫn đến cháy nắng, làm tăng nguy cơ lão hóa sớm và ung thư da. Mặc quần áo bảo hộ đầy đủ để giảm tiếp xúc của da với ánh nắng mặt trời.
Lựa chọn môn thể thao phù hợp
Cách tốt nhất để duy trì hoạt động thể chất trong mùa hè là lựa chọn môn thể thao phù hợp như bơi hoặc đạp xe. Đây được xem là những hình thức tập luyện khả thi giúp bạn duy trì lối sống vận động.
Uống nhiều nước
Dù tập ở môi trường nào thì cơ thể cũng đòi hỏi cung cấp nước nhưng tập ngoài trời và tập vào mùa hè càng cần bổ sung nước tốt hơn. Mất nước là 1 trong những yếu tố quan trọng gây ra các bệnh do nhiệt. Nước giúp quá trình bài tiết mồ hôi diễn ra nhịp nhàng.
Mùa hè đã làm cơ thể nóng và ra nhiều mồ hôi. Vì vậy, chúng ta cần điều hoà để tránh cho tổng lượng nước cơ thể đào thải ra quá lớn. Tránh nắng nóng gay gắt là điều cần làm để hạn chế lượng mồ hôi bị mất gây ra trạng thái rối loạn cân bằng do mất nước và mất muối. Điều này làm cơ thể rất mệt mỏi và có thể bị chuột rút.
Trong những ngày nắng nóng, trước khi vận động 30 phút. Nên uống ít nhất hai cốc nước để chống mất nước cho cơ thể. Trong quá trình tập thể thao, bất kể khi nào cảm thấy khát, chúng ta có thể uống một ngụm nhỏ. Lượng nước này không gây ra “xóc” bụng mà giúp bổ sung nước kịp thời. Loại nước tốt nhất không phải là loại nước công nghiệp, đắt tiền mà chỉ đơn giản là nước đường muối với công thức tương tự như nước oresol.
Nếu có kế hoạch tập luyện với cường độ cao hoặc lâu hơn 1 giờ. Hãy xem xét một loại nước uống dành cho những người luyện tập thể thao. Thay vì chỉ dùng đơn thuần nước lọc. Thức uống này có thể giúp bổ sung natri, clorua và kali mà cơ thể bị mất qua mồ hôi.
Chú ý các dấu hiệu cảnh báo
Đừng tập luyện đến mức cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu hoặc buồn nôn. Lắng nghe cơ thể của bạn và dừng lại ngay lập tức nếu bạn cảm thấy bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào. Hãy chú ý các dấu hiệu như nhịp tim nhanh, choáng váng, suy nhược, chóng mặt, nhức đầu, chuột rút, nôn mửa… Nếu điều này xảy ra, hãy ngồi xuống, uống nước và ăn một chút trái cây hoặc đồ ăn nhẹ bổ dưỡng.