Khi uống rượu bia, bạn thường cảm thấy buồn ngủ. Nhiều người uống thêm cà phê mong lấy lại sự tỉnh táo để giải quyết công việc. Tuy nhiên đó là một sai lầm tai hại. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo tuyệt đối không nên kết hợp cà phê với rượu.
Cà phê được khuyến cáo tuyệt đối không uống cùng bia rượu. Ảnh minh họa
Chất cồn trong rượu có tác dụng kích thích thần kinh, caffein trong cà phê cũng có tác dụng kích thích thần kinh mạnh. Nếu uống cả hai cùng lúc sẽ khiến thần kinh căng thẳng, cáu gắt, uống khi bị đau đầu hay mất ngủ sẽ khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Một số chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng uống cà phê và rượu cùng một lúc sẽ gây hại lớn cho cơ thể, nhiều trường hợp đã bị xuất huyết não sau khi kết hợp 2 đồ uống cùng nhau. Bên cạnh đó, sự kết hợp này không chỉ ảnh hưởng tới chức năng của tim mà còn có nguy cơ để lại hậu quả nặng nề. Nếu chúng ta đang gặp một số vấn đề về tim hoặc một người bị nhịp tim nhanh kịch phát, uống cà phê và rượu cùng nhau sẽ gây ra hậu quả tồi tệ hơn.
Ngoài bia rượu, 3 nhóm thực phẩm sau cũng được khuyến cáo không kết hợp cùng cà phê
Không uống cà phê cùng trà
Trà và cà phê là 2 món được khuyến cáo không kết hợp cùng nhau. Ảnh minh họa
Cả trà và cà phê đều có chức năng tăng cường tuần hoàn máu, làm sảng khoái não và sảng khoái tinh thần, việc sử dụng cả hai sẽ tăng cường khả năng hưng phấn của thần kinh đại não, từ đó ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vì vậy, hãy nhớ rằng không nên kết hợp 2 đồ uống này cùng nhau.
Không uống cùng các loại thịt
Uống cà phê có thể làm cho bạn bài tiết kẽm hoặc ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ kẽm. Vì vậy, bạn nên tránh uống cà phê trong hoặc sau khi ăn thực phẩm có chứa kẽm, chẳng hạn như hàu, thịt đỏ, thịt gia cầm và đậu.
Không thực phẩm giàu sắt
Đừng ăn những thực phẩm giàu sắt khi uống cà phê nếu không sẽ làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Axit tannic có trong cà phê sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt của ruột, thậm chí làm giảm tỷ lệ hấp thu tới 75%. Do đó, sau khi ăn hoặc khi đang ăn các thực phẩm giàu sắt, không nên uống cà phê hoặc chỉ nên uống trước khi ăn.
Sắt có nhiều trong rong biển, gan động vật, thịt đỏ... Một số loại thực vật cũng rất giàu sắt như đậu Hà Lan, các loại hạt, đậu lăng, đậu xanh và các sản phẩm từ đậu nành.
4 thời điểm không nên uống cà phê
Ảnh minh họa
Cà phê giúp bạn tỉnh táo, tăng cường năng lượng. Tuy nhiên, không phải thời điểm nào uống cà phê cũng có lợi.
Không uống khi còn quá nóng: Nhiều người có thói quen uống cà phê ngay khi vừa pha xong, lúc vẫn còn rất nóng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tiêu thụ đồ uống nóng trên 65 độ C có thể tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Thông thường, các nhà hàng đều phục vụ cà phê ở nhiệt độ từ 63-79 độ C, nếu bạn pha cà phê ở nhà cũng sử dụng nước nóng tới 85 độ C. Vì vậy, hãy cố gắng chờ khoảng 5 phút, nhiệt độ cà phê lúc này sẽ ở mức an toàn dưới 65 độ C.
Không uống khi bạn đang lo lắng, căng thẳng: Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng, tâm trạng không tốt, cà phê có thể làm tình trạng này tồi tệ hơn. Caffeine trong cà phê có tác dụng kích thích lên hệ thần kinh, sản sinh ra hormone căng thẳng cortisol, ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây mệt mỏi, rối loạn nhận thức.
Không uống khi thiếu ngủ: Nhiều người cho rằng cà phê là giải pháp tự nhiên giúp bạn tỉnh táo hơn khi buồn ngủ. Nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy caffeine sẽ không có tác dụng như vậy nếu bạn ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày trong 3 đêm liên tục. Thiếu ngủ gây suy giảm đáng kể trong hoạt động nhận thức và caffeine không thể cải thiện được tình trạng này dù bạn uống nhiều.
Không uống vào sáng sớm: Uống cà phê vào 6h sáng không giúp bạn tăng cường năng lượng. Trong vài giờ đầu tiên khi thức dậy, lượng hormone cortisol đang ở mức cao nhất, giúp bạn tỉnh táo tự nhiên. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên thời gian tốt nhất để uống ly cà phê đầu tiên là vào 10h-12h sáng, khi nồng cortisol bắt đầu giảm.