Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) hay còn gọi là Tết Đoan Dương vốn có nguồn gốc sâu xa từ Trung Quốc nhưng khi về nước ta, nó đã được Việt hóa, trở thành Tết “giết sâu bọ” và thờ cúng tổ tiên.
Vào ngày này mọi người phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết. Lễ cúng trong ngày này thường là hoa quả theo mùa, bánh trái có nguồn gốc tự nhiên... thường không thể thiếu. Ngoài ra còn có các món ăn khác tuỳ theo địa phương.
Theo truyền thống, cũng trong dịp này, các gia đình lại chuẩn bị hoa quả, bánh trái để thắp hương. Chị Nguyễn Thơ Thơ vốn rất quan tâm đến các ngày lễ truyền thống nên đã chuẩn bị rất tươm tất mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ.
Chị Nguyễn Thơ Thơ chuẩn bị mâm cỗ Tết Đoan Ngọ rất đẹp mắt.
9X chia sẻ, "Mình rất thích những ngày lễ truyền thống của Việt Nam, một phần lí do là để có dịp mời người thân đến nhà sum họp, quây quần, và thể hiện sở thích trang trí nhà cửa của mình. Lễ cúng là những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ "sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật… Cúng ngày này thì mình ưu tiên mùa nào thức nấy", chị nói.
Dưới đây là mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ đơn giản, đẹp mắt và đầy ý nghĩa của chị Thơ Thơ, các bạn có thể tham khảo:
Chuẩn bị:
- Trái cây: Vải, mận, đào… đang vào chính vụ. Đây là những loại quả ngon rẻ mà còn giúp "diệt trừ sâu bọ" trong cơ thể.
- Rượu nếp: Theo quan niệm dân gian, vị nồng của rượu nếp và vị cay của men rượu giúp diệt kí sinh trong cơ thể người.
- Bánh gio (bánh tro), xôi (hoặc cốm), chè bà cốt, bánh xu xê.
- Nước sạch, vàng mã, hương, ấm trà, trầu cau, nến.
- Mâm phật thủ.
- Hoa sen (đang giữa mùa), hoa cau, hoa cúc, hoa trang trí thêm nếu thích.
- Hoa thơm bầy mâm: Hoa nhài, hoa ngọc lan, hoa móng rồng.
Bày mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ:
- Chuẩn bị 1 mâm chính to, đầu mâm cắm đĩa hoa, xếp hoa quả, rượu nếp, bánh trái, trầu cau.
- Một mẹt hoa tươi những loại hoa thơm phức vì mình được hướng dẫn rằng thắp hương thì thắp những thứ dậy mùi thơm, vì phần thực họ không dùng được, nên thưởng thức mùi hương tự nhiên ngon lành toả ra từ đồ dâng lễ.Trên bàn thờ phật chỉ thờ đồ chay, không để rượu vợ chồng dễ mẫu thuẫn …
Xung quanh bầy thêm bát chè, đĩa xôi gấc, đĩa cốm, ấm trà, lư trầm.
Cách nấu chè bà cốt trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ:
- Gạo nếp, gừng, đường mía, đường nâu, muối.
- Nướng gừng lên lửa cho thơm. Thái sợi 1/2 củ còn lại đập dập lọc lấy nước.
- Đun nước sôi cùng đường nâu, thả gạo (tỉ lệ như nấu cháo loãng), nước cốt gừng, một xíu muối trắng để thêm đậm đà, nấu trên lửa nhỏ đến khi gạo bung nhẹ, sau đó thả gừng sợi vào và thêm mật mía cho đủ ngọt.
Chúc các bạn thành công!